Nước Anh đã khởi xướng một vòng xoáy trừng phạt – trả đũa mới đối với Nga, cùng sự tham gia của Mỹ và đông đảo các quốc gia trong khối EU – NATO. Lần này, đòn trừng phạt kinh tế của Anh sẽ nhắm vào trái phiếu Eurobond của Nga tại các Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Quốc tế tại Châu Âu như Euroclear và Clearstream.
(ND: Eurobond là loại trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ).
Biện pháp trừng phạt mới
Ông Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Cộng đồng của Quốc hội Anh, đã đưa ra đề xuất cấm giao dịch chứng khoán với chính phủ Nga. Theo ông này, dù bị phương Tây trừng phạt, nhưng Nga vẫn có thể vay từ các thị trường của EU và Mỹ để hỗ trợ các ngân hàng và tập đoàn năng lượng không có khả năng vay vốn do những điều khoản của lệnh trừng phạt.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng đề xuất trên của ông Tugendhat rất thú vị, và rõ ràng Thủ tướng Theresa May cũng đặc biệt chú ý đến đề xuất này.
Tuy nhiên, giới phân tích Nga đã bày tỏ những hoài nghi về sáng kiến của ông Tugendhat. Một số người cho rằng, động thái này của nước Anh sẽ giống như "tự bắn vào chân" nếu được thực thi, bởi các nhà đầu tư châu Âu có nguy cơ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng liên quan đến trái phiếu Eurobond.
Chính người Mỹ cũng đã thừa nhận rằng những đòn trừng phạt giáng vào khoản nợ quốc gia của Nga sẽ ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, việc các quan chức cấp cao của Anh đề cập đến vấn đề này cho thấy vụ cựu điệp viên Skripal có lẽ sẽ không chỉ dừng lại ở những đòn tấn công ngoại giao. Những đòn trừng phạt kinh tế mới rất có thể sẽ sớm được London công bố trong thời gian tới.
Những mối đe dọa trước mắt
Nhà phân tích tài chính Yevgeny Koggan đã chỉ ra mối đe dọa sau đây: "Khoản nợ quốc gia của Liên bang Nga không đáng kể nếu tính theo phần trăm GDP. Tỉ lệ khoản vay nước ngoài chiếm chưa đến 50% trong số đó.
Tuy nhiên, chính phủ Liên bang Nga chỉ sử dụng ngân sách nhà nước để hoàn trả các khoản vay trong lộ trình, chứ không chịu trách nhiệm về các khoản nợ công khác. Tất nhiên là trong trường hợp xảy ra điều nằm ngoài dự tính thì mọi người vẫn không phải chi trả bất cứ xu nào.
Có lẽ những người đứng đầu Quốc hội Nga sẽ coi tình huống này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, đề xuất này cũng có nhiều bất cập đối với London, như việc dần mất đi vị thế là một trong những "kinh đô tài chính thế giới".
Tất nhiên, họ sẽ mất một chút thời gian để nhận ra điều đó, nhưng khi họ "tỉnh ngộ", thì ván đã đóng thuyền, và mọi sự đều đã quá muộn. Đặc biệt, hiện tại nhiều tổ chức tài chính đã lên sẵn kế hoạch chuyển trụ sở đến Frankfurt, Đức. Như vậy, London sẽ không thể tiếp tục điều hòa dòng chảy tài chính, bao gồm cả luồng tài chính đến Nga do những điều khoản của Brexit. Họ đang đứng trước nguy cơ mỗi bước đi sai lầm đều có thể dẫn đến hậu quả khôn lường."
Giới phân tích tài chính Nga cũng thừa nhận động thái này cũng sẽ gây bất lợi cho Nga, đặc biệt là trong việc thu hút nguồn vốn nước ngoài. Tuy nhiên, tại Frankfurt cũng có một số điểm giao dịch trái phiếu tương tự như London. Hơn nữa, nhiều người dân châu Âu (đặc biệt là người Anh) sẽ chịu thiệt vì quyết định này. Năm ngoái, người dân Anh đã mua 39% tổng số trái phiếu Eurobond của Nga được phát hành trên thị trường châu Âu. Chắc chắn họ sẽ rất thất vọng nếu bà Theresa May quyết định phá hủy hệ thống tài chính này.
Còn đối với Nga, sau 4 năm "chung sống" với lệnh trừng phạt của phương Tây, họ đã chứng tỏ khả năng chống chọi tốt và tinh thần luôn sẵn sàng đối mặt với những điều "bất ngờ" và oái oăm nhất của các đối tác phương Tây. Do vậy, cho dù phương Tây có tiếp tục "ném đá", thì nước Nga vẫn sẽ bình tĩnh đối mặt với tất cả những khó khăn ấy.
Mỹ và 14 nước EU đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga