Sử cũ ghi lại, Thanh triều năm xưa từng có 6 vị phiên vương, bao gồm Ngô Tam Quế, Thượng Khả Hỷ, Thượng Chi Tín, Cảnh Trọng Minh, Cảnh Kế Mậu và Cảnh Tinh Trung.
Thế nhưng kể từ năm Khang Hi thứ 20 sau khi bình định loạn tam phiên, các Hoàng đế của vương triều này không còn duy trì chế độ phân phong thực quyền phiên vương, ngay tới các hoàng tử đương triều cũng không được phép tự tiện rời khỏi kinh thành.
Chiếu theo luật định nói trên, vương phủ của các hoàng tử, hoàng tôn thời bấy giờ sẽ được xây dựng trong nội thành Bắc Kinh.
Trong số đó, tòa vương phủ nổi tiếng và sở hữu quy mô lớn hơn cả nay nằm ở khu Tây Thành, được biết tới với tên gọi "Cung Vương phủ".
Giờ đây mỗi khi nhắc tới nơi đây, người đời vẫn thường nhớ đến câu ví von nổi tiếng: "Một tòa Cung vương phủ, nửa bộ sử Thanh triều". Nơi này cũng được xem là nguyên mẫu của Đại Quan Viên trong tác phẩm "Hồng lâu mộng".
Tuy nhiên ít ai biết rằng, Cung vương phủ thực chất lại bị xem là một nơi không mấy cát tường khi sở hữu "lời nguyền" từng khiến cho hậu duệ của 4 vị chủ nhân trước kia gặp phải không ít tai tương, đen đủi.
Nạn nhân đầu tiên của Cung vương phủ: Đại tham quan khét tiếng lâm vào con đường tán gia bại sản
"Cung vương phủ" vốn có tên là "Hòa đệ" - biệt phủ do Hòa Thân xây dựng và sở hữu đầu tiên. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Cung vương phủ nằm tại phía tây bắc khu Thập Sát Hải, thuộc Bắc Kinh, Trung Quốc ngày nay. Được ví như "Viên minh châu của Thập Sát Hải", nơi đây sở hữu lối kiến trúc đối xứng cân đối, hài hòa và có thể xem là công trình kiến trúc điển hình cho kiểu nhà vương phủ hoa viên thời Thanh.
Mặc dù từng là nơi ở của nhiều nhân vật trong hoàng tộc Mãn Thanh, nhưng thực chất chủ nhân đầu tiên của nơi này lại chính là Hòa Thân – tham quan khét tiếng trong lịch sử Trung Hoa.
Vào năm Càn Long thứ 40, Hòa Thân đã chọn ra một mảnh đất phong thủy bảo địa ở kinh thành để xây dựng nên biệt phủ của mình và cho đặt tên là "Hòa Đệ".
Trong suốt một khoảng thời gian dài dưới thời Càn Long đế, nơi đây vốn là biệt phủ tích trữ số lượng tiền tài khổng lồ của tham quan họ Hòa.
Một không gian xa hoa bên trong "Hòa đệ", tức "Cung vương phủ" giờ đây. (Ảnh: Nguồn Internet).
Thế nhưng ít ai ngờ rằng, nhân vật đầu tiên phải gánh chịu "lời nguyền" tai ương do tòa kiến trúc này mang lại cũng chính là Hòa Thân và gia tộc họ Hòa.
Ngày 22 tháng 2 năm 1799 dưới thời vua Gia Khánh, Hòa Thân bị ban án tự vẫn, toàn bộ gia sản của ông đều bị tịch biên.
Hòa Thân lúc sinh thời chỉ có 1 người con trai và 3 người con gái. Tuy nhiên có giai thoại truyền rằng, ông có một người con trai thứ yểu mệnh qua đời từ nhỏ, còn con trưởng là Phong Thân Ân Đức được Càn Long chỉ hôn cho Cố Luân Hòa Hiếu công chúa.
Kể từ sau khi Hòa Thân qua đời, tòa phủ đệ khổng lồ này được chia làm hai, một nửa giao cho con trai Hòa Thân là Phong Thân Ân Đức và vợ là Cố Luân Hòa Hiếu công chúa. Nửa còn lại được Gia Khánh tặng cho người em ruột cùng mẹ của mình, tức Khánh Vương Ái Tân Giác La Vĩnh Lân.
Về sau, con trai của Phong Thân Ân Đức và công chúa cũng yếu mệnh qua đời tại tòa phủ đệ của họ. Bản thân người con trai này của Hòa Thân cũng chỉ sống được tới năm 36 tuổi. Đến năm Quang Đạo thứ ba tức năm 1832, Cố Luân Hòa Hiếu công chúa cũng tạ thế tại đây.
Kể từ đó, toàn bộ "Hòa đệ" chính thức trở thành Khánh vương phủ. Biệt phủ của Hòa Thân và gia tộc họ Hòa năm nào cũng đã biến thành tài sản nội bộ của hoàng tộc Ái Tân Giác La kể từ đó.
"Lời nguyền" ám ảnh của tòa vương phủ với 3 vương gia Thanh triều: Hậu duệ rơi vào cảnh tuyệt tự, đoản mệnh
"Cung vương phủ" được cho là sở hữu "lời nguyền" khiến hậu duệ của các đời chủ nhân trước kia gặp nhiều tai ương. (Tranh minh họa: Nguồn Internet)
Tính từ đời Hòa Thân, tòa vương phủ này đã thay đổi nhiều đời chủ nhân. Tuy nhiên trong số đó, nổi bật hơn cả phải kể tới 4 nhân vật bao gồm: Nữu Hỗ Lộc Hòa Thân, Ái Tân Giác La Vĩnh Lân, Ái Tân Giác La Dịch Khuông và Ái Tân Giác La Dịch Hân.
Sau khi em trai Gia Khánh là Khánh Thân Vương Vĩnh Lân tiếp quản tòa phủ đệ này, ông cũng đã nhanh chóng qua đời chỉ vẻn vẹn vài năm sau đó.
Sáu người con trai của Vĩnh Lân sau này chẳng hề có được kết cục tốt đẹp. Đa số họ hoặc là chết trẻ, hoặc bị tuyệt tự, có người thì bị trị tội, cách chức.
Trong số này, người được kế thừa tước vị Khánh thân vương của Vĩnh Lân là con trai thứ ba tên Miên Mẫn. Tuy nhiên Miên Mẫn cũng không trường thọ, chỉ sống tới năm 40 đã qua đời, lại không có con ruột.
Sau khi ông mất, người em trai thứ năm là Miên Đễ kế thừa tước vị cùng vương phủ, nhưng không lâu sau cũng vì trị tội mà bị cách chức.
Chân dung Ái Tân Giác La Dịch Khuông - một trong những người hiếm hoi đã thoát khỏi "lời nguyền" của Cung vương phủ nhờ dọn đi nơi khác. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Tới đây, chức vị và phủ đệ của Khánh Thân vương được trao lại cho Dịch Khuông, con thừa tự của Miên Mẫn.
Ái Tân Giác La Dịch Khuông vốn không phải con ruột Miên Mẫn mà là con của em trai ông, gọi Miên Mẫn là bác. Nhờ được người bác này nhận làm con thừa tự, ông đã được kế thừa tước vị và vương phủ.
Tuy nhiên Dịch Khuông cũng nhanh chóng bị kết tội và mất đi quyền sở hữu đối với tòa vương phủ này.
Thế nhưng điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, kể từ sau khi chuyển khỏi nơi đây, số phận của ông lại khởi sắc hơn bao giờ hết.
Thậm chí vào năm 1898, Dịch Khuông còn được phong làm Thiết Mạo Tử Vương (đặc quyền cho số ít các vương gia nhà Thanh có thể truyền lại tước vị cho con mà không bị giáng cấp). Kể từ đó, Dịch Khuông sở hữu tiền tài vô số, sau đó còn sinh hạ 6 người con trai và 12 con gái.
Sau khi Dịch Khuông rời đi, nơi đây liền được Hàm Phong ban thưởng cho em trai là Cung thân vương Dịch Hân. Cái tên "Cung vương phủ" cũng có từ đó.
Chân dung Cung Thân vương Dịch Hân. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Kể từ khi trở thành vị chủ nhân thứ 4 của tòa vương phủ này, gia tộc Dịch Hân lại tiếp tục phải đón nhận những điều không may mắn. Bằng chứng 4 người con trai của ông không phải chết yểu thì cũng vắn số.
Trong số đó, người con trưởng chỉ sống tới 28 tuổi, con thứ tuy may mắn hơn nhưng cũng không thọ lâu, tới năm 49 tuổi đã qua đời. Hai người con trai còn lại của Dịch Hân đều không may yểu mệnh từ khi còn rất nhỏ.
Tới thời của con cháu Dịch Hân, số phận của Cung vương phủ càng lúc càng trở nên hẩm hiu. Cháu trai của ông là Phổ Vĩ vì mong muốn có tài lực để khôi phục Thanh triều nên đã gán nợ tòa phủ đệ này với giá 8 vạn đồng vào năm 1921.
Tới năm 1937, một người cháu khác của Dịch Hân là Phổ Nho lại vì 10 vạn đồng bạc mà bán đi toàn bộ phần hoa viên còn lại của Cung vương phủ.
Tới đây, ánh hào quang vương giả của tòa phủ đệ vốn thuộc sở hữu trong tay giới quý tộc Thanh triều ngày nào đã hoàn toàn biết mất.
Giờ đây, ngoài việc được biết tới là một thắng cảnh tham quan nổi tiếng ở khu Thập Sát Hải, người ta vẫn thường nhắc tới Cung vương phủ kèm theo giai thoại về "lời nguyền" khắc chủ.
Thế nhưng cũng có không ít người cho rằng, có lẽ số mệnh kém may mắn của các đời chủ nhân tại nơi này từ sớm đã gắn chặt với số phận vốn đã trượt dài trên đà diệt vong của vương triều nhà Thanh năm xưa.
*Theo quan điểm của QQ News