Trung Quốc hé lộ kế hoạch xây dựng mạng lưới trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng

Hai Xia |

Dự án đầy tham vọng này của Trung Quốc dự kiến bao gồm hai giai đoạn.

Trung Quốc đang ấp ủ tham vọng chinh phục không gian với kế hoạch xây dựng một căn cứ trên Mặt Trăng. Dự kiến, mạng lưới trạm nghiên cứu này sẽ được hoàn thiện vào năm 2050, mở ra cánh cửa cho những chuyến đổ bộ lên sao Hỏa trong tương lai.

Tại Hội nghị Thám hiểm Không gian Sâu Quốc tế lần thứ hai diễn ra ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) vào ngày 5/9, Trung Quốc đã chính thức công bố kế hoạch đầy tham vọng về việc xây dựng Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS). Dự án hợp tác ban đầu giữa Trung Quốc và Nga được công bố vào tháng 6/2021, tập trung vào việc xây dựng một căn cứ do robot vận hành trên Mặt Trăng thông qua 5 lần phóng tên lửa siêu hạng nặng từ năm 2030 đến năm 2035.

Trung Quốc hé lộ kế hoạch xây dựng mạng lưới trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng- Ảnh 1.

Trung Quốc đã chính thức công bố kế hoạch đầy tham vọng về việc xây dựng Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) vào ngày 5/9. (Ảnh: Space)

Tuy nhiên, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu dự án và tiết lộ kế hoạch hai giai đoạn tiên tiến hơn cho ILRS. Theo ông Wu Yanhua – Kỹ sư trưởng của dự án thám hiểm không gian sâu của Trung Quốc, giai đoạn đầu tiên sẽ hoàn thành vào khoảng năm 2035 gần cực nam của Mặt Trăng. Tiếp đó, một mô hình mở rộng sẽ được xây dựng vào khoảng năm 2050.

Mô hình mở rộng sẽ là "một mạng lưới trạm Mặt Trăng toàn diện, sử dụng trạm quỹ đạo làm trung tâm và trạm cực nam làm căn cứ chính. Ngoài ra, mạng lưới này còn bao gồm các điểm thăm dò trên đường xích đạo của Mặt Trăng và phía xa của Mặt Trăng", hãng thông tấn Xinhua dẫn lời ông Wu cho biết.

Trung Quốc hé lộ kế hoạch xây dựng mạng lưới trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng- Ảnh 2.

Mô hình ILRS mở rộng sẽ giúp đặt nền móng cho các chuyến đổ bộ có người lái lên sao Hỏa trong tương lai. (Ảnh: Space)

ILRS được cung cấp năng lượng bởi các máy phát điện mặt trời, đồng vị phóng xạ và hạt nhân. Cơ sở hạ tầng sẽ bao gồm mạng lưới liên lạc tốc độ cao trên bề mặt Mặt Trăng và Trái Đất, các phương tiện di chuyển trên Mặt Trăng như tàu nhảy cóc, xe tự hành có người lái, gồm xe có khoang điều áp để các phi hành gia đi lại mà không cần mặc bộ đồ vũ trụ, còn xe không điều áp sẽ dùng cho những chuyến đi ngắn. Đáng chú ý, ông Wu cũng tuyên bố rằng mô hình ILRS mở rộng sẽ giúp đặt nền móng cho các chuyến đổ bộ có người lái lên sao Hỏa trong tương lai.

Trung Quốc đang tích cực thu hút các đối tác tham gia ILRS. Đến nay họ đã thu hút hơn 10 đối tác là các nước có nền kinh tế mới nổi như Thái Lan, Ai Cập, Pakistan và Nam Phi. Tại hội nghị, Senegal đã trở thành quốc gia thứ 13 đăng ký tham gia dự án. Trong khi đó, NASA đang dẫn đầu chương trình Artemis, một chương trình song song nhưng riêng biệt để đưa con người trở lại Mặt Trăng. Cả Trung Quốc và NASA đều đặt mục tiêu đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng trước khi kết thúc thập kỷ này.

*Nguồn: Space

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại