Thử tưởng tượng thế này:
Bạn nắm tay nàng thơ của mình đến rạp chiếu phim, nhận vé đặt trước và tiến thẳng tới quầy snack để mua một hộp bắp rang bơ thơm giòn béo ngậy.
Ở đó chỉ có 2 lựa chọn: Hộp bé giá 3 USD, hộp to 7 USD.
Bạn sẽ chọn phương án nào?
Thường thì, người ta sẽ chọn hộp nhỏ, 3 USD thôi - vì bắp rang bơ ngon thật đấy nhưng chẳng lợi lộc gì cho sức khỏe. Thôi thì lấy hộp bé để ăn vừa thôi, lại rẻ hơn >50%. 7 USD cũng đâu phải ít tiền, để dành mua thứ khác còn hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn có thêm 1 lựa chọn khác... Hộp cỡ nhỡ - 6,5 USD!
Đột nhiên, những tính toán logic trong đầu bạn đảo lộn. Bạn bỏ qua ngay những lý do đằng sau việc không mua hộp to 7 USD.
"Chỉ đắt hơn 50 xu, tính ra mua hộp to vẫn là lãi nhất so với 2 cỡ còn lại." Bạn nghĩ vậy, đúng không? Bỗng dưng, 7 USD ban đầu ngỡ là đắt nhưng lại là mặt trời chân lý xét về giá trị. Bam! Bạn tự tin trả tiền và đi vào xem phim.
Đó là một trong những trường hợp đặc thù, cho thấy chúng ta trở thành nạn nhân của Hiệu ứng chim mồi (decoy effect) - chiêu trò tiếp thị phổ biến nhất nhì thế giới.
Hầu hết các doanh nghiệp, từ lớn đến nhỏ, đều sử dụng ma trận giá cả để người tiêu dùng lú lẫn và xì ra nhiều tiền nhất có thể. Không chỉ bắp rang bơ đâu nhé, từ cốc cà phê Starbucks cho đến Macbook cũng được bán ra với Hiệu ứng chim mồi. Dưới đây là ví dụ, hãy nhìn vào giá cả của các "option":
Không kém phần thú vị và phức tạp hơn một chút là Hiệu ứng chim mồi kép (double decoy), nhằm nhắm đến 2 loại khách hàng khác nhau:
Thông thường, một người tiêu dùng (không quá rủng rỉnh) sẽ lên đời iPhone 8 Plus thay vì iPhone 8, vì họ sẽ nhận được con máy "ngon" hơn mà chỉ phải thêm một ít tiền.
Còn lại, người đã mua phiên bản Plus của iPhone sẽ không cố gắng lên hẳn model mới nhất, đắt nhất - vì 8 Plus đã là dòng sản phẩm hàng đầu so với iPhone 6 và 7.
Thử nghĩ mà xem, mỗi ngày chúng ta đều bị Hiệu ứng chim mồi làm cho lú lẫn. Vì vậy, hãy tập trung vào nhu cầu mua sắm của bản thân thay vì phải các "option" béo bở của bên bán.
Theo Quora