Lữ đoàn Đức cải trang làm quân Mỹ và kết cục bi thảm

Lê Ngọc |

Cải trang làm quân Mỹ để hoạt động phá hoại, “Lữ đoàn xe tăng số 150” Đức đã nhanh chóng bị xóa phiên hiệu.

Cuối năm 1944, quân đội Đức mở chiến dịch quy mô lớn Ardennes ở mặt trận phía Tây nhằm đánh bại các lực lượng Anh-Mỹ ở Bỉ và Hà Lan. Một chiến dịch mang mật danh Unternehmen Greif (Capture) đã được vạch ra để hỗ trợ cuộc tấn công vào Bỉ. Mục tiêu của nó là bắt sống hoặc ám sát Dwight Eisenhower - Tổng tư lệnh liên quân Anh-Mỹ, chiếm giữ một hoặc nhiều cây cầu bắc qua sông Maas - không để cho chúng bị phá hủy, và gây rối loạn hậu phương quân Mỹ trước khi chiến dịch Ardennes mở màn.

Ý tưởng của chiến dịch Capture thuộc về Adolf Hitler, theo đó, một đơn vị phá hoại có quân số lên tới 3.300 người nói tiếng Anh, sử dụng trang phục của quân đội Mỹ, di chuyển trên các thiết bị quân sự chiến lợi phẩm của Mỹ thâm nhập sâu hậu phương đồng minh để hoạt động. Ngày 22/10/1944, Otto Skorzeny - Trung tá lực lượng SS, người gốc Áo - được triệu tập đến trụ sở của Hitler tại Rastenburg ở East Prussia để nhận nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch này.

Lữ đoàn Đức cải trang làm quân Mỹ và kết cục bi thảm - Ảnh 1.

Otto Skorzeny - người tổ chức và chỉ huy chiến dịch Capture; Nguồn: wikipedia.org

Skorzeny đã trở thành một trong những nhân vật được Hitler ái mộ sau thành công của chiến dịch Panzerfaust - tổ chức vụ bắt cóc Miklós Horthy Jr - con trai của chính gia trị Hungary - Đô đốc Miklós Horthy, buộc Horthy bố phải từ chức và Skorzeny được thăng lon Trung tá. Cũng chính Skorzeny đã tham gia giải cứu nhà độc tài người Ý Benito Mussolini khỏi bị giam cầm. Sau khi chúc mừng Skorzeny, Hitler đã nói qua kế hoạch tấn công Ardennes và vai trò, nhiệm vụ của viên sỹ quan SS này.

Trùm phát xít đã cho Skorzeny đúng một tháng để chuẩn bị. Thời gian quá gấp, nhưng Skorzeny không dám phản đối và bắt đầu chuẩn bị. Trước hết, y tìm những người biết nói tiếng Anh, dạy họ cách hành xử như người Mỹ, cùng các kỹ năng phá hoại. Một trung tâm huấn luyện những kẻ phá hoại đã được hình thành gần Nicheberg. Tù binh là lính và sĩ quan Mỹ bị bắt hướng dẫn cho những kẻ phá hoại người Đức các thói quen của người Mỹ. Skorzeny yêu cầu 28 xe tăng, 24 pháo tự hành, 120 xe tải, 30 xe bọc thép, 100 xe jeep và 40 mô-tô. Đức quốc xã không có đủ xe pháo, những chiếc xe tăng Con báo "Panthers" được sơn lại với các ngôi sao Mỹ, trông rất thộn.

Skorzeny - người tổ chức và chỉ huy chiến dịch bí mật, không có đủ thời gian để chuẩn bị hoặc thiếu đội ngũ trợ lý nhiều kinh nghiệm, nên may mắn không đứng về phía y. Thống chế Đức von Rundstedt không đánh giá cao chiến dịch, đã từ chối hợp tác với Skorzeny. Skorzeny buộc phải cậy nhờ sự giúp đỡ của Thống chế, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh tối cao Đức Quốc xã Wilhelm Keitel.

Lữ đoàn Đức cải trang làm quân Mỹ và kết cục bi thảm - Ảnh 2.

“Người hùng” Otto Skorzeny (đứng giữa) sau vụ giải cứu trùm phát xít Ý Mussolini; Nguồn: wikimedia.org

Viên Thống chế này đã làm Skorzeny kinh hoàng, khi công khai thông báo tuyển dụng những người tình nguyện, nói tiếng Anh theo âm ngữ Mỹ... cho một nhiệm vụ đặc biệt và tiết lộ cả địa chỉ - nơi bí mật huấn luyện những kẻ phá hoại. Lo ngại thông tin về chiến dịch bị phổ biến rộng, Skorzeny đã đề nghị Hitler hủy bỏ chiến dịch. Hitler đã thẳng thừng bác kiến nghị của Skorzeny, nhưng để đánh lạc hướng, đơn vị này được đặt biệt danh “Lữ đoàn tăng thứ 150”.

Skorzeny tuyển được 600 người ít nhiều biết tiếng Anh, bổ sung thêm quân số của SS lên tới 2.676 người. Tháng 12/1944, được cải trang bằng đồng phục của quân Mỹ, Lữ đoàn tăng thứ 150 đã được tung vào hậu phương Quân đoàn 1 Mỹ. Ở đấy, chúng đã phá hủy các đường dây liên lạc, điều chỉnh hỏa lực pháo binh và không quân đến những nơi tập trung nhiều quân Mỹ, phá hủy kho dự trữ nhiên liệu và đạn dược..., và đã phần nào gieo rắc hoảng loạn cho người Mỹ.

Sau hai ngày, nhận ra ở hậu phương, những kẻ phá hoại Đức cải trang làm quân Mỹ, người Mỹ đã áp dụng các biện pháp để tiêu diệt chúng. Trong quá trình bắt giữ, hơn hai phần ba những kẻ phá hoại đã bị giết. Một trong số trợ thủ đắc lực của Skorzeny bị bắt đã khai rằng, đích thân Skorzeny đang dẫn đầu một cuộc đột kích vào Paris để giết hoặc bắt tướng Eisenhower - người đang buồn do phải đón Giáng sinh năm 1944 một mình vì lý do an ninh.

Lữ đoàn Đức cải trang làm quân Mỹ và kết cục bi thảm - Ảnh 3.

Pháo tự hành Đức sơn sao trắng đóng giả quân Mỹ; Nguồn: historygreatrussia.ru

Skorzeny đã nghĩ ra một phương án, theo đó, một nhóm những kẻ tay chân thân tín của y trong quân phục Mỹ sẽ giải y - một tù binh, thẳng đến trụ sở của Eisenhower ở Versailles. Tại đó, Skorzeny sẽ đích thân hạ sát Tổng tư lệnh các lực lượng Anh-Mỹ, và tiếp tục chiến đấu. Khi biết về chiến dịch Capture, các lực lượng đặc biệt của Mỹ đã quyết định “tương kế tự kế”, đưa một viên trung tá, bề ngoài trông rất giống Eisenhower đóng giả Tư lệnh Eisenhower. Ngày 27/12/1944, những kẻ phá hoại người Đức định tấn công xe chở kẻ đóng thế Eisenhower, nhưng chúng đã bị bắt. Otto Skorzeny đã may mắn thần kỳ trốn thoát được về Berlin.

Nói thêm về viên sỹ quan SS nham hiểm này: ở Đức, đầu năm 1945 Skorzeny đã chỉ huy quân đội chính quy với tư cách một Thiếu tướng, tham gia bảo vệ các tỉnh East Prussia và Pomerania. Tháng 3/1945, y nhận lệnh phá hoại cây cầu còn nguyên vẹn cuối cùng bắc qua sông Rhine tại Remagen sau khi quân Đồng minh chiếm được. Nhưng cây cầu đã sụp đổ cùng ngày hôm đó, và đội phá hoại đã chuyển hướng tấn công cây cầu phao Đồng minh gần đó, giữa Kripp và Linz. Với công trạng này, y đã được Hitler trao tặng một trong những phần thưởng cao nhất của Đức - Huân chương Lá sồi Chữ thập.

Trốn thoát khỏi một trại cải tạo vào năm 1948, Skorzeny tá túc trong một trang trại ở Bavaria 18 tháng, sau đó chuồn về Paris và Salzburg trước khi định cư tại Francoist Spain. Năm 1953, là cố vấn quân sự cho Tổng thống Ai Cập Mohammed Naguib, Skorzeny tuyển dụng một đội ngũ cựu sĩ quan SS và Đức Quốc xã để huấn luyện Quân đội Ai Cập. Skorzeny cũng có thời gian lưu lạc đến Argentina - nơi y làm cố vấn cho Tổng thống Juan Perón và vệ sĩ cho phu nhân tổng thống Eva Perón. Năm 1962, Skorzeny được Mossad tuyển dụng; năm 1975, "người hùng" Đức Quốc xã này chết vì ung thư phổi tại Madrid ở tuổi 67./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại