Lời giải nào cho chảo lửa Trung Đông?

Hoa Huyền |

Sau các vụ tấn công vào lực lượng Mỹ tại Iraq bằng tên lửa, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố lực lượng Mỹ cần rút khỏi khu vực. Lo ngại an toàn, nhiều quốc gia đã khuyến cáo công dân rời khỏi những nơi được dự báo có thể là mục tiêu tấn công của tên lửa, đồng thời kêu gọi hai bên giải quyết bằng đối thoại hòa bình. Trung Đông và cả ngoài Trung Đông đang sục sôi.

Đem dầu chữa cháy

Căng thẳng khu vực Trung Đông đã leo thang tới mức cực kỳ nguy hiểm. Quân đội Iraq cho biết vào tối 8-1 (giờ địa phương), đã có 2 quả tên lửa Katyusha rơi trúng vùng Xanh của thủ đô Baghdad - khu vực gồm các tòa nhà chính phủ và các cơ quan ngoại giao nước ngoài - tuy nhiên không gây thương vong.

Các nguồn tin cảnh sát khẳng định 1 quả tên lửa đã rơi cách Đại sứ quán Mỹ khoảng 100m. Vụ việc trên xảy ra 24 giờ sau vụ tấn công bằng nhiều quả tên lửa của Iran nhằm vào các căn cứ quân sự tại Iraq có binh sỹ Mỹ và liên quân đồn trú.

Mỹ và các đồng minh đã lên tiếng phản đối các vụ tấn công bằng tên lửa. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ra tuyên bố lên án các vụ tấn công tên lửa của Iran nhằm vào các căn cứ quân sự có binh sĩ Mỹ đồn trú tại Iraq.

Trong tuyên bố, ông Stoltenberg kêu gọi Iran kiềm chế, đồng thời cho biết không binh sĩ NATO nào tại Iraq bị thương trong các vụ tấn công trên. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố, binh sĩ Mỹ an toàn. Đáp lại tuyên bố từ Mỹ và NATO, phát biểu trên truyền hình quốc gia, Đại giáo chủ Khamenei nhấn mạnh "hành động quân sự như vậy (ám chỉ vụ tấn công của Iran) là chưa đủ" và điều quan trọng là phải chấm dứt sự hiện diện của Mỹ tại khu vực.

Ông cũng loại trừ mọi khả năng nối lại các cuộc đối thoại với Mỹ liên quan tới thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).

Đài truyền hình nhà nước Iran đưa tin, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố tình giảm mức độ thiệt hại sau vụ Iran tấn công tên lửa trả đũa, khi ông đăng trên trang Twitter cá nhân, rằng: "Tất cả mọi việc đều tốt đẹp" nhưng theo truyền hình Iran, ít nhất 80 "phần tử khủng bố" đã bị "tiêu diệt" trong các vụ tấn công sử dụng 15 tên lửa mà Tehran tiến hành nhằm vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq, đồng thời lưu ý không tên lửa nào trong số này bị đánh chặn.

Đài truyền hình trên dẫn một nguồn tin cấp cao trong Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho hay Iran có 100 mục tiêu khác trong khu vực nằm trong tầm ngắm của mình nếu Washington thực hiện bất kỳ biện pháp đáp trả nào. Theo nguồn tin trên, các máy bay trực thăng và thiết bị quân sự Mỹ đã "bị thiệt hại nặng nề".

Kênh truyền hình quốc gia Iran dẫn tuyên bố của Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, tướng Mohammad Baqeri nhấn mạnh: “Giờ đây, họ đã hiểu được sức mạnh của chúng ta, đây là lúc Mỹ rút quân khỏi Trung Đông”.

Trong diễn biến liên quan, Cố vấn Tổng thống Iran, ông Hessameddin Ashena tuyên bố mọi hành động trả đũa của Washington sau các vụ tấn công tên lửa của Tehran nhằm vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq đều có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện ở khu vực Trung Đông.

Đồng thời, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng các lợi ích của Mỹ tại khu vực "đang lâm vào cảnh nguy hiểm".

"Hành động khiêu khích không cần thiết"

Liên quan tới ngoại giao, hãng thông tấn bán chính thức ISNA của Iran dẫn tài khoản Twitter của Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif nêu rõ "Iran đã thực hiện các biện pháp tự vệ thích hợp trong khuôn khổ Điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trên cơ sở đã xảy ra vụ tấn công vũ trang nhằm vào công dân và quan chức cấp cao của chúng tôi".

Ngoại trưởng Zarif còn lên tiếng cáo buộc Mỹ vi phạm thỏa thuận Liên Hiệp Quốc khi từ chối cấp thị thực cho người đứng đầu ngành ngoại giao Iran tham dự một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc diễn ra vào ngày 9-1 tới tại New York.

Trong khi đó, hiện Mỹ chưa công bố chiến lược chính thức nào để đối phó với tình hình đang leo thang từng giờ ở Trung Đông. Nội bộ nước Mỹ dường như đang rối bời khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump chấm dứt “hành động khiêu khích không cần thiết”.

Bà Pelosi khẳng định: “Chúng ta phải đảm bảo an toàn cho các quân nhân của chúng ta, bao gồm chấm dứt các hành động khiêu khích không cần thiết từ chính quyền và yêu cầu Iran chấm dứt bạo lực”.

Trước đó, bà Pelosi đã có cuộc trao đổi với các thành viên của Ủy ban Chính sách và điều hành của đảng Dân chủ cũng như Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về cuộc tấn công của Iran vào các căn cứ quân sự có binh sĩ Mỹ đồn trú tại Iraq.

Lời giải nào cho chảo lửa Trung Đông? - Ảnh 1.

Căn cứ có lính Mỹ và liên quân đồn trú bị tên lửa Iran tấn công. Ảnh: AP.

Về phần mình, các nhà lập pháp đảng Dân chủ cho biết họ không bất ngờ về vụ tấn công của Iran và cho rằng đó là "phản ứng không thể tránh khỏi" của Tehran đối với quyết định của Tổng thống Trump sát hại tướng Qassem Soleimani.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, khẳng định vụ tấn công bằng tên lửa của Iran là động thái "có thể dự đoán" do chính sách ngoại giao mà ông cho là “gần như lố bịch” của Tổng thống Trump. Ứng cử viên Elizabeth Warren nhấn mạnh người Mỹ không muốn chiến tranh với Iran và khẳng định cần giảm căng thẳng ở Trung Đông.

Các nước trên thế giới tiếp tục kêu gọi giảm leo thang căng thẳng tại Trung Đông hiện nay liên quan đến tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Iran, đồng thời hối thúc tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại. Bộ Ngoại giao UAE đã ra tuyên bố kêu gọi giảm leo thang căng thẳng trong khu vực, cho rằng một cuộc “đối thoại dựa trên lý trí” là giải pháp tối ưu. Nhiều quốc gia đã yêu cầu công dân rời khỏi Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực tiếp tục xấu đi.

Căng thẳng Mỹ - Iran khiến không chỉ giới đầu tư mà hầu hết mọi công dân đều chịu tác động nếu giá dầu biến động do nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu. Một số kịch bản trả đũa của Iran đang được đề cập đến, đó là việc nước này có thể chặn nguồn dầu thô từ Iraq và Saudi Arabia đi qua eo biển Hormuz, hay tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia.

Nhiều quốc gia đã lên phương án chuẩn bị mọi mặt để đối phó với diễn biến mới ở Trung Đông. Nhiều thương nhân nhận định, việc Mỹ không tấn công đáp trả là một dấu hiệu cho thấy Washington không muốn tình hình căng thẳng leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện. Các chuyên gia dự báo, như vậy sẽ có một "giai đoạn tương đối bình lặng".

Đúng như dự báo của các nhà phân tích, về cơ bản, trong giai đoạn này nước Mỹ tạm "án binh bất động" để bảo toàn tính mạng binh sĩ Mỹ ở Trung Đông, chiều lòng cử tri trong nước. Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) đưa tin, ngày 8-1, binh sĩ Mỹ đã rút khỏi 2 căn cứ quân sự ở tỉnh Hasakah, Đông Bắc Syria, gần biên giới với Iraq. Căn cứ này vừa được xây dựng 6 tháng trước đây.

Nhân chứng cho hay, khoảng 40 xe tải chở thiết bị quân sự đã được nhìn thấy rời căn cứ này hướng về cừa khẩu al-Walid giữa Syria và Iraq. Các binh sĩ Mỹ cũng đã rời căn cứ ở thành phố Shaddadi để di chuyển tới khu vực al-Hol thuộc vùng nông thôn phía Đông Bắc tỉnh Hasakah để bắt đầu di chuyển tới nước láng giềng Iraq.

Để giải quyết căn bản vụ việc này, Hạ viện Mỹ cho biết sẽ bỏ phiếu về nghị quyết hạn chế hành động quân sự của Mỹ đối với Iran. Nghị quyết này nhằm ngăn Tổng thống Donald Trump phát động chiến tranh với Iran. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi xác nhận thông tin trên.

Bà Pelosi cho biết các nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ thúc đẩy cuộc bỏ phiếu do những quan ngại của họ đã không được giải quyết trong cuộc họp kín do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và một số quan chức cấp cao khác chủ trì. Bà Pelosi khẳng định Tổng thống đã chứng tỏ rằng ông không có một chiến lược rõ ràng để đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ, hay để giảm căng thẳng với Iran và đảm bảo sự ổn định cho khu vực.

Theo Đao luật quyền lực chiến tranh của Mỹ ra đời năm 1973, chính phủ cần thông báo cho quốc hội về những hành động quân sự lớn, tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn cho rằng việc ông chỉ thị cuộc không kích tại sân bay Iraq khiến tướng Qasem Soleimani của Iran thiệt mạng - mà không thông báo hay tham vấn quốc hội - là hợp pháp.

Bà Pelosi cho biết Hạ viện sẽ bỏ phiếu nhằm hạn chế khả năng Tổng thống Trump phát động chiến tranh chống Iran. Tuy nhiên, tại Thượng viện Mỹ - nơi các nghị sĩ Cộng hòa chiếm đa số, nghị quyết sẽ khó được thông qua.

Mục đích thực sự của Mỹ với Iran là gì?

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Mỹ muốn ám sát tướng Soleimani? Mục đích là gì? đang được nhiều người quan tâm và chờ đợi câu trả lời. Một số người trong ê-kíp của ông Trump, chẳng hạn như 2 cựu Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn và John Bolton, cùng các "cố vấn không chính thức" như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu của Israel và Thái tử Saudi Arabia Mohamed Ben Salman đã không ngừng kêu gọi tiến hành hành động quân sự chống Iran và gây áp lực để thay đổi chế độ này.

Tuy nhiên, trong 3 năm qua, ông Trump đã "bỏ ngoài tai" những lời kêu gọi đó, nhấn mạnh rằng Mỹ không muốn gây chiến với Iran. Thay vào đó, ông "tấn công" Tehran bằng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm làm tê liệt nền kinh tế, kìm hãm những tham vọng khu vực của Iran và buộc nước này phải quay lại bàn đàm phán để ký một thỏa thuận hạt nhân khác.

Lời giải nào cho chảo lửa Trung Đông? - Ảnh 2.

Mô phỏng vị trí tên lửa Iran tấn công các căn cứ có lính Mỹ đồn trú.

Thế nhưng, có thể nói rằng chính sách "gây áp lực tối đa" mà chính quyền Trump áp dụng với Iran đã thất bại. Chính sách này có thể đã làm tổn hại đến Iran nhưng nó không thể cô lập cũng như không thể kiềm chế Iran. Cuộc tấn công ủy nhiệm của Iran vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad đầu tháng 1-2020 làm gợi nhớ cuộc tấn công năm 2012 vào khu phức hợp ngoại giao của Mỹ ở Benghazi, khiến chính quyền Barack Obama khi đó choáng váng.

Ông Trump sợ kịch bản này lặp lại ở Baghdad nên đã hành động để bảo vệ người Mỹ khỏi các cuộc tấn công trong tương lai. Cũng có ý kiến cho rằng bằng cách tiêu diệt Soleimani, ông Trump muốn chuyển sự chú ý để tránh thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Dù thế nào đi nữa thì vụ ám sát này rõ ràng đã phơi bày thất bại của Mỹ trong chính sách trừng phạt Iran và nó cho thấy ông Trump sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự cũng như sức mạnh kinh tế của Mỹ.

Song, có một sự thật là việc Mỹ ám sát Tướng Soleimani sẽ không làm thay đổi bất kỳ chính sách nào của Iran mà ngược lại. Có thể Iran sẽ tránh một cuộc chiến toàn diện chống lại các lực lượng quân sự vượt trội của Mỹ. Tổng thống Trump có thể thách đấu với nhà lãnh đạo tối cao của Iran Khamenei trong một cuộc đấu tay đôi nhưng cần phải nhớ nhà lãnh đạo này thích đấu ở hậu trường.

Ông Khamenei có rất nhiều lựa chọn và thời gian trả thù sẽ là "không có giới hạn", có thể bao gồm các vụ ám sát, chiến dịch bí mật, chiến tranh cường độ thấp và làm rối loạn thị trường dầu mỏ cũng như các tuyến đường hàng hải ở Vùng Vịnh.

Tuy nhiên, điều mà nhân loại lo ngại nhất là có hay không cuộc Chiến tranh thế giới thứ 3? Các nhà phân tích nhận định: Sẽ là sai lầm khi nói về Chiến tranh thế giới thứ 3 hay kịch bản "ngày tận thế". Vụ ám sát tướng Soleimani có thể chỉ đơn giản giống như "tấm vé" mà ông Trump đưa ra để giúp Mỹ rời khỏi Iraq, giống như vụ ám sát Abu Bakr Al-Baghdadi là "tấm vé" để Trump thoát khỏi cuộc xung đột ở Syria. Điều này hoàn toàn phù hợp với mong muốn của ông về việc tái bố trí chiến lược ở Trung Đông để rút quân đội và dân thường Mỹ khỏi các điểm nóng và để cho Lầu Năm Góc tự do hành động hơn.

Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, hoạt động của lực lượng đặc nhiệm và các cuộc tấn công bằng tên lửa dẫn đường với rủi ro tối thiểu dành cho người Mỹ. Điều này không có gì mới đối với Mỹ, vốn đã rút khỏi Liban sau vụ đánh bom doanh trại lính thủy của Mỹ năm 1983 và rút khỏi Somalia sau cuộc tấn công năm 1993 vào quân đội Mỹ. Tương tự, họ cũng có kế hoạch rút khỏi Afghanistan.

Thế nhưng, Iraq thì khác vì thách thức ở đó cao hơn nhiều. Đây là một phi vụ quan trọng hơn nhiều đối với Mỹ sau khi nước này đã đầu tư hàng tỷ USD và mất đi hàng nghìn sinh mạng khi cố gắng kiểm soát Iraq trong suốt 16 năm qua. Chiến tranh sẽ làm suy yếu các quốc gia, kể cả các quốc gia chiến thắng.

Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định, hiện chưa phải lúc chiến tranh lớn bùng nổ. Mà điều đáng ngại là nguy cơ chiến tranh giữa Israel và Iran sẽ gia tăng nếu Mỹ tìm cách kích động và đổ thêm xăng vào đám cháy này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại