Loạt doanh nghiệp của đại gia Lê Trường Kỹ 'làm ăn' ra sao?

THÀNH VÂN - THU HỒNG |

Ông Lê Trường Kỹ hiện đang nắm phần lớn cổ phần và giữ vai trò lãnh đạo tại loạt doanh nghiệp như CTCP Kỹ thuật Xây dựng Dinco, CTCP Tập đoàn Đầu tư Din Capital hay CTCP Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng...

Hé mở về đại gia Lê Trường Kỹ

Ông Lê Trường Kỹ (SN 1973 ở TP Đà Nẵng), có trình độ kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp. Ông Kỹ bắt đầu sự nghiệp của mình từ cán bộ kỹ thuật thuộc Công ty xây dựng Dầu khí - Bộ Xây dựng (Chi nhánh Hồ Chí Minh) từ 1996 - 2000. Sau đó, ông trở thành đội trưởng đội xây dựng số 3 - Xí nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng Đà Nẵng vào năm 2000.

Từ năm 2003 đến nay, vị đại gia này nắm phần lớn cổ phần và giữ vai trò lãnh đạo tại loạt doanh nghiệp như CTCP Kỹ thuật Xây dựng Dinco, CTCP Tập đoàn Đầu tư Din Capital và CTCP Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng.

Đi sâu vào từng doanh nghiệp liên quan đến ông Lê Trường Kỹ, đầu tiên phải kể đến CTCP Kỹ thuật xây dựng Dinco, được thành lập vào năm 2004. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà máy công nghiệp, cao ốc, khách sạn, resort và công trình giao thông, cơ sở hạ tầng…

Loạt doanh nghiệp của đại gia Lê Trường Kỹ 'làm ăn' ra sao?- Ảnh 1.

Ông Lê Trường Kỹ. Ảnh: V.X.

Thời gian qua, doanh nghiệp này được biết đến khi trở thành nhà thầu thi công của loạt dự án của các doanh nghiệp FDI ở các khu công nghiệp trên cả nước. Có thể kể đến như: Dự án nhà máy sản xuất nội thất Jaydee Quảng Ngãi do Công ty TNHH Jaydee Furniture Việt Nam làm chủ đầu tư; nhà máy sản xuất chỉ may Amann Việt Nam - giai đoạn 2 do Công ty TNHH Amann Việt Nam làm chủ đầu tư; nhà máy linh kiện hàng không KP Vina do Công ty TNHH KP Aerospace Vietnam làm chủ đầu tư…

Tại công ty này, ông Lê Trường Kỹ đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty, trong khi bà Huỳnh Phước Huyền Vy (vợ ông Kỹ) là Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc.

Tiếp theo là CTCP Tập đoàn Đầu tư Din Capital (PDB), doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 1/2010, trụ sở chính tại 233 Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.

Din Capital hiện có vốn điều lệ hơn 89 tỷ đồng, trong đó ông Lê Trường Kỹ là Chủ tịch HĐQT sở hữu 1.270.740 cổ phiếu (14,26%); bà Huỳnh Phước Huyền Vy giữ vai trò Phó Chủ tịch HĐQT sở hữu 649.736 cổ phiếu (7,29%).

Đối với CTCP Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng (BED), đây là doanh nghiệp được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước vào năm 2004. Công ty có địa chỉ chính tại 76-78 Bạch Đằng, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng; hoạt động trong ngành xuất bản, lĩnh vực chính là in ấn và kinh doanh sách giáo khoa, sách tham khảo, thiết bị giáo dục, văn phòng phẩm…

Tại công ty này, ông Lê Trường Kỹ đang sở hữu 1.111.880 cổ phiếu, Thành viên HĐQT công ty; trong khi đó bà Huỳnh Phước Huyền My là Chủ tịch HĐQT công ty, sở hữu 500.000 cổ phiếu.

Loạt doanh nghiệp của đại gia Lê Trường Kỹ 'làm ăn' ra sao?- Ảnh 3.

Ông Lê Trường Kỹ hiện đang nắm phần lớn cổ phần và giữ vai trò lãnh đạo tại loạt doanh nghiệp ở Đà Nẵng. Ảnh: T.V.

Liên tục bị phạt hành chính, thuế

Mới đây, CTCP Tập đoàn Đầu tư Din Capital (PDB) đã công bố kết quả kinh Doanh hợp nhất quý I/2024, ghi nhận đạt 62,2 tỷ đồng, tăng khoảng 30 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 75% so với cùng kì năm ngoái. Đồng thời, doanh nghiệp báo lãi sau thuế hơn 1 tỷ đồng, trong khi 3 tháng đầu năm 2023 lỗ 4,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính PDB cho thấy, trong quý I/2024, bên cạnh doanh thu tăng trưởng, công ty cũng đã "tiết chế" tốt các khoản chi phí. Đơn cử, chi phí hoạt động tài chính giảm từ 630 triệu đồng (quý I/2023) về còn 320 triệu đồng (quý 1/2024); Chi phí nhân viên quản lý giảm từ 1,1 tỷ đồng (quý I/2023) về còn hơn 900 triệu đồng (quý I/2024).

Trên thực tế, sau giai đoạn COVID-19, Chi phí nhân viên quản lý là "khoản mục" được PDB cắt giảm liên tục. Theo đó, năm 2019 Chi phí nhân viên quản lý của PDB là hơn 7 tỷ đồng, giảm về còn 6,1 tỷ đồng năm 2020, 4,2 tỷ đồng năm 2021, 4,5 tỷ đồng năm 2022 và 4,1 tỷ đồng năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc, thu nhập của các nhân viên quản lý tại PDB có thể ảnh huỏng khá nhiều trong giai đoạn này.

Một điểm đáng chú ý khác tại bức tranh tài chính của PDB, đó là việc doanh nghiệp này thường xuyên ghi nhận các chi phí nộp phạt hành chính, thuế.

Năm 2019, chi phí nộp phạt hành chính, thuế của PDB là 175 triệu đồng, năm 2020 gần 135 triệu đồng, năm 2021 xấp xỉ 52 triệu đồng, năm 2022 khoảng 228 triệu đồng và năm năm 2023 là 56 triệu đồng.

Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản PDB đạt 212,5 tỷ đồng, giảm khoảng 10 tỷ đồng sau 3 tháng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tại công ty gần 20 tỷ đồng, hàng tồn kho hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra doanh nghiệp này cũng đang dành 11 tỷ đồng để đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả PDB còn 82 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Biến động này chủ yếu đến từ việc nợ vay tài chính công ty giảm từ 24 tỷ đồng về còn gần 20 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại