Bữa mỳ tôm "vội" của 2 cụ già sống trên nóc nhà trong cơn lũ miền Trung

Ngọc Tú |

Lũ lớn đổ về khiến người dân các xã của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị đảo lộn. Nhà ngập quá nửa, người dân phải leo lên nóc nhà, kèm theo đó là những bữa ăn vội vàng, thiếu thốn.

Lũ rút chậm, hơn 800 hộ dân vẫn chìm trong nước

Nhà dân chìm trong lũ lụt.

Đến chiều 2/11, nước lũ trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã có dấu hiệu rút mạnh, mưa giảm bớt. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 8 xã trên địa bàn với hơn 800 hộ dân bị ngập lụt.

Hơn 2 ngày qua, nước lũ về, chia cắt đường khiến ngồi nhà của anh Lê Văn Tuất (45 tuổi; trú xóm 1, xã Phúc Điền, Hương Khê, Hà Tĩnh) bị ngập quá nửa nhà. Không còn đường đi, anh Tuất phải dùng thuyền để đi lại.

Bữa mỳ tôm vội của 2 cụ già sống trên nóc nhà trong cơn lũ miền Trung - Ảnh 2.

Đến chiều 2/11, nước lũ ở huyện Hương Khê đã rút chậm nhưng vẫn còn hơn 800 hộ bị ngập sâu trong nước lũ.

Ngôi nhà nhỏ của anh Tuất ở vùng thấp nhất xóm nên từ tối 31/10, mưa lớn nước dâng đã khiến nhà anh bị ngập đầu tiên. Rút kinh nghiệm từ trận lũ trước, lần này anh Tuất đã chủ động mang tài sản quý giá trong gia đình lên gửi nhà người thân cách đó vài trăm mét.

Tuy nhiên, vì nhà khá nhiều đồ nên mấy con gà, vịt anh Tuất không kịp chuyển đi nên bị nước cuốn trôi.

Bữa mỳ tôm vội của 2 cụ già sống trên nóc nhà trong cơn lũ miền Trung - Ảnh 3.

Một người dân chèo thuyền di chuyển đồ đạc và đem theo chú chó chạy lũ.

"Bữa trước, thấy mưa to, nước mấp mé sân là tôi đưa đồ đi gửi ngay. Còn tủ với giường và 2 chiếc xe đạp thì vẫn để đó. Tôi đưa vợ và 2 con lên nhà bà để ở cho an tâm. Mình tôi phải ở lại để trông chừng nước lũ rút hay lên để còn biết đường ứng phó", anh Tuất nói.

Bữa mỳ tôm vội của 2 cụ già sống trên nóc nhà trong cơn lũ miền Trung - Ảnh 4.

Nhà anh Tuất bị ngập sâu, anh phải đưa vợ con đi ở nhờ nhà người thân rồi một mình chèo thuyền ở lại canh lũ.

Một mình ở lại, anh Tuất chỉ dám ngồi trên thuyền vì sợ nếu nước lên nhanh thì còn kịp để chèo đi. Đến giờ ăn trưa và tối, anh lại chèo thuyền đi đến nhà người thân ăn vì nhà ngập không còn chỗ nấu.

Chia sẻ về những khó khăn, mất mát sau 2 đợt lũ ập đến, anh Tuất chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Có lẽ chưa bao giờ anh lại phải đối diện những đợt lũ tàn khốc và nhiều như vậy.

Bữa mỳ tôm vội của 2 cụ già sống trên nóc nhà trong cơn lũ miền Trung - Ảnh 5.

Đến bữa trưa và tối, anh Tuất lại chèo thuyền đi ăn nhờ nhà người thân

"Năm 2010 là đợt lũ lịch sử. Đợt đó nhà tôi chìm hẳn không còn thấy gì. Còn đợt này thì lại 2 trận lũ kéo đến liên tiếp. Cuộc sống vợ chồng chỉ làm nông thôi nên cứ lũ về là lại đói khổ", anh Tuất buồn rầu chia sẻ.

Cũng giống như gia đình anh, nhiều hộ dân khác ở xã Phúc Điền phải chịu cảnh đói khổ trong những ngày mưa lũ. Nhà ngập, đường ngập khiến việc đi lại khó khăn. Những bữa cơm của người dân nơi đây cũng vội vàng để chạy lũ.

Bữa mỳ tôm vội của 2 cụ già sống trên nóc nhà trong cơn lũ miền Trung - Ảnh 6.

Nhà ngập hết, vợ chồng chị Hiền gửi con ở nhà bà rồi 2 vợ chồng dùng thang leo lên nóc nhà ở.

Ngồi trên chiếc thuyền nhỏ của gia đình, chị Hồ Thị Thu Hiền (trú xóm 1, xã Phúc Điền) nói trong ngao ngán: "Lũ về lại khổ nữa rồi các chú ơi. Chưa đầy nửa tháng mà 2 đợt lũ liền.

Cũng may đợt này nước lên chậm nên nhà tôi còn đi gửi các con ở nhà bà và cất được ít đồ. Còn tủ, giường và mấy thứ không kịp cất bị nước nhấn chìm hết. Mong sao nước rút nhanh để chúng tôi còn về nhà mà làm ăn sinh sống chứ thế này thì khổ quá".

Bữa mỳ tôm vội của 2 cụ già sống trên nóc nhà trong cơn lũ miền Trung - Ảnh 7.

Chị Hiền chèo thuyền trong nhà canh lũ và luôn sẵng sàng lưới để bắt cá ăn trong những ngày lũ.

"Nhà tôi chỉ còn mỳ tôm ăn cho qua ngày"

Nhà bị nước ngập tách biệt hẳn với bên ngoài, gia đình ông Nguyễn Văn Cừ (81 tuổi) và bà Trần Thị Phúc (76 tuổi) trú xóm 7, xã Hà Linh (Hương Khê) cũng phải quay quắt để chống chọi trong hơn 2 ngày qua.

Nhà có 7 người con thì 4 người đi làm ăn xa còn 3 người ở nhà cũng bị ngập nên chẳng giúp gì được bố mẹ, ông Cừ đành phải làm thang để 2 vợ chồng leo lên nóc nhà sống tạm trong những ngày mưa lũ.

Bữa mỳ tôm vội của 2 cụ già sống trên nóc nhà trong cơn lũ miền Trung - Ảnh 8.

Nhà ông Cừ ngập hết, chia cắt với bên ngoài.

Do bị đau chân, một mắt mù và bị điếc nên suốt ngày bà Phúc chỉ ngồi một chỗ. Còn ông Cừ thỉnh thoảng lại chèo chiếc bè tạm đi xung quanh để kiểm tra nước rút nhưng ông không dám đi xa vì tuổ cao sức yếu.

Nước ngập, 2 vợ chồng ông phải đưa bếp nên nóc nhà nấu nước và sinh hoạt luôn trên đó. Nhưng nước ngập hơn 2 ngày qua nên giờ gia đình ông chẳng có gì ăn ngoài những gói mỳ tôm của các đoàn cứu trợ trước cho. Đói, khổ nhưng vợ chồng ông cũng cố gắng ăn để chờ ngày lũ rút.

Bữa mỳ tôm vội của 2 cụ già sống trên nóc nhà trong cơn lũ miền Trung - Ảnh 9.

Ông Cừ phải làm thang leo lên nóc nhà cùng vợ sống trong mấy ngày lũ.

"Hai bữa qua còn nấu cơm và có thức ăn chứ trưa nay chẳng có gì nên phải lấy mỳ tôm ra ăn tạm. Tối nay không biết ăn gì đây có khi lại lấy mỳ tôm ra ăn tiếp.

Chỉ mong sao nước lũ rút nhanh chứ tôi già cả rồi không chịu được nữa...", ông Cừ nói.

Trao đổi với PV, ông Lê Quang Vinh - Chánh văn phòng Ban phòng chống lụt bão huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, hiện nước lũ trên địa bàn đã rút bớt. Dự kiến trong đêm nay nước lũ sẽ rút mạnh và có thể sẽ rút hết trên địa bàn huyện.

Bữa mỳ tôm vội của 2 cụ già sống trên nóc nhà trong cơn lũ miền Trung - Ảnh 10.

Không còn gì ăn, vợ chồng ông Cừ phải nấu nước pha mỳ tôm ăn.

Bữa mỳ tôm vội của 2 cụ già sống trên nóc nhà trong cơn lũ miền Trung - Ảnh 11.

Bữa mỳ tôm "vội" của vợ chồng ông Cừ trong những ngày lũ đến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại