Loạt vũ khí Mỹ mà cả Ukraine và Israel đều muốn sở hữu

Hồng Anh/VOV.VN |

Theo giới phân tích, dù Israel và Ukraine tham gia vào 2 cuộc chiến khác nhau, với năng lực và nhu cầu khác nhau nhưng vẫn có một số loại vũ khí chủ chốt của Mỹ mà cả hai bên đều cần.

Với cam kết cung cấp thêm vũ khí cho cả Ukraine và Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như muốn làm rõ lập trường rằng Washington luôn coi trọng cả đồng minh và đối tác trong bất cứ cuộc xung đột nào.

Loạt vũ khí Mỹ mà cả Ukraine và Israel đều muốn sở hữu - Ảnh 1.

Đạn pháo chưa nhồi thuốc nổ tại nhà máy Scranton, Pennsylvania, Mỹ. Ảnh: Washington Post

Nhưng trước khi ông Biden đưa ra cam kết này, một quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, hàng chục nghìn quả đạn pháo cỡ 155mm mà Mỹ dự định cung cấp cho Ukraine sẽ được chuyển giao cho Israel. Loại đạn pháo này là một trong những ví dụ điển hình về vũ khí Mỹ mà các chuyên gia cho là cần thiết đối với cả hai cuộc chiến. Song điều đó có thể làm gia tăng sức ép đối với Mỹ trong việc bắt kịp nhu cầu của các bên. Vấn đề sẽ trở nên cấp thiết hơn nếu Israel phát động chiến dịch tấn công trên bộ kéo dài nhiều tháng nhằm trả đũa phong trào Hamas.

Ông Sabrina Singh – phó phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết: “Bạn sẽ chứng kiến dòng vũ khí ổn định tiếp tục chảy vào Israel”. Một trong những lô vũ khí mà Washington cung cấp có thể bao gồm các loại đạn pháo và bom mà Ukraine đã sử dụng trong cuộc chiến trên bộ kéo dài 20 tháng.

Thời gian gần đây, cuộc phản công của Ukraine đã diễn ra một cách chậm chạp do vấp phải những chướng ngại lớn như các bãi mìn, chiến hào và hệ thống phòng thủ của Nga. Việc cả Nga và Ukraine tăng cường triển khai pháo binh đã biến xung đột thành một cuộc chiến tiêu hao.

Còn tại Trung Đông, Israel đang chuẩn bị phát động một chiến dịch trên bộ nhằm loại bỏ lực lượng Hamas. Nếu chiến dịch này được thực hiện sẽ dẫn đến một cuộc chiến đô thị quy mô lớn ở Dải Gaza. Cựu giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Michael Morell tuần trước cho biết: “Sẽ có rất ít sự trùng lặp giữa những loại vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Israel và cho Ukraine”.

Nhà Trắng đã gửi tới Quốc hội Mỹ đề nghị bổ sung ngân sách khẩn cấp 105 tỷ USD, theo đó sẽ phân bổ cho Ukraine khoảng 61 tỷ USD, còn Israel khoảng 14 tỷ USD viện trợ quân sự. Khoản viện trợ này chủ yếu là các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa.

Theo giới phân tích, dù Israel và Ukraine tham gia vào 2 cuộc chiến khác nhau, với năng lực và nhu cầu khác nhau nhưng vẫn có một số loại vũ khí chủ chốt của Mỹ mà cả hai bên đều cần.

Đạn pháo 155mm

Nhu cầu sử dụng đạn pháo cỡ 155mm tiêu chuẩn NATO chắc chắn sẽ cao hơn so với các loại vũ khí khác vì cả Israel và Ukraine đều sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu trong phạm vi vài chục km. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 2 triệu viên đạn 155 mm, còn châu Âu đã chuyển giao thêm hàng trăm nghìn viên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, kho dự trữ của phương Tây hiện đã gần “đến đáy”, Đô đốc Rob Bauer của Hà Lan, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO cho biết.

Hồi tháng 1/2023, Lầu Năm Góc cho biết, sẽ khai thác kho dự trữ đạn pháo của Mỹ ở Israel và vận chuyển hàng trăm nghìn quả đạn pháo 155mm tới Ukraine. Kho dự trữ này được thiết kế với mục đích nhanh chóng cung cấp vũ khí cho các lực lượng Mỹ và đồng minh ở Trung Đông trong trường hợp cần thiết. Khoảng một nửa số đạn pháo trong kho dự trữ đã được chuyển đi vào mùa đông năm 2022.

Một quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cơ quan này hiện có kế hoạch chuyển ít nhất một phần còn lại cho quân đội Israel. Thiếu tá Charlie Dietz, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, từ chối cung cấp chi tiết về bất kỳ hoạt động chuyển giao vũ khí nào nhưng cho biết ưu tiên hàng đầu của Washington “là đảm bảo Israel có các nguồn lực cần thiết trong thời gian này”.

Theo một quan chức khác của Bộ Quốc phòng, Israel và Ukraine có thể nhận được các phiên bản đạn dược khác nhau để tránh trùng lặp. Quan chức này lưu ý, Mỹ có thể cung cấp cho Israel đạn pháo dẫn đường chính xác để tấn công các mục tiêu ở khu vực đô thị đông đúc, trong khi chuyển giao cho Ukraine đạn chùm để tấn công hiệu quả các mục tiêu nằm rải rác trên chiến trường.

Ukraine được cho là đã sử dụng đạn pháo với tốc độ đáng kinh ngạc, đôi khi tới hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày. Điều đó khiến các quan chức NATO lo ngại số đạn dự trữ dành cho Kiev sẽ sớm cạn kiệt.

Các nhà sản xuất tại Mỹ và châu Âu đang tăng cường sản xuất đạn dược nhưng có lẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể bổ sung đầy đủ kho dự trữ của NATO, chứ chưa nói đến việc đáp ứng nhu cầu dài hạn của Ukraine hoặc Israel.

Loạt vũ khí Mỹ mà cả Ukraine và Israel đều muốn sở hữu - Ảnh 2.

Quân nhân Mỹ đang lắp bom thông minh JDAM lên máy bay ném bom B-52. Nguồn: Không quân Mỹ

Bom thông minh

Sau khi phong trào Hamas tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào miền Nam Israel, Mỹ đã gửi lô vũ khí đầu tiên cho Israel gồm khoảng 1.000 quả bom thông minh đường kính nhỏ, nặng khoảng 113kg, sử dụng hệ thống định vị GPS để theo dõi và tấn công các mục tiêu.

Các quan chức tại Washington cho biết, Israel đang hối thúc Mỹ cung cấp thêm bom thả từ máy bay cho nước này. Trước đó, Mỹ cũng cam kết sẽ chuyển giao cho Ukraine phiên bản bom thông mình phóng từ mặt đất và dự kiến sẽ bàn giao vào mùa thu năm nay. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, kể từ năm 2010, Israel đã mua hơn 8.500 quả bom đường kính nhỏ từ Mỹ. còn Bộ Quốc phòng Mỹ đã mua hơn 34.000 quả bom nói trên từ năm 2018. Với số lượng lớn như vậy, giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng Ukraine và Israel sẽ không phải cạnh tranh với nhau để nhận viện trợ bom thông minh của Mỹ.

Ông Bradley Bowman, cựu sĩ quan Lục quân Mỹ, đồng thời là chuyên gia quân sự cấp cao tại Quỹ Bảo vệ các Nền dân chủ (Foundation for Defense of Democracies) ở Washington, cho rằng: “Ở thời điểm hiện tại, Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu của cả Israel và Ukraine”.

Tên lửa Stinger

Israel và Ukraine sử dụng nhiều hệ thống phòng không khác nhau để đối phó với các cuộc không kích.

Đối với Israel, hệ thống Vòm Sắt được cho là “trụ cột chính” của lực lượng phòng không nước này. Trong khi đó, Ukraine sở hữu rất nhiều hệ thống phòng không từ cổ điển đến hiện đại do các nước phương Tây cung cấp, chẳng hạn như tổ hợp Patriot, NASAMS hay IRIS-T.

Nhà phân tích Cancian cho biết, cả hai nước đều sử dụng tên lửa Stinger do Mỹ chế tạo, được thiết kế để cung cấp cho bộ binh một phương án đối phó với máy bay và trực thăng bay tầm thấp. Tên lửa này được cho là vũ khí lý tưởng dành cho tác chiến đô thị, với kích thước nhỏ, nhẹ và có tính cơ động cao. Theo ông Cancian, Israel có thể yêu cầu Mỹ cung cấp cho nước này tổ hợp phòng không Avenger có khả năng phóng liên tiếp 8 tên lửa Stinger. Trước đó, Washington đã cung cấp cho Ukraine 20 tổ hợp Avengers kể từ cuối tháng 11/2022.

Cả Israel và Ukraine đều có hệ thống phòng không Patriot. Nhưng so với tên lửa Patriot, Stinger có giá thành rẻ hơn nhiều. Việc sử dụng Stinger sẽ là giải pháp tiết kiệm chi phí để để bắn hạ máy bay không người lái của Nga hoặc các hệ thống pháo của Hamas. Nhưng số lượng tên lửa Stinger trong kho dự trữ của Mỹ “cực kỳ hạn chế”, trong khi năng lực sản xuất tên lửa này đang ở mức thấp, ông Cancian lưu ý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại