Lợn nuôi thả rông, ăn thức ăn thừa: Không hề sạch!

LV |

Lợn nuôi thả rông tự tìm thức ăn hoặc nuôi nhốt nhưng cho ăn thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn, bệnh viện rất dễ nhiễm cách mầm bệnh nguy hiểm.

Trước tình trạng dịch tả lợn Châu Phi lan rộng; lợn bị các bệnh nhiễm ký sinh trùng tràn lan, một số người tiêu dùng đã chọn giải pháp "đụng lợn", thuê người nuôi lợn ở quê, cho ăn bèo, cám, nước thải từ các nhà hàng… và tin đây là lợn sạch.

Bà Nguyễn Lan Chi - phố Phạm Thận Duật (Cầu Giấy - Hà Nội) có thói quên chỉ mua thịt lợn ở quê do người nhà tự nuôi bằng cám tự nấu hay các loại rau thu gom trong vườn. Theo bà, những con lợn này không có thuốc tăng trọng, không có chất cấm và rất sạch.

Nhưng thực tế không như bà Chi và nhiều người suy nghĩ. Ngược lại, một cán bộ dịch tễ - Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng: Nuôi lợn thả rông hay nuôi nhốt nhưng cho ăn thức ăn thừa thu gom từ các nhà hàng, khách sạn, thậm chí từ các bệnh viện là cách chăn nuôi hoàn toàn không khoa học, vô cùng nguy hiểm bởi nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Người nuôi thu gom thức ăn thừa từ nhiều nguồn để làm thức ăn cho lợn mà không ý thức được trong những thức ăn thừa này chứa đựng nhiều vi trùng, vi khuẩn, mầm bệnh nguy hiểm.

Đối với những con lợn được nuôi tại các hộ gia đình theo hình thức thả rông, lợn tự tìm thức ăn (không ăn thức ăn thừa thu gom)… cũng không thể coi là lợn sạch, bởi lợn là gia súc ăn tạp, trong quá trình tìm thức ăn có thể ăn cả tạp chất, chất thải, rau củ dính phân chó, mèo dẫn đến nguy cơ nhiễm giun sán từ các con vật này.

Theo PGS TS Lê Thành Đồng - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM, để chất lượng thịt thơm ngon cần có môi trường và nguồn nước đảm bảo.

Trang trại phải tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn, văn bản của nhà nước đã ban hành, thực sự ý thức tự giác kiểm tra các thông số về môi trường nuôi như nguồn nước, thức ăn; người chăn nuôi cần bỏ thói quen sử dụng kháng sinh, bổ sung kháng sinh vào nguồn thức ăn theo kiểu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Nuôi lợn thả rông hoặc lợn nuôi theo hình thức vườn – ao – chuồng, nếu chất thải không được thu gom và xử lý đúng quy định sẽ gây ô nhiễm môi trường, từ đó tác động ngược lại, gây ô nhiễm nguồn thức ăn thì chắc chắn không thể cho ra những con lợn có “thịt sạch”, mà còn khiến gia súc, gia cầm dễ bị nhiễm các loại bệnh giun sán, ký sinh trùng… như đã nói ở trên.

Điều này lý giải tại sao có tình trạng “lợn gạo”, lợn bị các loại bệnh khác được bán ra mà người tiêu dùng không hề biết, vẫn vô tư ăn và vô tư tin rằng: Lợn tự nuôi là sạch.

“Để chăn nuôi sạch, ngoài yếu tố chuồng trại theo đúng quy định, nguồn thức ăn phải khép kín. Những doanh nghiệp chăn nuôi lớn thường tự sản xuất nguồn thức ăn, khép kín từ khâu giống-thức ăn-chăn nuôi-giết mổ-phân phối ra thị trường để đảm bảo chuỗi thực phẩm an toàn” – ông Vũ Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc một doanh nghiệp chăn nuôi chia sẻ với PV Báo Lao Động.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đã đến lúc tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, khép kín và đảm bảo chất lượng, an toàn; bởi trong giai đoạn hội nhập, nếu vẫn tiếp tục giữ cách chăn nuôi cũ với năng suất thấp và chất lượng không ổn định, sản phẩm chăn nuôi sẽ bị hàng ngoại nhập "bóp chết" trên sân nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại