Loài hổ đã sống sót sau thảm họa siêu núi lửa Toba

Vũ Trung Hương |

Qua phân tích bộ gen của 32 con hổ, các nhà khoa học đã xác định được rằng một số lượng nhỏ hổ đã có thể sống sót qua thảm họa siêu núi lửa Toba và hình thành các môi trường sống biệt lập ở một số vùng sau khi vượt qua được sự lựa chọn tự nhiên.

Theo tạp chí Current Biology, qua phân tích bộ gien của 32 con hổ, các nhà khoa học đã xác định được thời điểm khi tổ tiên của các phân loài hổ hiện đại bắt đầu sống tách biệt với nhau. Điều này có thể là do sự phun trào của núi lửa Toba ở Indonesia đã ảnh hưởng đến khí hậu của toàn bộ hành tinh.

Dữ liệu mới cho thấy tổ tiên của hổ hiện đại sống trên Trái đất tương đối gần đây, từ 72.200 đến 154.800 năm trước. Chính trong khoảng thời gian này, siêu núi lửa Toba đã phun trào trên đảo Sumatra ở Indonesia (khoảng 72.000 năm trước).

Hiện nay, theo các nhà cổ sinh vật học, do sự phun trào này, nhiệt độ trung bình trên hành tinh đã giảm mạnh, hậu quả là nhiều loài thực vật và động vật đã biến mất. Rõ ràng, theo các nhà nghiên cứu, một số lượng nhỏ hổ đã có thể sống sót qua thảm họa này và hình thành các môi trường sống biệt lập ở một số vùng.

Mặc dù theo tiêu chuẩn tiến hóa, tổ tiên của các loài hổ sống vào quãng thời gian khá gần đây, nhưng các nhà khoa học nhận thấy rằng các phân loài hổ hiện đại đã trải qua một lựa chọn tự nhiên. Trong đó, gien có tên ADH7 được tìm thấy ở loài hổ Sumatra đóng một vai trò quan trọng. Đây là gien quyết định kích thước cơ thể hổ.

Ngoài ra, phân tích các hệ gien còn cho phép xác nhận rằng trong loài hổ Panthera tigris còn có 6 phân loài: hổ Nam Trung Quốc, hổ Bengal, hổ Amur, hổ Sumatra, hổ Đông Dương và hổ Mã Lai. Riêng phân loài hổ Mã Lai mới được xác định là một phân loài độc lập khá gần đây - vào năm 2004.

Các tác giả của công trình nghiên cứu lưu ý rằng nguồn gốc của hổ Nam Trung Quốc vẫn chưa được biết rõ. Nghiên cứu chỉ đề cập đến một cá thể của phân loài này: không may, ngày nay những con vật thuộc phân loài này không còn được tìm thấy trong tự nhiên nữa.

Các nhà khoa học có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu các mẫu di truyền của hổ, bao gồm cả của các phân loài đã tuyệt chủng (hổ Caspian, hổ Bali và hổ Java đã biến mất trong thế kỷ trước). 

Công trình này sẽ giúp lấp đầy những khoảng trống trong lịch sử tiến hóa của loài động vật có vú họ mèo lớn nhất trên Trái đất.

Ngoài ra, dữ liệu mới sẽ giúp phát triển các chiến lược thành công để bảo tồn các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại