Loạt đòn mạnh khiến Bắc Kinh tái mặt, Đài Loan mở cờ: Chiến thuật của ông Trump là gì?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Trong những ngày này, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên phức tạp và gay cấn hơn bao giờ hết.

Tổng thống Trump liên tiếp "ra đòn" vào Trung Quốc

Căng thẳng leo thang không chỉ bởi Mỹ áp thuế cao đối với sản phẩm của Trung Quốc để bảo hộ các ngành công nghiệp sản xuất ở Mỹ, mà còn bởi những quyết sách mới của Mỹ đối với Đài Loan.

Ngoài chuyện áp thuế nói trên còn có hai động thái nữa từ phía Mỹ có tác động rất mạnh mẽ tới các cặp quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và đảo Đài Loan.

Thứ nhất, tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật cho phép quan chức và công dân Mỹ có quan hệ chính thức cũng như không chính thức ở mức độ không hạn chế với Đài Loan. Đạo luật có tên "Taiwan Travel Act" (Luật lữ hành Đài Loan) này sẽ thúc đẩy rất mạnh mẽ các mối quan hệ trao đổi chính thức cũng như không chính thức giữa Mỹ và Đài Loan. 

Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan từ năm 1979 và chuyển sang ủng hộ chính sách "Một nước Trung Quốc" của Trung Quốc từ đó. Cũng trong năm ấy, Mỹ thông qua đạo luật có tên gọi "Taiwan Relations Act" (Luật quan hệ Đài Loan), với nội dung chính là khẳng định Đài Loan có quyền tự quyết định tương lai và Mỹ cung cấp cho Đài Loan những phương tiện cần thiết để tự bảo vệ. Vì thế, không có gì lạ và khó hiểu khi Trung Quốc phản đối và cảnh báo nước này rất gay gắt về quyết sách mới của Mỹ.

Thứ hai, ngay sau khi chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc bằng những ngôn từ rất mạnh mẽ răn đe và cảnh tỉnh Đài Loan chớ nên theo đuổi chủ trương ly khai Đại lục, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alex Wong đã đi Đài Loan và khẳng định sự ủng hộ không thay đổi của Mỹ dành cho Đài Loan và cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh cho Đài Loan, thậm chí còn tuyên bố rằng những cam kết ấy "chưa khi nào mạnh mẽ hơn hiện tại". 

Tới đây, Mỹ sẽ khai trương trụ sở của Viện Mỹ tại Đài Loan (American Institute in Taiwan, A.I.T.) - được coi là cơ quan đại diện ngoại giao không chính thức của Mỹ ở Đài Loan, với nhân viên làm việc ở đây thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. 

Cả tân bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, tân thứ trưởng quốc phòng Mỹ Randall Schriver lẫn tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đều được coi là có thái độ thân Đài Loan và cứng rắn đối với Trung Quốc.

Loạt đòn mạnh khiến Bắc Kinh tái mặt, Đài Loan mở cờ: Chiến thuật của ông Trump là gì? - Ảnh 2.

Đạo luật lữ hành Đài Loan là một trong những động thái mới của chính quyền ông Trump được cho là đối đầu trực diện với Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Giá trị mới của đồng minh cũ

Liên quan trực tiếp đến Trung Quốc, động thái đáng chú ý gần đây nhất là quyết định của ông Trump hôm 22/3 về áp thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, trong khi trước mắt Mỹ không hành động tương tự với những đối tác quan trọng khác như Canada, Mexico và EU. 

Sự tương phản này có thể tình cờ về thời điểm nhưng nhiều khả năng không phải vậy mà được chủ ý bởi như thế phục vụ nhiều nhất và thiết thực nhất cho những suy tính lợi ích hiện tại của ông Trump. Hay nói theo cách khác, ông chủ động khai thác giá trị mới của đồng minh truyền thống lâu nay là Đài Loan.

Thật ra, ông Trump vốn đã từ lâu theo đuổi cách tiếp cận mới cho quan hệ Mỹ-Đài Loan, để luôn có thể sử dụng Đài Loan làm "chủ bài" đắc dụng hơn trước trong quan hệ với Trung Quốc Đại lục cả về chính trị, quân sự-an ninh lẫn kinh tế-thương mại. 

Thực hiện cam kết với Đài Loan và cứng rắn với Trung Quốc luôn rất có lợi cho ông Trump về đối nội ở Mỹ. Cũng vì nhu cầu đối nội và vì cần kết quả cụ thể của khẩu hiệu cầm quyền "Nước Mỹ trước hết", tổng thống phải thực hiện cam kết tranh cử là giảm thâm hụt của Mỹ trong cán cân trao đổi thương mại với các đối tác, mà ở đây trước hết là với Trung Quốc vì mức độ thâm hụt hiện tại của Mỹ với Trung Quốc không chỉ đã rất lớn mà còn lớn nhất. 

Loạt đòn mạnh khiến Bắc Kinh tái mặt, Đài Loan mở cờ: Chiến thuật của ông Trump là gì? - Ảnh 3.

Ông Trump muốn Trung Quốc không chỉ hậu thuẫn Mỹ thật sự thiết thực, mà cần tham gia thật sự hiệu quả vào việc gia tăng áp lực tối đa để Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân. 

Ngoài ra còn có thể thấy hai chủ ý nữa của phía Mỹ. Thứ nhất là cảnh báo và răn đe Bắc Kinh chớ nên gây khó hoặc đe doạ Đài Loan. Thứ hai là răn đe và cảnh báo Triều Tiên với thông điệp rằng, với Trung Quốc Mỹ còn như vậy thì đâu có nói đùa với Triều Tiên.

Đài Loan hiện vui mừng về những động tác mới của Mỹ. Trung Quốc có lý do xác đáng để lo ngại Mỹ và vì thế đã nhanh chóng thể hiện thái độ cứng rắn cũng như trả đũa Mỹ về thương mại. 

Với cách thức cầm quyền và tính cách cá nhân của ông Trump, mọi chuyện đều có thể xảy ra hoặc thay đổi bất ngờ. Cả Trung Quốc Đại lục lẫn Đài Loan đều không thể không lưu ý thoả đáng đến điều này. Cũng vì thế mà ba cặp quan hệ này hiện đều trong thời kỳ dễ biến động hơn là ổn định.

Mỹ tăng thuế với hàng Trung Quốc nhập khẩu

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại