Lời kể nạn nhân vụ rơi máy bay ám ảnh nhất lịch sử: Phải ăn tử thi để sống, mang nỗi day dứt đến chết không thể nguôi ngoai

L.T |

Nhiều năm trôi qua nhưng những người sống sót vẫn không thể nguôi ngoai nỗi ám ảnh, day dứt về tháng ngày cận kề cái chết ấy.

Di chuyển bằng đường hàng không được coi là an toàn hơn nhiều so với bất kỳ loại phương tiện giao thông nào trên mặt đất, vì các phương tiện giao thông trên mặt đất thường đông đúc, gặp sự cố bất ngờ có thể dẫn đến tai nạn. 

Nói vậy không có nghĩa là đi máy bay an toàn tuyệt đối, một khi tai nạn hàng không xảy ra thì không ai có thể tưởng tượng được nó khủng khiếp đến mức nào.

Nếu còn sống sót sau một vụ rơi máy bay thì hiển nhiên ai cũng coi đó là một phép màu, nhưng đối với những người sống sót sau vụ tai nạn xảy ra với chiếc máy bay 571 của Không quân Uruguay năm 1972 thì đó chỉ là khởi đầu của một câu chuyện kinh dị khác, một câu chuyện ám ảnh day dứt người ở lại mãi đến tận ngày nay...

Ngày định mệnh

Ngày 13/10/1972, một chiếc máy bay của Không quân Uruguay chở theo 19 thành viên của đội bóng bầu dục Old Christians cùng người thân và cổ động viên của họ từ đi từ thủ đô Montevideo của Uruguay đến Santiago, Chile để tham gia một trận đấu bóng bầu dục.

Lời kể nạn nhân vụ rơi máy bay ám ảnh nhất lịch sử: Phải ăn tử thi để sống, mang nỗi day dứt đến chết không thể nguôi ngoai - Ảnh 1.

Chiếc máy bay 571 của Không quân Uruguay - Ảnh minh họa.

Ngoài 40 người trên máy bay còn có 5 thành viên phi hành đoàn. Chiếc máy bay một động cơ, tuabin đôi mới được đưa vào sử dụng chỉ 4 năm. 

Khi những đám mây che khuất đỉnh núi Andes, phi công thiếu kinh nghiệm nghĩ rằng chiếc máy bay đang tiếp cận thành phố Curico của Chile nhưng thực tế thì nó còn cách xa tới 70km.

Vì vậy, phi công đã cho máy bay chuẩn bị hạ cánh, đến lúc anh ta nhận ra phía trước mặt là một ngọn núi chứ không phải đường băng hạ cánh như "tưởng tượng" thì đã quá muộn. 

Sau khi lộn vòng trên không, chiếc máy bay bị gãy làm đôi, phần đuôi vỡ hẳn ra khiến 5 hành khách và 2 thành viên phi hành đoàn bị hút ra ngoài.

Cuối cùng nó đâm vào đỉnh núi và trượt xuống với tốc độ chóng mặt - khoảng 350km/h - trước khi đâm vào một bãi tuyết lớn. Phi công tử nạn.

Giữa đống đổ nát của chiếc máy bay bị vỡ vụn, trên một dòng sông băng cách tuyến đường bay theo kế hoạch 80km về phía đông, 33 hành khách bằng cách nào đó vẫn bảo toàn mạng sống.

Lời kể nạn nhân vụ rơi máy bay ám ảnh nhất lịch sử: Phải ăn tử thi để sống, mang nỗi day dứt đến chết không thể nguôi ngoai - Ảnh 2.

5 người đã không thể sống nổi qua đêm đầu tiên dưới cái lạnh cắt da cắt thịt trên ngọn núi Andes xa xôi. Người thứ 6 chết trong vòng vài ngày sau đó. Vậy là tổng cộng chỉ còn 27 người.

Bản năng sinh tồn kỳ diệu

Những người vẫn còn sống và không bị thương nặng hoặc hôn mê, đã sử dụng các bộ phận từ máy bay như ghế ngồi, hành lý và các mảnh vụn khác để làm nơi trú ẩn. Đệm ghế ngồi của máy bay được sử dụng làm giày đi trên tuyết. 

Một hành khách đã sử dụng tấm che nắng từ cabin của phi công, dây và áo ngực để làm kính bảo hộ để tránh bị mù tuyết. Anh cũng tìm ra cách làm tan tuyết để uống nước.

Lời kể nạn nhân vụ rơi máy bay ám ảnh nhất lịch sử: Phải ăn tử thi để sống, mang nỗi day dứt đến chết không thể nguôi ngoai - Ảnh 3.

Họ đã cố gắng viết các chữ cái "SOS" bằng son môi trên thân máy bay bị rơi nhưng không có đủ son môi để viết các chữ cái thật lớn. 

Những người sống sót không được chăm sóc y tế hoặc quần áo phù hợp và bị mắc kẹt trên núi khi nhiệt độ giảm xuống -30 độ C.

Nguồn thức ăn nhỏ mà họ có đã nhanh chóng cạn kiệt. Đội cứu hộ từ Chile, Argentina và Uruguay phải dốc hết sức lực để tìm kiếm các mảnh vỡ máy bay trong dãy núi rộng lớn nhưng không thấy họ.

Một tia hy vọng lóe lên khi những người sống sót tìm thấy một đài phát thanh bán dẫn trong đống đổ nát và sử dụng nó để lắng nghe những cập nhật về nỗ lực tìm kiếm của các nhà chức trách. 

Vào ngày thứ 11, họ nghe thấy thông báo trên đài phát thanh rằng công việc tìm kiếm đã bị dừng lại.

Lời kể nạn nhân vụ rơi máy bay ám ảnh nhất lịch sử: Phải ăn tử thi để sống, mang nỗi day dứt đến chết không thể nguôi ngoai - Ảnh 4.

Một trong những người sống sót tên Fernando Parrado.

8 thanh sô cô la, 1 hộp hến, 3 lọ mứt, một số loại hạt và trái cây khô, một số kẹo và một chai rượu vang là tất cả những gì mà người còn sống có thể ăn. 

Họ đã cố gắng duy trì số đồ ăn đó càng lâu càng tốt, đến nỗi mà một người đàn ông đã phải ăn một hạt đậu phộng trong 3 ngày. 

Nhưng số đồ ăn đó chỉ đủ dùng trong 1 tuần. Đến lúc quá đói, có người phải ăn bông và da từ ghế máy bay.

Nando Parrado (khi đó 22 tuổi) là một trong số những người may mắn sống sót. Ông viết trong hồi ký có tên "Miracle in the Andes" xuất bản năm 2006: "Ở độ cao lớn, nhu cầu calo của cơ thể lại càng lớn. 

Chúng tôi đã chết đói thực sự, không có hy vọng tìm thấy thức ăn".

Nỗi day dứt đến chết vẫn không thể nguôi ngoai

Cuối cùng, khi xác của những người chết bị đóng băng nằm xung quanh họ, họ buộc phải xét đến cơ hội sống sót duy nhất của mình.

Roberto Canessa (lúc đó là một sinh viên trường Y, 19 tuổi) là nhân chứng sống sót trong thảm họa hàng không thảm khốc nhất năm 1972 ấy. Ông kể trong cuốn hồi ký viết năm 2016 mang tên "I Had To Survive":

"Mục tiêu chung của chúng tôi khi ấy là sống sót nhưng thứ chúng tôi thiếu là thức ăn. Chúng tôi cạn kiệt nguồn thức ăn từ những thứ tìm thấy trên máy bay, và không có thực vật hay động vật nào ở quanh đó. 

Chúng tôi biết câu trả lời, nhưng thật quá khủng khiếp. 

Thi thể của bạn bè và đồng đội của chúng tôi, vẫn được bảo quản nguyên vẹn trong băng tuyết, chứa protein quan trọng giúp chúng tôi duy trì sự sống. Nhưng chúng tôi làm vậy có được không?".

Lời kể nạn nhân vụ rơi máy bay ám ảnh nhất lịch sử: Phải ăn tử thi để sống, mang nỗi day dứt đến chết không thể nguôi ngoai - Ảnh 5.

Từ trái sang phải: Gustavo Zerbino, Eduardo Strauch, Mr Parrado (thứ hai bên phải) và Javier Methol. Hai cậu bé ở hàng ghế đầu là Adolfo 'Fito' Strauch và Carlos Paez cũng may mắn sống sót.

Lời kể nạn nhân vụ rơi máy bay ám ảnh nhất lịch sử: Phải ăn tử thi để sống, mang nỗi day dứt đến chết không thể nguôi ngoai - Ảnh 6.

Các cầu thủ bóng bầu dục đứng gần thân máy bay F-227 vào tháng 12/1972.

Lời kể nạn nhân vụ rơi máy bay ám ảnh nhất lịch sử: Phải ăn tử thi để sống, mang nỗi day dứt đến chết không thể nguôi ngoai - Ảnh 7.

Những người sống sót nghỉ ngơi trên trên thân máy bay vào tháng 11/1972.

Lời kể nạn nhân vụ rơi máy bay ám ảnh nhất lịch sử: Phải ăn tử thi để sống, mang nỗi day dứt đến chết không thể nguôi ngoai - Ảnh 8.
Lời kể nạn nhân vụ rơi máy bay ám ảnh nhất lịch sử: Phải ăn tử thi để sống, mang nỗi day dứt đến chết không thể nguôi ngoai - Ảnh 9.

"Chúng tôi đấu tranh tư tưởng trong thời gian dài. Tôi bước ra bên ngoài, giẫm chân xuống tuyết và xin Chúa chỉ đường. Nếu không được người cho phép, tôi cảm thấy mình đang xâm phạm vào ký ức của bạn bè, đánh cắp linh hồn họ".

Canessa nhớ lại mình đã tự nhủ ngay sau khi máy bay rơi, nếu chết đi, những người còn sống được phép ăn thịt anh để sống sót. 

"Sẽ là một vinh dự lớn lao đối với tôi sau khi tim tôi ngừng đập, thân thể tôi sẽ giúp những người còn sống tồn tại để chờ đến ngày được xuống núi. 

Tôi muốn làm tròn phận sự đó", Canessa giờ đã là bác sĩ tóc bạc trắng, nhớ lại.

Da dẻ Canessa tái xanh, ngón chân bắt đầu đen lại vì chứng hạ thân nhiệt. "Tôi mơ về Lauri, người yêu đang ở Montevideo (thủ đô Uruguay). Liệu cô ấy có tìm bạn trai mới không? Làm thế nào để mẹ tôi vượt qua nỗi đau này", ông nhớ lại.

Quyết tâm tìm sự trợ giúp

Một người phụ nữ không chịu ăn cuối cùng đã chết vào ngày thứ 60 ở trên đỉnh núi, cô đã gầy đến mức chỉ nặng khoảng 25kg. 

Một đêm nọ, trận tuyết lở nhấn chìm thân máy bay khi mọi người đang ngủ bên trong, 8 người chết. 

16 người sống sót đã bị mắc kẹt trong thân máy bay đầy tuyết, bị chôn vùi trong tuyết ngập đến tận cổ, phải 3 ngày sau họ mới thoát ra được.

Những người sống sót đã thảo luận về việc leo qua những ngọn núi và tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng những nỗ lực của họ đã thất bại do cái lạnh thấu xương, suy dinh dưỡng và độ cao. Họ cũng không biết chính xác vị trí của mình.

2 tháng sau vụ tai nạn, ngày 12/12/1972, Canessa và Nando quyết định đi về phía Tây. Họ không có bản đồ hoặc kinh nghiệm leo núi nhưng vẫn bất chấp tất cả để di chuyển trong địa hình khó khăn. 

Mặc thêm quần áo lấy từ những người đã chết, mang theo tất chứa thịt người đông lạnh, họ bắt đầu cuộc hành trình xuống núi mà không có bất kỳ kinh nghiệm leo núi nào.

Vào ngày thứ 9, sau khi họ thay đổi hướng đi và xuống một thung lũng, 2 người đàn ông kiệt sức nằm bẹp dưới đất đã thu hút sự chú ý của một số người đàn ông cưỡi ngựa qua sông.

Họ cố nói thật to thông báo rằng họ không dám vượt sông vì quá nguy hiểm. Người cưỡi ngựa dừng lại nghe ngóng, ra hiệu và hét lên: "Ngày mai"

Trước khi mặt trời mọc sáng hôm sau, người kia trở lại, mang theo giấy bút buộc vào hòn đá rồi quăng qua bên kia sông. "Nói cho tôi biết anh cần gì", tờ giấy viết.

Lời kể nạn nhân vụ rơi máy bay ám ảnh nhất lịch sử: Phải ăn tử thi để sống, mang nỗi day dứt đến chết không thể nguôi ngoai - Ảnh 10.

"Chúng tôi gặp tai nạn máy bay trên núi. Chúng tôi đã đi bộ 10 ngày nay, còn 14 người sống sót trên máy bay. Chúng tôi không có thực phẩm, sức khỏe suy kiệt", Nando viết, ném lại. 

"Tôi hiểu rồi", người kia ra hiệu. 3 máy bay trực thăng quân sự Chile đã được phái đi và vào ngày 22 - đúng 72 ngày sau vụ tai nạn máy bay - đội tìm kiếm cuối cùng đã tiếp cận được 16 người sống sót còn lại.

Họ đã được đưa ra khỏi núi trong tình trạng gãy xương, tê cóng, mất nước, suy dinh dưỡng và bệnh ghẻ.

Những người may mắn sống sót đã rất lo lắng, sợ rằng công chúng, người thân của những thi thể bị họ ăn thịt sẽ lên án và không tha thứ cho họ. 

Song cũng có nhiều người bênh vực, bảo vệ và thấu hiểu sự khó khăn của các nạn nhân sống sót trong suốt 72 ngày sau vụ tai nạn. Sau đó, người nhà của các nạn nhân cũng giảm đi sự gay gắt và chấp nhận tha thứ cho họ.

Canessa tiếp tục học Y và trở thành bác sĩ, chuyên gia ghép tạng. Ông kể lại câu chuyện sống sót kỳ diệu của mình qua cuốn sách "Tôi phải sống: Máy bay rơi ở núi Andes thôi thúc tôi phải cứu người", do nhà xuất bản Constable phát hành đầu tháng 3 năm 2016. 

Nhiều năm trôi qua nhưng Canessa vẫn không thể nguôi ngoai nỗi ám ảnh, day dứt về những tháng ngày cận kề cái chết ấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại