Lời nguyền 'Căn phòng nhuộm đỏ' và vụ án mạng khiến người Nhật sợ hãi đến kinh hoàng

J.D |

Vụ án mạng đáng sợ đã gây tranh cãi cho người Nhật suốt một thời gian dài. Thủ phạm được cho là một fan của lời nguyền "Căn phòng nhuộm đỏ".

Urban Legend - Truyền thuyết đô thị, là các truyện kể mang tính chất kinh dị nhưng chưa rõ tính xác thực thời hiện đại, đa số dựa trên câu chuyện thực dù đã được tam sao thất bản qua thời gian. Và dù được gọi là "đô thị" nhưng các truyền thuyết này không nhất thiết phải bắt nguồn từ đô thị, nên thường được gọi là "truyền thuyết hiện đại" nhiều hơn.

Halloween - "Lễ hội ma" đã tới. Cứ mỗi khi dịp lễ này đến gần, ở Nhật Bản lại rộ lên những câu chuyện li kỳ, ma mị, các "urban legend" bí ẩn rùng rợn. Một trong những câu chuyện phổ biến và bí ẩn nhất phải kể đến lời nguyền "Căn phòng nhuộm đỏ" (The Red Room Curse).

Theo nội dung của câu chuyện, chữ "Đỏ" trong lời nguyền này là màu đỏ của máu. Lời nguyền bắt đầu bằng cách hiện lên một bảng thông báo trên máy tính, khi nạn nhân đang ở trong phòng một mình. Tấm bảng có nền đỏ, ở giữa là lá thư màu đen với dòng chữ cụt lủn: あなたは〜好きですか? (Tạm dịch: Bạn có thích...). Khi nạn nhân cố gắng tắt nó đi, các chữ cái tiếp tục hiện ra, tạo thành câu hoàn chỉnh: "あなたは赤い部屋が好きですか?" (Bạn có thích căn phòng màu đỏ?).

Lời nguyền Căn phòng nhuộm đỏ và vụ án mạng khiến người Nhật sợ hãi đến kinh hoàng - Ảnh 3.

Đến đây, toàn bộ màn hình sẽ chuyển thành màu đỏ, và rồi danh sách các nạn nhân của lời nguyền này sẽ xuất hiện. Thế rồi không rõ vì lý do gì mà ai nhận được thông báo này đều phải chết, máu nhuộm đỏ 4 bức tường. Đó là nguyên nhân vì sao nó được gọi là "lời nguyền Căn phòng nhuộm đỏ".

Đại khái nội dung lời nguyền là như vậy. Nhưng ở Nhật Bản, lời nguyền trở nên nổi tiếng hơn rất nhiều sau khi một vụ án mạng xảy ra ở Sasebo, Nagasaki. Một vụ án mạng kinh hoàng, trong đó thủ phạm - một nữ sinh mới 11 tuổi, là fan hâm mộ của "Căn phòng nhuộm đỏ".

Lời nguyền Căn phòng nhuộm đỏ và vụ án mạng khiến người Nhật sợ hãi đến kinh hoàng - Ảnh 4.

Án mạng Sasebo

Hay còn gọi là vụ giết người Nevada-tan. Nạn nhân là Satomi Mitarai - một nữ sinh 12 tuổi, bị sát hại bởi bạn cùng lớp là một nữ sinh 11 tuổi, được gọi là "Cô gái A" (Girl A - một bí danh phổ biến dùng cho các trường hợp trẻ vị thành niên phạm tội tại Nhật Bản).

Vụ án xảy ra vào ngày 1/6/2004, tại trường tiểu học Okubo thuộc thành phố Sasebo, Nagasaki. Báo cáo điều tra cho biết A đã ra tay trong một phòng học trống vào giờ ăn trưa, sử dụng một con dao rọc giấy, cứa vào cổ họng và tay của Mitarai, có những vết sâu đến 10cm. A sau đó quay trở lại lớp, quần áo nhuộm đỏ máu. Giáo viên của cả hai sau khi phát hiện ra thi thể Mitarai đã vội vã báo cho cảnh sát.

Lời nguyền Căn phòng nhuộm đỏ và vụ án mạng khiến người Nhật sợ hãi đến kinh hoàng - Ảnh 5.

Bức ảnh được cho là của "Cô gái A"

Khi cảnh sát thẩm vấn, A nhanh chóng thú nhận tội lỗi của mình, liên tục nói "Cháu xin lỗi, cháu xin lỗi". Suốt đêm ở lại sở cảnh sát, A chỉ khóc và không chịu ăn uống gì.

Ban đầu, A không đề cập đến động cơ giết người. Nhưng sau đó không lâu, cô bé thừa nhận rằng mình và Mitarai đã có tranh cãi về những bình luận trên internet. A khẳng định Mitarai đã nhạo báng cô bằng các bình luận sai sự thật về cân nặng và gọi cô bằng một biệt danh khó nghe.

Ngày 15/9/2004, Tòa án Gia đình Nhật Bản (tòa án dành cho trẻ vị thành niên) đã quyết định buộc tội A vì mức nghiêm trọng của vụ án, bất chấp việc cô bé còn rất nhỏ. A được gửi tới một trại giáo dưỡng tại tỉnh Tochigi. Tòa án ban đầu chỉ kết án A 2 năm giam giữ vì phạm tội không tự nguyện (A được chẩn đoán mắc hội chứng Asperger, một dạng rối loạn tự kỷ), nhưng bổ sung thêm 2 năm vào tháng 9/2006 sau bản đánh giá tâm lý của cơ quan điều tra.

Nỗi kinh hoàng và tranh cãi cực mạnh

Vụ án đã gây ra tranh cãi rất lớn tại Nhật Bản, về cái gọi là độ tuổi chịu trách nhiệm phạm tội. Giới hạn này từng được hạ từ 16 xuống 14 tuổi sau một vụ sát hại trẻ em ở Kobe vào năm 1997. Khi ấy, dư luận mong muốn nó phải được hạ thêm một lần nữa.

Trước khi vụ án xảy ra, A được đánh giá là một đứa trẻ bình thường, ngoan ngoãn. Điều này khiến dư luận càng thêm lo lắng. A trở thành một chủ đề bàn tán mạnh mẽ trên các website và diễn đàn tại Nhật Bản thời bấy giờ. Cô được cộng đồng mạng đặt tên là "Nevada-tan", sau khi một bức ảnh được cho là của cô bé cho thấy A đang mặc chiếc áo đồng phục của ĐH Nevada (Mỹ). Thậm chí, đã có một số tác phẩm, rồi meme internet phỏng theo câu chuyện của A nữa.

Lời nguyền Căn phòng nhuộm đỏ và vụ án mạng khiến người Nhật sợ hãi đến kinh hoàng - Ảnh 7.

Hình ảnh chụp cùng cả lớp của cả 2

Cùng với đó là nhiều thông tin gây tranh cãi. Akio Mori - một nhà tâm lý người Nhật Bản đã sử dụng câu chuyện của A để củng cố cho lý thuyết "trò chơi trí não" (game brain) do ông nghĩ ra - một lý thuyết gây tranh cãi mạnh, bị chỉ trích là mê tín dị đoan. Thông tin A là fan của "Căn phòng máu đỏ" cũng được đưa ra để ủng hộ lý thuyết này. Ngoài ra, cũng có tin cô bé rất say mê Battle Royale - một tiểu thuyết về đề tài sinh tồn cực kỳ bạo lực và máu me của học sinh trung học.

Ngày 18/3/2005, tại buổi lễ tốt nghiệp của trường Okubo, các học sinh được phát cuốn kỷ yếu với một trang trắng. Trang này là để tưởng nhớ cái chết của Mitarai, trong đó nếu muốn, các học sinh có thể dán ảnh Mitarai, ảnh của A, hoặc cả hai vào đó.

Cha của Mitarai đã nhận thay con gái tấm bằng tốt nghiệp. Nhà trường cũng quyết định phát bằng cho cả A, như một cách hỗ trợ cô bé tái hòa nhập vào cộng đồng sau này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại