Bà Lý Mai Cẩn là một giáo sư, chuyên gia rất nổi tiếng của Trung Quốc trong lĩnh vực Tâm lý tội phạm học và Tâm lý trẻ em. Hiện tại, Giáo sư Lý đang công tác tại nhiều đơn vị, gồm Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc, Hiệp hội Phòng chống Tội phạm vị thành niên,...
Trong một chương trình phát sóng trực tiếp, Giáo sư Lý nhấn mạnh: Một đứa trẻ lớn lên thành công và có đạo đức chủ yếu là do cha mẹ bồi dưỡng từ khi còn nhỏ, nhất là trước khi lên 6 tuổi. Có thể nói, cha mẹ chính là người thầy khai sáng quan trọng nhất trong cuộc đời con trẻ. Nhưng điều này không liên quan nhiều đến trình độ văn hóa, bởi không ít cha mẹ không học cao vẫn có thể đào tạo ra thế hệ sau là những người có ích cho xã hội, có tư cách đạo đức.
Bà Lý Mai Cẩn.
Những câu chuyện đáng suy ngẫm
Giáo sư Lý Mai Cẩn chia sẻ, gần đây bà đã chứng kiến trường hợp hai đứa trẻ xảy ra mâu thuẫn ở trường mẫu giáo. Khi phát hiện con bị thương nhẹ, cha của 1 đứa trẻ đã lao vào lớp và đánh em nhỏ kia. Bà cho rằng, trên thực tế, khi có vấn đề giữa những đứa trẻ và cần phụ huynh đứng ra giải quyết, trước tiên cha mẹ phải nhận thức được rằng mình là người lớn, dù thế nào cũng không nên trút giận lên đầu trẻ con. Cách cha mẹ xử lý vấn đề, đứa trẻ có thể nhìn thấy tất cả.
Bà Lý kể: "Vì công việc, tôi thường xuyên trò chuyện với trẻ em. Một trong những câu hỏi mà tôi thường hỏi là: Từ khi còn nhỏ, câu nói nào mà cha mẹ thì thầm vào tai con nhiều nhất? Có em kể: ‘Mẹ cháu nói, muốn làm gì cũng được, nhưng thứ nhất không được ăn cắp, thứ hai không được gian dối, thứ ba không được làm hại người khác’. Đây là kiểu giáo dục lành mạnh.
Tôi cũng dùng câu hỏi này để hỏi một số tội phạm. Một người nói: Tôi đã từng ‘quấy rối’ một đứa trẻ hàng xóm, và cha tôi đã nói chuyện với một người nào đó rồi sự việc kết thúc. Ông quay lại nói với tôi: ’Con trai, đó là tất cả những gì cha có thể làm cho con’. Tôi bàng hoàng khi nghe điều đó, chẳng trách người này sau đó lại tiếp tục hàng loạt sai lầm, vì lần đầu phạm tội, cha anh ta đã không giáo dục mà chỉ tìm cách xoa dịu tình hình.
Một người khác cho biết: ‘Bố tôi không thích nói chuyện. Điều khiến tôi nhớ nhất là một lần xuống mương nước chơi bị bố nhìn thấy, ông kéo lên và tát cho tôi một bạt tai. Không hiểu rốt cuộc là vì sao...’”.
Có hai điều rất quan trọng trước khi một đứa trẻ lên 6 tuổi
Bà Lý kết luận sau nhiều năm nghiên cứu, không ít vấn đề của người lớn hiện tại thực ra đã phát triển âm ỉ trong thời thơ ấu. Một trong những nguyên nhân quan trọng là môi trường nơi họ lớn lên đã bị "nhuốm đen" nên bản chất con người họ trở nên hỗn loạn, dù cố gắng giáo dục và sửa sai sau này thì cũng đã quá muộn.
Vì vậy, bà cho biết mình luôn coi trọng vấn đề nuôi dạy con cái sớm. Có những đứa trẻ dù cha mẹ tốt về mọi mặt nhưng trẻ lại phát triển những hành vi lệch lạc, thường là do cha mẹ không dành thời gian để tự mình nuôi dạy trẻ.
Có một bộ phim truyền hình tên là Love in a Courtyard kể về bà mẹ đơn thân với 3 đứa con. Người mẹ này có hai đặc điểm: Một là bình tĩnh xử lý mọi việc, hai là làm việc gì cũng nghĩ đến người khác. Vì vậy, ba đứa con của cô cũng có tính cách tương tự như vậy.
"Tôi thường nói trong các bài giảng tâm lý rằng nếu một đứa trẻ được nuôi dạy đúng cách từ khi còn nhỏ thì đứa trẻ đó sẽ có tính khí ôn hòa khi lớn lên. Vì vậy, nhìn vào sự tu dưỡng của một người, về cơ bản chúng ta có thể biết người đó được nuôi dưỡng như thế nào trong thời thơ ấu", bà Lý nói.
Ngoài điểm số, cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến tư cách đạo đức, hoài bão và định vị đúng đắn hướng đi của con cái
Do đó, các phương pháp nuôi dạy con cái khác nhau quyết định rằng trẻ em sẽ có những tính khí rất khác nhau khi chúng lớn lên.
"Có hai điều rất quan trọng trước khi một đứa trẻ lên 6 tuổi: Thứ nhất, hãy để đứa trẻ học cách cảm nhận cảm xúc của người khác và có thể đọc vị họ; thứ hai, hãy để đứa trẻ biết các quy tắc, chẳng hạn như khi nào nên ngủ và khi nào phải tự làm.
Hai điều này nếu được thực hiện tốt sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển lành mạnh của trẻ trong suốt cuộc đời. Đồng thời, con cái thường vô tình nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận được các hành vi khác nhau của cha mẹ, từ đó sẽ hình thành quan niệm của riêng mình. Cha mẹ phải làm gương đúng cho trẻ noi theo".
Bà Lý cho rằng, trong các bài giảng về giáo dục gia đình, bà luôn khuyên các bậc cha mẹ đừng chỉ quan tâm đến điểm số, thứ hạng kiểm tra, đừng chỉ nói với con về bài tập về nhà. Hãy đọc một vài cuốn sách tiểu sử, và sau đó trò chuyện với trẻ em về Bill Gates, Steve Jobs...
Khuôn mẫu và tầm nhìn của cha mẹ lớn bao nhiêu thì trí tuệ của con cái sẽ lớn bấy nhiêu. Ngoài điểm số, cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến tư cách đạo đức, hoài bão và định vị đúng đắn hướng đi của con cái, những điều này quan trọng hơn nhiều.