MV cấp thiết, giàu giá trị nhân đạo và triết lí Phật giáo sâu sắc: Sự sống nảy mầm từ cái chết
MV Vũ đạo bình minh là sản phẩm đầy tâm huyết của Phạm Thu Hà, kết hợp cùng VTV trong chuỗi serie đình đám "VTV Bài hát tôi yêu". Sản phẩm này cũng nằm trong dự án phòng thu Classic Meets Dance, hợp tác với nhạc sỹ Võ Thiện Thanh.
Vũ điệu bình minh - Phạm Thu Hà
Chỉ với số vốn ban đầu vỏn vẹn 30 triệu đồng, Phạm Thu Hà cùng ekip đã phải rất vất vả, lao tâm khổ tứ đi khắp những vùng hẻo lánh của đất nước, lên tận Tà Xùa, xuống tận Hạ Long, để ghi lại được những thước phim đắt giá. Có thể nói, MV Vũ điệu bình minh chính là mồ hôi, máu và nước mắt của nữ ca sĩ đổ xuống, để cống hiến cho nghệ thuật chân chính.
Không giống những ca khúc yêu đương đang làm mưa làm gió hiện nay, nội dung Vũ điệu bình minh mang đậm tính xã hội, nhân loại và giàu giá trị phản ánh.
MV mở màn bằng cảnh Phạm Thu Hà ngồi trong một căn phòng sang trọng, bao quanh là những vật dụng đắt tiền, nhưng phảng phất đâu đó sự ngột ngạt, kín mít, không một khe hở. Đó chính là mặt trái của cuộc sống hiện đại.
Khi Phạm Thu Hà bước tới bồn rửa mặt, một dòng nước màu nâu bất ngờ tràn lên, khiến cô giật mình. Dòng nước màu nâu đó chính là cội nguồn phù sa, linh hồn đất mẹ từ đại ngàn tìm đến. Nó len lỏi vào ngóc ngách của phố phường chật chội, để tràn vào tâm hồn người ca sĩ, mở ra cả một không gian thiên nhiên bao la, rộng lớn.
Kể từ lúc nhìn thấy màu nước phù sa ấy, cội nguồn, dòng chảy trong tâm hồn Phạm Thu Hà đã được khai thông. Trong giấc mơ đầy tâm linh, cô được trở về núi rừng, đứng trên đỉnh cao nhất để sảng khoái đón lấy mây trời, cỏ cây thuần khiết vào lòng. Sắc mặt của cô trở nên hồng hào, tươi tắn, căng tràn sức sống vì được hớp trọn làn không khí trong lành, thanh mát nhất.
Ở đây, đạo diễn Trần Xuân Chung đã rất tinh tế khi sử dụng cảnh quay nhanh và góc quay rộng, để thâu tóm chuyển động của đất trời trong vòng xoáy thời gian và lột tả được sự hùng vĩ của thiên nhiên đất nước.
Những cảnh này khiến người xem cảm thấy rợn ngợp, nhưng cũng đầy khoan khoái vì được chứng kiến sự tráng lệ, sử thi của đại ngàn.
Trong cái hùng vĩ đó còn ẩn chứa cả vẻ đẹp ban sơ, nguyên thủy của tự nhiên. Đó là màu xanh tươi mát, đầy sức sống của cỏ cây, là màu trắng tinh khôi của mây trời, là ánh hào quang vàng rực từ vầng thái dương chiếu xuống.
Những cảnh quay đắt giá và đậm chất hùng tráng như vậy sẽ không thể có được nếu Phạm Thu Hà và ekip không lăn lộn vất vả, trèo đèo vượt suối cả tháng trời để thâu được từng khoảnh khắc nhỏ nhất. Họ thực sự đã sống và hòa làm một với núi rừng, đất trời miền cao Tây Bắc, để thấm trọn cái hồn của thiên nhiên.
Sau những phút dạo chơi cùng gió mây, Phạm Thu Hà tìm đến một nguồn suối để tận hưởng sự tinh khiết. Nhưng vừa đưa tay xuống, nữ ca sĩ bất ngờ cảm nhận được sự giận dữ của đất mẹ, khi nước trong vắt bỗng cuộn trào phù sau nâu và đổ xuống dữ dội.
Trong cơn sợ hãi, Phạm Thu Hà vội chạy đi tìm nguyên, để rồi cay đắng khi nhìn thấy cảnh núi rừng bị tàn phá, từng hàng cây đổ rạp xuống đầy đau đớn trước những chiếc máy cưa hung hãn.
Hậu quả của những trận đốn rừng đó là khung cảnh hoang tàn với những xác cây chết mục, đối lập hoàn toàn với sự hùng tráng, thanh khiết ban đầu.
Cùng với sự hoang tàn là cơn cuồng nộ của thiên nhiên, qua cảnh bão lũ, thiên tai. Những cảnh quay kĩ xảo này được phát triển rất logic và có ý nghĩa, giúp bóc trần được hiện trạng xã hội, cuộc sống ngày nay, vì phá rừng mà thiên tai, thảm họa ngày một nhiều hơn.
Tiếp sau bão lũ là cháy rừng, hỏa hoạn liên miên. Cả màn hình bỗng rực lửa và nhuốm màu khói bụi. Các cảnh quay thực lẫn kĩ xảo đan xen lẫn nhau càng khiến người xem cảm thấy bức bối, sợ hãi. Ca sĩ càng chạy, lửa càng cháy to hơn, như muốn thiêu rụi mọi thứ, không cách nào dập tắt được.
Từ rừng núi, Phạm Thu Hà chạy xuống biển để tìm cách cứu vãn, nhưng biển lúc này cũng chỉ còn một màu xám xịt vì ô nhiễm, cá chết nổi lềnh bềnh. Tất cả những hình ảnh này đều mang đậm tính thời sự, báo động về hiện trạng môi trường đang bị phá hoại nghiêm trọng.
Qua sự bóc trần hiện thực đó, Phạm Thu Hà muốn cảnh báo rằng, nếu cứ tiếp tục sống và phá hủy môi trường như hiện nay, rồi sẽ có lúc con người bị xua đuổi, không còn chốn dung thân. Con người đang tự giết chết chính mình bởi sự tham lam, vô ý thức.
Nhưng nếu con người mau chóng tỉnh ngộ và sám hối, mọi thứ vẫn còn cứu vãn được. Bởi vậy nên Phạm Thu Hà mới dầm mình dưới mưa như tự trừng phạt chính mình.
Sau đó, cô tỉnh giấc và thấy mọi thứ lại trở về thanh tươi, đẹp đẽ như trước. Những chiếc cây bị đốn ngã bỗng hồi sinh. Mây đen tan biến, để lộ những giọt nắng vàng sáng rực.
Hình ảnh chồi non mọc trên một thân cây bị đốn ở cuối MV được sắp đặt rất tinh tế và giàu tính suy tưởng. Phạm Thu Hà đã mượn triết lí vô thường của Phật Giáo nguyên thủy để tạo nên hình ảnh đậm chất nhân văn này. Nữ ca sĩ muốn nói rằng, không có sự sống hay cái chết nào là vĩnh cửu, mọi thứ đều tiếp nối và ở trong nhau. Trong sự sống sẽ có cái phải chết đi nhưng cái chết lại chính là nơi để sự sống nảy mầm. Phải có cái chết mới có sự sống.
MV Vũ điệu bình minh lên án và bóc trần hành động phá hoại môi trường của con người sẽ đem đến hậu quả khó lường. Tuy nhiên, nó không đẩy con người vào đường cùng, mà vẫn mở lối đi, kêu gọi con người thức tỉnh trước khi quá muộn. Đó chính là giá trị nhân văn sâu sắc của MV.
Nếu để ý, khán giả sẽ thấy rằng, MV Vũ điệu bình minh này được thực hiện với nội dung nhân đạo khá giống với MV Earth song của Michael Jackson. Có rất nhiều sự tương đồng giữa hai MV cả về hình ảnh lẫn nội dung.
Tuy nhiên, phần thể hiện của Phạm Thu Hà lại mềm mại hơn Michael, thể hiện sự bao dung, hòa hợp và căng tràn sức sống.
Với cách làm MV hướng về nội dung xã hội, bình diện nhân loại như vậy, Phạm Thu Hà đã tự làm mình khác biệt với phần còn lại của thị trường âm nhạc hiện nay và đóng góp một bản sắc âm nhạc độc đáo vào nền âm nhạc nước nhà.
Bước lột xác lớn về giọng hát và phong cách của một nữ ca sĩ cổ điển chính chuyên
Phạm Thu Hà đến với công chúng bằng hình ảnh của một nữ ca sĩ bán cổ điển đầy lịch lãm và sang trọng. Thứ nhạc hào hoa ấy đóng khuôn cho cô vào những ca khúc chuẩn chỉ, với dàn nhạc giao hưởng truyền thống. Mọi thứ xung quanh Hà đều cổ và quen đến mức, nhiều khán giả cảm thấy cô hơi bình lặng và ít chịu làm mới mình.
Nhưng với ca khúc Vũ điệu bình minh, Phạm Thu Hà đã thực sự lột xác đầy táo bạo, mà không hề kém phần tinh tế.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh là người đã theo Phạm Thu Hà từ những bước đầu tiên trong sự nghiệp, nên ông hiểu rõ cô muốn gì, cần gì và ở thời điểm nào. Tới thời điểm này, Phạm Thu Hà đã chín muồi về giọng hát, kinh nghiệm lẫn cảm xúc và sự dạn dĩ với nghề. Cô đã đủ vốn liếng để tìm tòi và đào sâu hơn bản ngã của mình.
Bởi vậy, Võ Thiện Thanh đánh liều giao cho Phạm Thu Hà Vũ điệu bình minh, với bản phối "đậm đặc" World Music, mang màu sắc World Fusion. Bản phối không dùng đến nhạc cụ cổ điển, mà thay vào đó là những bộ gõ, bộ đánh điện tử, với tiết tấu nhanh, trúc trắc, hơi hướm EDM pha dân gian đương đại.
Phần hòa âm và tiết tấu khác lạ như vậy quả thực là sự đánh đố với một ca sĩ thiên về bán cổ điển, vốn quen sử dụng head voice.
Nhưng Phạm Thu Hà bằng sự thông minh của mình, đã xử lí bản phối một cách đầy tinh tế và khéo léo. Thay vì head voice cộng minh như trước, cô đã biết chuyển sang bạch thanh, airy voice và thủ thỉ.
Lối nhả chữ của Phạm Thu Hà thể hiện được cái hồn của dân gian đương đại, với độ liêu trai, ma mị và quái vừa đủ. Để làm được điều này, cô đã phải nghe rất nhiều và học hỏi những người tiền nhiệm của mình như Hà Trần, Tùng Dương, Ngọc Khuê.
Chính nhờ sự thay đổi này, Phạm Thu Hà đã biến mình trở nên trẻ trung, hiện đại và đa dạng hơn rất nhiều.
Các nốt cao tầm F5 được Phạm Thu Hà xử lí rất nhẹ nhàng, thoải mái, đúng tiết tấu, linh hoạt và có đủ độ vang, nảy. Đặc biệt, cô còn áp dụng được một số kĩ thuật khó của nhạc cổ điển vào dân gian đương đại một cách hoài, nhịp nhàng. Gilssando được cô sử dụng vào các đoạn nhả chữ rất tinh tế.
Như vậy, có thể thấy Vũ điệu bình minh thực sự là một bước chuyển mình lớn của Phạm Thu Hà cả về tư duy âm nhạc lẫn giọng hát, kĩ thuật.