Nội dung chính
- Loài vật được tìm thấy trong các khu rừng nhiệt đới của vùng Congo
- Loài động vật được IUCN đưa vào danh sách đỏ những loài bị đe dọa
Loài động vật quý hiếm trên thế giới
Nằm ở phần đông bắc của Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), sát cạnh biên giới Uganda và Nam Sudan, Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Okapi chiếm diện tích khoảng 14.000 km² của rừng nhiệt đới. Được chính phủ thành lập vào năm 1996 và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, khu bảo tồn này nổi tiếng với sự phong phú của các loài động thực vật, trong đó có những loài vật đặc hữu chỉ có ở khu vực này. Nó cung cấp sự bảo vệ cho hơn 100 loài động vật có vú và 370 loài chim, trong đó có 17 loài linh trưởng, số lượng nhiều hơn bất kỳ khu rừng nào khác tại Châu Phi. Ngoài ra, Khu bảo tồn còn là nơi ở của dân tộc Efe và Mbuti, những cộng đồng bản địa của khu vực này.
Khu bảo tồn động vật hoang dã Okapi tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) là ngôi nhà của khoảng 470 loài chim và động vật có vú. Tuy nhiên, có thể nói rằng cư dân đáng chú ý nhất của khu bảo tồn chính là loài Okapi huyền bí. Okapi (Okapia johnstoni ), còn được gọi là hươu cao cổ rừng, hươu cao cổ Congo và hươu cao cổ ngựa vằn, là một trong những động vật quý hiếm trên thế giới, nhiều nhà khoa học cho rằng chúng quý hơn vàng.
Đây là loài được mệnh danh là "kỳ lân châu Phi" đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, và chúng thuộc họ hàng với hươu cao cổ.
Loài vật này có quan hệ họ hàng gần gũi với hươu cao cổ, với cổ dài nhưng thân hình lại tương tự ngựa. Phần đùi sau của chúng cũng xuất hiện các vạch sọc giống ngựa vằn, vì vậy, nhiều người lầm tưởng chúng là kết quả lai giữa ngựa vằn và hươu cao cổ.
Cao khoảng 1,5 mét, okapi có thân dài 2m, đuôi dài 45cm, nặng trên 200kg.. Sở hữu bộ lông sọc đặc trưng, okapi có thể dễ dàng ngụy trang trong môi trường sống là những khu rừng nhiệt đới rậm rạp, giúp chúng tránh khỏi sự săn đuổi của các loài động vật ăn thịt. Bộ lông dày và nhờn giúp okapi chống chọi với điều kiện ẩm ướt. Bên cạnh đó, các tuyến mùi hương ở móng guốc được okapi sử dụng để đánh dấu lãnh thổ.
Khác với hươu cao cổ ưa thích những đồng cỏ rộng lớn, okapi sống chủ yếu trong các khu rừng mưa nhiệt đới đất thấp ở miền trung và đông bắc Cộng hòa Dân chủ Congo. Chúng là loài động vật sống đơn độc nhưng đôi khi cũng tụ tập thành đàn nhỏ để kiếm ăn, chải chuốt và thậm chí là chơi đùa cùng nhau.
Okapi cái mang thai trong vòng 15 tháng. Okapi con mới sinh có thể nhịn đại tiện trong 4 tuần để tránh bị báo hoa mai phát hiện. Okapi mẹ sẽ ở trong tổ với con non trong 6 đến 9 tuần đầu đời - lâu hơn nhiều so với hầu hết các loài động vật móng guốc khác. Trong những tuần đầu tiên, những chú Okapi mới sinh sẽ được mẹ giấu kín trong các bụi cây và cai sữa sau 6 tháng.
Okapi có một hệ thống giao tiếp độc đáo mà loài người không thể nghe thấy. Chúng sử dụng sóng âm đặc biệt mà tai người không thể phát hiện. Để hiểu được ngôn ngữ này, chúng ta cần sử dụng các thiết bị chuyên biệt.
Một con okapi trưởng thành có thể nặng tới 300kg và tiêu thụ khoảng 27kg thức ăn mỗi ngày, bao gồm trái cây, chồi non, nấm, lá cây, cành cây, đất sét ven sông và thậm chí là phân dơi để bổ sung muối, khoáng chất và các chất dinh dưỡng cần thiết.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy một điều rất thú vị, Okapi còn ăn cả các khúc cây bị cháy sém do sét đánh nhằm giúp ích cho quá trình tiêu hóa của mình.
Nếu quan sát kỹ hình dạng đầu và các đặc điểm trên khuôn mặt, chúng ta có thể thấy okapi có nhiều điểm tương đồng với hươu cao cổ. Giống như hươu cao cổ, okapi đực có sừng. Trong khi đó, okapi cái có màu đỏ hơn một chút và cao hơn một chút so với okapi đực. Okapi có chiếc lưỡi dài để tước lá và cành cây. Thức ăn sau đó được tiêu hóa trong dạ dày bốn ngăn của chúng.
Rất khó để tìm thấy Okapi trong tự nhiên bởi vì sinh vật hiếm hoi này có tính tình nhút nhát, sợ người.
Nguyên nhân chính khiến số lượng cá thể okapi suy giảm
Là một loài vật mang tính biểu tượng của Cộng hòa Dân chủ Congo, okapi được người dân Congo tôn kính từ nhiều thế kỷ nay, đặc biệt là cộng đồng người lùn Mbuti – những người đã đặt tên cho loài động vật này. Ngày nay, okapi là quốc bảo của Cộng hòa Dân chủ Congo và hình ảnh của chúng xuất hiện trên đồng tiền quốc gia cũng như logo của Viện Bảo tồn Thiên nhiên Congo (ICCN).
Mãi đến năm 1901, sự tồn tại của chúng mới được khoa học phương Tây xác nhận. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một thế kỷ, số lượng loài okapi đã giảm một nửa. Theo ước tính, hiện chỉ còn chưa đến 25.000 cá thể okapi còn tồn tại trong tự nhiên.
Vào năm 2013, Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN) đã đưa Okapi vào danh sách đỏ những loài bị đe dọa. IUCN đã nhấn mạnh sự suy giảm nghiêm trọng của loài hươu cao cổ okapi một phần là do chúng chỉ sống tại các khu rừng nhiệt đới thuộc nước Cộng hòa dân chủ Congo (DRC).
Ngoài ra, số lượng Okapi giảm sút còn do bị săn bắt quá mức, do mất môi trường sống, do nạn chặt phá rừng khai thác gỗ và hoạt động định cư của con người. Những cuộc xung đột và cảnh đói nghèo tại Cộng hòa dân chủ Congo trong hai thập kỷ qua đã làm tổn hại môi trường sống của Okapi, và chúng còn bị săn để lấy thịt và da. Do đó, việc chính phủ nỗ lực giải quyết mâu thuẫn dân sự và chống nghèo đói là cần thiết để bảo tồn sự tồn tại của loài Okapi.
Việc khai thác tài nguyên khoáng sản phong phú của Cộng hòa Dân chủ Congo cũng là một thách thức lớn đối với công tác bảo tồn loài okapi. Việc thiếu dữ liệu chính xác về số lượng cá thể okapi trong tự nhiên cũng là một trong những thách thức đối với các nhà khoa học. Kể từ những năm 1960 đến nay, vẫn chưa có một cuộc khảo sát toàn diện nào về loài okapi được thực hiện tại các khu rừng phía bắc của Vườn quốc gia Virunga - nơi loài okapi được phát hiện lại vào năm 2006.
Với sự nỗ lực của các kiểm lâm viên cùng những mục tiêu phát triển bền vững, Vườn quốc gia Virunga được kỳ vọng sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn, giúp bảo vệ loài okapi khỏi nạn săn bắn và mất môi trường sống. Việc thu thập dữ liệu về loài okapi là ưu tiên hàng đầu trong những năm tới. Dữ liệu này sẽ là cơ sở để xây dựng chiến lược bảo tồn loài okapi cả trong và ngoài Vườn quốc gia Virunga.
Tổng hợp