Loài vật xưa đầy không ai bắt, nay là đặc sản “trời cho” ở Tiền Giang

H.M |

Những con ốc gạo nhỏ nhắn nhưng lại là đặc sản của một vùng sông nước ở Tiền Giang.

Những con ốc gạo nhỏ nhắn nhưng lại là đặc sản của một vùng sông nước ở Tiền Giang.

Đến với Tiền Giang, có một món đặc sản mà người dân địa phương sẽ gợi ý bạn thưởng thức, đó là những con ốc gạo “nhỏ mà có võ”. Từ những con ốc này, người Tiền Giang sẽ chế biến thành nhiều món ngon mà bạn có thể nhâm nhi cả ngày.

Theo người dân ở đây, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là một cù lao do phù sa bồi đắp, nổi tiếng với đặc sản ốc gạo. Ốc sinh sản trên nhiều lưu vực sông Cồn Bầu, Cồn Tre, Cồn Tròn, Ba Rái. Đặc biệt, ốc gạo ở Cồn Tre là ngon nhất nhờ sống ở vùng cát sa nên ốc to, vỏ màu xanh ngọc, ruột đầy.

Loài vật xưa đầy không ai bắt, nay là đặc sản “trời cho” ở Tiền Giang - Ảnh 1.

Sở dĩ loài ốc này được đặt tên là ốc gạo là bởi bên ngoài vỏ ốc màu xanh ngọc có xoáy tròn. Sau khi luộc lên, phần đầu vỏ ốc xuất hiện một hạt mỡ trắng trông giống hạt gạo nên được người dân nơi đây gọi là ốc gạo. Dần dần cái tên này trở nên phổ biến và được nhiều người khắp nơi biết đến.

Ngoài ra, từ xa xưa đối với người dân lam lũ ở cù lao Tân Phong, ốc gạo là loại ốc ngon có thể bán đi lấy tiền đong gạo. Từ đó mà người ta cũng gọi loại ốc này là ốc gạo Tân Phong.

Loài vật xưa đầy không ai bắt, nay là đặc sản “trời cho” ở Tiền Giang - Ảnh 2.

Ốc gạo Tân Phong thường sinh sản vào tháng 7 và vào mùa thu hoạch tầm tháng 3, tháng 4 năm sau. Để bắt được một rổ ốc gạo chất lượng, người ta phải cất công đến giữa dòng sông, cắm sào và lặn xuống tận đáy sông để cào, hốt bắt ốc. Cứ đến mùa ốc, không khí tại cù lao Tân Phong lại nhộn nhịp hẳn lên. Khắp các lưu vực sông đâu đâu cũng là xuồng, ghe tấp nập.

Bắt ốc thì khó và mất công như vậy nhưng chế biến thì đơn giản hơn. Ốc gạo mua về cho vào rổ rồi đặt vào một thau nước, thi thoảng xóc rổ để ốc nhả sạch đất cát. Ốc gạo luộc với một chút nước, để lửa lớn. Ốc chín tới là đổ ra rổ.

Loài vật xưa đầy không ai bắt, nay là đặc sản “trời cho” ở Tiền Giang - Ảnh 3.

Nước chấm ốc cũng pha đúng kiểu với nước mắm, gừng, đường, chanh, ớt. Ốc gạo luộc xong phải ăn ngay khi còn nóng hổi, con nào con nấy vàng ươm, béo múp. Khi nhai cảm thấy giòn giòn, ngọt ngọt, thích hợp nhâm nhi với chút rượu. Trong ruột ốc gạo thường có nhiều con nhỏ như hạt gạo, nhất là mùa sinh sản ốc càng béo, ngọt, khi nhai giòn rụm.

Ngoài món ốc luộc, bạn có thể chế biến ốc gạo Tân Phong thành nhiều món như ốc xào cháy mỡ tỏi, nấu cháo ốc, um nước dừa, rang bơ…

Loài vật xưa đầy không ai bắt, nay là đặc sản “trời cho” ở Tiền Giang - Ảnh 4.

Khác với những loại ốc khác, ốc gạo ngon và lành hơn ở chỗ không có nhớt, ăn đến no mà không thấy nặng bụng. Đến với Tiền Giang, du khách đừng quên thưởng thức món đặc sản “trời cho” này nhé, đảm bảo sẽ mê mẩn ngay từ lần thử đầu tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại