Chiều tối ngày 18/7/2021, UBND TP. Hà Nội vừa có Công điện số 15/CĐ-UBND về việc áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố từ 0 giờ ngày 19/7/2021.
Sau công điện này, ngay lập tức người dân tại thủ đô đã "tràn về" các siêu thị, tạp hóa mua thực phẩm dự trữ. Trên mạng xã hội, nhiều người dùng facebook đã chia sẻ lại loạt ảnh các siêu thị lớn đều "cháy hàng", các quầy rau, thịt cá đều được "dọn" sạch sẽ.
Các quầy hàng đều trống trơn tại một siêu thị lớn vào tối ngày 18/7.
Một số người dân chia sẻ trên các diễn đàn, đến khoảng hơn 9h tối, nhiều gian hàng thịt cá, trứng, rau xanh đã hết nhẵn đồ. Giá cả cũng vẫn như ngày thường nhưng vì tâm lý ngại ra ngoài khi tình hình dịch phức tạp nên ai cũng muốn mua nhiều hơn mọi khi.
Phía trong siêu thị, lượng người mua hàng đông hơn ngày thường rất nhiều
Thực tế, đây không phải lần đầu xuất hiện tình trạng người dân ùn ùn kéo nhau đi tích trữ đồ ăn tại thủ đô. Trong đợt dịch bùng phát vào tháng 3.2020, ngay sau tối Hà Nội ghi nhận ca nhiễm thứ 17, các siêu thị, các chợ dân sinh ở Hà Nội đã đông nghịt người đi mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa để trữ sẵn.
Trước sự việc này, nhiều cư dân mạng bình luận rằng, với kinh nghiệm phòng chống dịch từ những đợt dịch Covid trước đó, liệu nỗi lo khan hiếm thực phẩm hay tâm lý tích trữ đồ ăn có đáng lo ngại đến như vậy hay không?
"Đang hạn chế tụ tập đông người, quán ăn và quán cà phê không bán tại chỗ thì việc cả nghìn người tập trung ở siêu thị là hết sức rủi ro".
"Khoản thực phẩm, chợ, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động bình thường chứ có đóng cửa đâu mà phải lo lắng, ùn ùn kéo nhau đi mua như thế?"
"Chúng ta đã có kinh nghiệm gần hai năm chống dịch, mọi người cần phải bình tĩnh, đồng lòng trong thời điểm khó khăn này. Nhà nước không ngăn sông cấm chợ, hà cớ gì lòng người cấm chợ ngăn sông?", một số dân mạng bình luận.
Được biết, ngay trong tối nay, ngày 18/7, Sở Công thương Hà Nội đã phát ra thông cáo về việc đảm bảo hàng hoá phục vụ người dân phòng chống dịch COVID-19. Sở này cho biết, trước diễn biến dịch phức tạp, Sở Công thương đã triển khai các phương án đảm bảo nguồn cung đối với các nhóm hàng nhu yếu phẩm để phục vụ người dân trong mọi kịch bản diễn biến của dịch COVID-19, kể cả trong tình huống dịch diễn biến xấu nhất.
Chính vì thế người dân có thể an tâm, bình tĩnh thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh và không nên quá lo lắng về chuyện khan hiếm thực phẩm.