Theo đó, mực nước lúc 4h sáng 3/11 trên sông Vệ tại trạm Sông Vệ 3,39m, dưới báo động 2 là 0,11m; sông Kôn tại Thạch Hòa 7,7m, dưới báo động 3 là 0,3m (lúc 03h/03); sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng 10,94m, trên báo động 3 là 1,44m.
Hiện lũ trên các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa và Gia Lai đang lên. Sở NN-PTNT Bình Định đã đề nghị UBND tỉnh cho phép vận hành điều tiết hồ Định Bình với lưu lượng xả bằng lưu lượng đến hồ và di chuyển 05 hộ dân thôn Tân Phú, xã Đức Mỹ, huyện Phù Mỹ.
Lũ hạ lưu sông Vu Gia và Thu Bồn (Quảng Nam) đã đạt đỉnh và đang xuống. Mực nước lúc 16h chiều 2/11 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa 7,52m, dưới BĐ2 là 0,48m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu 1,99m nằm ở mức BĐ1.
Lúc 20h tối 2/11, mực nước lũ sông Vu Gia tại trạm thủy văn Vu Gia 7,47m, dưới báo động 2 là 0,53m. Nếu mưa ít và thủy điện xả lũ có chừng mực thì mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa sẽ tiếp tục dao động xấp xỉ mức báo động 2.
Trong khi đó, lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum đang xuống.
Mực nước lúc 01h ngày 03/11 trên sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 12,78m, dưới BĐ3 0,72m; tại Hòa Duyệt 10,06m, dưới BĐ3 0,44m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 2,41m, trên BĐ2 0,21m; sông Sê San tại Kon Tum 517,78m, dưới BĐ1 0,22m.
Chi cục PCTT miền Trung – Tây Nguyên cũng cho biết, mực nước lúc 4h sáng 3/11 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa 7,95m, xấp xỉ BĐ2; sông Trà Khúc tại Trà Khúc 4,01m, trên BĐ1 0,51m.
Theo dự báo, lũ trên các sông ở Quảng Nam, các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa và Gia Lai tiếp tục lên; các sông ở Hà Tĩnh đến Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum tiếp tục xuống.
Trưa chiều 3/11, mực nước sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ xuống mức 12,40m, trên BĐ2 0,4m; tại Hòa Duyệt 9,90m, dưới BĐ3 0,6m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 2,1m, ở mức BĐ2; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 8,1m, trên BĐ2 0,1m; sông Trà Khúc tại Trà Khúc ở mức 3,5m, ở mức BĐ1; sông Vệ tại trạm Sông Vệ ở mức 3,0m, trên BĐ1 0,5m; sông Kôn tại Thạch Hòa lên mức 8,2m, trên BĐ3 0,2m; sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng lên mức 11,5m, trên BĐ3 2,0m; sông Ba tại Ayunpa 154,8m, trên BĐ2 0,3m, tại Củng Sơn 31,5m, dưới BĐ2 0,5m, tại Phú Lâm 2,7m, ở mức BĐ2. lũ các sông ở Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Kon Tum dao động ở mức BĐ1.
Hiện tình trạng ngập lụt tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, Lệ Thủy (Quảng Bình); Cam Lộ (Quảng Trị) tiếp tục giảm dần.
Tuy nhiên có nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Gia Lai, Kon Tum.
Đặc biệt là các huyện Tây Giang, Đại Lộc (Quảng Nam); Sơn Tây, Sơn Hà (Quảng Ngãi); Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định); An Khê, Ayunpa, Manggiang, Phú Thiện, IaPa (Gia Lai); Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy Hòa (Phú Yên) cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa trên địa bàn các địa phương vừa nêu, đặc biệt là các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Gia Lai.
Cũng theo Chi cục PCTT miền Trung – Tây Nguyên, đêm hôm qua (tính đến 01h ngày 03/11), ở các tỉnh từ Quảng Trị đến đến Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 20-80mm, riêng Tuy Hoà 86mm, Sơn Hòa 100mm.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ ổn định sau suy yếu kết hợp với gió đông trên cao nên từ nay đến hết ngày 4/11 ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; Tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên 100-250mm, có nơi trên 250mm.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 6-8 độ Vĩ Bắc nên các tỉnh Nam Bộ có mưa, mưa vừa và rải rác có dông. Tổng lượng mưa trong 24 giờ tới (tính đến 19 giờ ngày 03/11) phổ biến 20-40mm, có nơi trên 50mm.
Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị-Quảng Ngãi, tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.
Sóng biển cao từ 2-3m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nêu trên, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông, trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh. Sóng biển cao từ 1.5-2.5 m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Chi cục PCTT miền Trung – Tây Nguyên cũng cho biết, từ 19h ngày 01/11 đến 19h ngày 02/11, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam, Gia Lai và Đăk Lăk có mưa, mưa vừa, có nơi to, lượng mưa phổ biến 30-60mm.
Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to lượng mưa phổ biến từ 60-120mm. Các tỉnh khác trong khu vực có mưa vài nơi, lượng mưa phổ biến dưới 10mm.
Hiện các hồ chứa thủy lợi của các tỉnh Bắc Trung Bộ lượng nước trung bình đạt từ 70-90% dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt mức cao như: Tiên Lang 101% (Quảng Bình); Trung Chi 97%, Khe Mây 97% (Quảng Trị); Hòa Mỹ 101% (Thừa Thiên Huế).
Các hồ chứa của các tỉnh Nam Trung bộ trung bình đạt từ 50- 70% dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt mức cao như: Thạch Bàn 113% (Quảng Nam); Hòn Lập 87% (Bình Định); Suối Trầu 113% (Khánh Hòa); Tân Giang 97% (Ninh Thuận); Cà Giây 108%, Sông Quao 98% (Bình Thuận).
Các hồ chứa trên 100 triệu m3 hiện đạt ở mức trung bình và thấp như: Phú Ninh 221, 5/344 triệu m3 đạt 64%, Định Bình 163,5/226,13 triệu m3 đạt 72%, Núi Một 22,02/110 triệu m3 đạt 20%.
Các hồ chứa của các tỉnh Tây Nguyên: Trung bình đạt từ 70-90% dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt mức cao như Đắk Uy 90% (Kon Tum); Ia Hrung 102% (Gia Lai); Đạ Tẻ 124%, Đạ Hàm 104% (Lâm Đồng); Ea Soup Thượng 102% (Đăk Lăk)...
Các hồ chứa trên 100 triệu m3 đạt mức cao: Ayun hạ 224,6/253 triệu m3 đạt 89%, Ea Soup Thượng 149,2/146,94 triệu m3 đạt 102%, Krông Buk Hạ 106,6/109,34 triệu m3 đạt 98%.
Trong ngày 2/11, các hồ thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế (A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, Trả Trạch) và trên trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn (Sông Bung 4, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2) xả lũ điều tiết theo quy trình vận hành liên hồ chứa theo Lệnh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Thủy điện An Khê-Ka Nak trên lưu vực sông Ba xả lũ điều tiết theo quy trình vận hành.
Tại nhà máy thủy điện A Roàng, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở taluy dương, đát đá đã tràn vào nhà máy phát điện làm gián đoạn quá trình vận hành nhà máy.
Hiện nhà máy và Bộ CHQS tỉnh đã điều động 70 cán bộ, chiến sĩ cùng vật tư, xe máy thiết bị để xử lý sạt lở, đang bơm nước ngập trong nhà máy ra ngoài, việc sạt lở không ảnh hưởng đến dân cư hạ du.