Viễn cảnh không còn là khoa học viễn tưởng khi toàn cầu đang nóng lên ngày càng nhanh và đặt ra thách thức chưa từng có đối với cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, các dân tộc này cũng đối mặt với nguy cơ mất đi đất đai và bản sắc của họ.
Mohamed Nasheed, cựu Tổng thống Maldives, nói với AFP: "Đây là thảm kịch lớn nhất mà một dân tộc, một đất nước, một quốc gia có thể phải đối mặt".
Theo các chuyên gia khí hậu của Liên Hợp Quốc, mực nước biển đã tăng từ 15 - 25 cm kể từ năm 1900 đến nay và tốc độ đang tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt là ở một số khu vực nhiệt đới.
Nếu xu hướng Trái Đất nóng lên tiếp tục diễn ra thì mực nước của các đại dương có thể tăng thêm gần một mét xung quanh các đảo ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vào cuối thế kỷ này.
Dù mực nước này vẫn nằm dưới điểm cao nhất của các quốc đảo nhỏ nhất, bằng phẳng nhất, nhưng nước biển dâng cao sẽ kèm theo sự gia tăng của bão và triều cường, đẩy nhanh quá trình nhiễm mặn nguồn nước và đất đai, đồng thời khiến nhiều nơi không thể ở được trước khi toàn bộ đất liền bị biển bao phủ.
Theo một nghiên cứu được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc trích dẫn, 5 quốc gia (Maldives, Tuvalu, quần đảo Marshall, Nauru và Kiribati) có thể không còn ở được vào năm 2100. Điều này sẽ khiến 600.000 người trở thành người tị nạn khí hậu không quốc tịch.
Đảo Tepuka của Tuvalu đối mặt nguy cơ bị nhấn chìm khi nước biển tiếp tục dâng. Ảnh: MSN/AFP.
Kịch bản chưa từng được nghĩ tới
Đây là một tình huống chưa từng xảy ra. Trước kia, đã có nhiều quốc gia bị xóa sổ khỏi bản đồ bởi chiến tranh. Nhưng "chúng tôi chưa gặp trường hợp các quốc gia nào vào thời điểm hiện tại bị mất hoàn toàn lãnh thổ do một sự kiện vật lý hoặc các sự kiện môi trường, như mực nước biển dâng hoặc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt", ông Sumudu Atapattu, chuyên gia tại Đại học Wisconsin ở Madison, lưu ý.
Công ước Montevideo năm 1933 về Quyền và Nhiệm vụ của các Quốc gia, một tài liệu tham khảo về chủ đề này, đã nêu rất rõ ràng: Một quốc gia có một vùng lãnh thổ được xác định, có dân số thường trú, có chính phủ và có khả năng tương tác với các quốc gia khác. Vì vậy, nếu lãnh thổ của họ bị nuốt chửng hoặc người dân của họ không thể sinh tồn tại diện tích lãnh thổ còn sót lại, thì ít nhất một trong các tiêu chí trên sẽ không được bảo đảm.
Trước tình hình này, cộng đồng quốc tế đang tranh luận về một chủ đề mới, đó là tình trạng của các quốc gia khi không còn lãnh thổ. Đây cũng là vấn đề được đưa ra trong sáng kiến "Các quốc gia đang trỗi dậy" do một số chính phủ Thái Bình Dương đề xuất vào tháng 9 năm nay là: "thuyết phục các thành viên của Liên hợp quốc công nhận quốc gia của chúng tôi, ngay cả khi chúng tôi bị nhấn chìm dưới nước, bởi vì đó là bản sắc của chúng tôi", Thủ tướng Tuvalu Kausea Natano, giải thích với AFP.
Một số người đã suy nghĩ về ảnh hưởng của sáng kiến Quốc gia – Nhà nước 2.0 này.
"(Một quốc gia- nhà nước) có thể có đất ở đâu đó, dân số ở một nơi khác và chính phủ cũng ở một vị trí khác", Kamal Amakrane, giám đốc điều hành của Trung tâm cơ động khí hậu toàn cầu tại Đại học Columbia, nói với AFP.
Để đạt được sự công nhận này, Liên hợp quốc cần đưa ra một "tuyên bố chính trị", sau đó là một "hiệp ước" giữa quốc gia bị đe dọa và "quốc gia chủ nhà", nơi sẵn sàng tiếp nhận chính phủ lưu vong trú đóng tại một đại sứ quán thường trực. Dân số của quốc gia bị ảnh hưởng bởi khí hậu có thể ở tại quốc gia chính phủ của họ lưu vong hoặc thậm chí ở một nước khác. Người dân này sau đó sẽ có hai quốc tịch.
Amakrane, một cựu quan chức Liên Hợp Quốc, cũng gây chú ý khi đề cập đến một điều không rõ ràng trong Công ước Montevideo: "Khi bạn nói về lãnh thổ, đó là lãnh thổ trên cạn hay cả vùng nước?"
Con người nỗ lực thích ứng
Với 33 hòn đảo nằm rải rác trên 3,5 triệu km2 ở Thái Bình Dương, Kiribati, nhỏ bé về diện tích đất liền, có một trong những vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) lớn nhất thế giới.
Theo một số chuyên gia, nếu chủ quyền vùng biển này được bảo tồn, thì nhà nước này sẽ không biến mất.
Trong khi một số đảo nhỏ đã bị nhấn chìm khi nước biển dần dâng lên, việc giữ nguyên các đặc khu kinh tế sẽ bảo vệ khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng.
Trong một tuyên bố vào tháng 8 năm 2021, các thành viên của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, bao gồm Australia và New Zealand, tuyên bố rằng các khu vực biển của họ "sẽ tiếp tục được áp dụng, không cắt giảm, bất chấp bất kỳ thay đổi vật lý nào liên quan đến nước biển dâng vì chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu."
Nhưng ngay cả khi mực nước biển dâng cao, một số người sẽ không cân nhắc việc rời khỏi đất nước đang bị đe dọa của họ.
Nasheed, cựu lãnh đạo của Maldives, cho biết: "Con người rất tài tình, họ sẽ tìm ra những cách trôi nổi ... để sống chính xác ở vị trí hiện tại", đề cập đến khả năng xây dựng các thành phố nổi.
Làm thế nào các quốc gia này sẽ tìm thấy các nguồn lực cho các dự án như vậy còn chưa rõ ràng. Vấn đề tài trợ cho "tổn thất và thiệt hại" do tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ là một vấn đề nhức nhối tại COP27 ở Ai Cập vào tháng 11 tới.