Cụ thể, theo Báo cáo nghiên cứu năng lượng Statistical Review of World Energy năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Kinh tế Năng lượng (Anh), trữ lượng than ở Việt Nam có thể khai thác đạt 3,36 tỷ tấn, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Tổng trữ lượng than trên thế giới tính đến cuối năm 2021 là 1.074 tỷ tấn. Trong đó, tập trung chủ yếu ở khu vực châu Á (459,75 tỷ tấn), Bắc Mỹ (256,73 tỷ tấn), Cộng đồng các quốc gia độc lập - CIS (190,65 tỷ tấn) và châu Âu (137,24 tỷ tấn).
5 quốc gia có trữ lượng than có thể khai thác lớn nhất trên thế giới bao gồm: Hoa Kỳ (248,94 tỷ tấn), Nga (162,17 tỷ tấn), Úc (150,23 tỷ tấn), Trung Quốc (143,15 tỷ tấn) và Ấn Độ (111,05 tỷ tấn). 5 nước này chiếm 75,94% tổng trữ lượng than toàn thế giới.
Cùng với đó, 3 quốc gia có trữ lượng than có thể khai thác lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á gồm có: Indonesia (34,87 tỷ tấn), Việt Nam (3,36 tỷ tấn) và Thái Lan (1,06 tỷ tấn).
3 quốc gia có trữ lượng than có thể khai thác lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á tính đến năm 2021. Nguồn: Statistical Review of World Energy.
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trữ lượng than tại Việt Nam phân bố tập trung chủ yếu ở bể than Đông Bắc và bể than Sông Hồng.
Về bể than Sông Hồng, theo đánh giá tổng thể tiềm năng than phần đất liền, tiềm năng than tại phần đất liền bể Sông Hồng là rất lớn, mật độ chứa than cao ở chiều sâu từ 330 - 1200m. Diện phân bố kéo dài từ Khoái Châu Hưng Yên đến Tiền Hải, Thái Bình - Hải Hậu Nam định. Kết quả bước đầu đã xác định than có chất lượng tốt cho việc sử dụng làm than năng lượng.
Những vùng có các mỏ than lớn đang được khai thác và đưa vào sử dụng là: Quảng Ninh, Đồng Bằng Sông Hồng, Thái Nguyên, Bắc Cạn, sông Đà, sông Cả.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh là trung tâm khai thác than, nhiệt điện, vật liệu xây dựng của cả nước. Riêng khai khoáng, Quảng Ninh có khoảng 140 mỏ và điểm quặng như than đá, đá vôi, cao lanh, sét, thủy tinh... Hơn nữa, gần 90% trữ lượng than cả nước nằm ở Quảng Ninh.