Đó chính là Oa Khoát Đài, con trai thứ ba của Thành Cát Tư Hãn, đồng thời chính là người được kế vị và tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của cha mình kể từ năm 1229. Ngay từ khi còn nhỏ, Oa Khoát Đài đã là người con trai được Thành Cát Tư Hãn yêu mến và đặt nhiều kỳ vọng.
Chính nhờ uy tín cá nhân đã giúp vị đại hãn này duy trì được sự thống nhất của Đế quốc Mông Cổ sau sự ra đi của người cha xuất chúng Thành Cát Tư Hãn. Nhờ có được sự ổn định nội bộ mà Oa Khoát Đài có thể tập trung năng lượng của mình vào việc đánh bại những kẻ thù bên ngoài, góp phần mở rộng đế quốc và củng cố các cuộc chinh phạt của cha mình.
Trong thời gian trị vì Đế quốc Mông Cổ, Oa Khoát Đài và đại quân Mông Cổ đã giành được thành tựu lớn về nhiều mặt.
Một trong số đó phải kể đến là chiến tích tiêu diệt nhà Kim và bắt đầu cuộc chiến chống lại nhà Nam Tống, ngoài ra còn thực hiện chiến dịch xâm lược buộc Triều Tiên trở thành chư hầu.
Còn về phía tây thì người Mông Cổ đã thiết lập sự kiểm soát thường trực với Ba Tư. Mặt khác, gần như toàn bộ lãnh thổ nước Nga và Đông Âu cũng đã bị chinh phục.
Oa Khoát Đài lên ngôi Đại hãn của Đế quốc Mông Cổ vào năm 1229. Ảnh: Assassin’s Creed Wiki
Cái chết của Oa Khoát Đài đã "giải vây" một phần châu Âu
Cụ thể, cuốn sách "Franks and Saracens: Reality and Fantasy in the Crusades" của Avner Falk, một nhà tâm lý học lâm sàng người Israel, đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử, cho biết, trong những năm 1230, đại quân Mông Cổ dưới sự chỉ huy của hãn Bạt Đô đã tiến hành chinh phục Nga và Volga Bulgaria, và tiếp tục tham vọng xâm chiếm nhiều quốc gia ở châu Âu.
Vào năm 1241, quân Mông Cổ đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch bành trướng ở Tây Âu, sau khi liên tiếp giành thắng lợi khi đánh tan liên quân của Đức – Ba Lan và quân thánh chiến Ki-tô giáo tại trận Legnica và sau đó là đánh bại quân đội Hungary tại trận Mohi.
Những chiến tích này có thể là "hồi chuông" báo hiệu kết cục không mấy tốt đẹp đối với phần còn lại của châu Âu trước sức mạnh khủng khiếp của đại quân Mông Cổ.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Avner Falk, tham vọng chinh phục toàn bộ châu Âu của đại quân Mông Cổ thiện chiến đã bị gián đoạn bởi cái chết đột ngột trên chiến trường của Đại hãn Oa Khoát Đài vào tháng 12 năm 1241.
Sự ra đi của Oa Khoát Đài đã cứu sống cả châu Âu trước những cuộc chinh phạt của đại quân Mông Cổ. Ảnh: Public Domain
Sự ra đi của vị đại hãn này đã "cứu sống" Tây Âu và cả châu Âu do khi nhận được "tin dữ", nhiều tướng lĩnh thống soái đội quân viễn chinh phải rút quân (mặc dù đã tiến tới thành Vienna) và quay trở về Mông Cổ để tham dự hội nghị Ikh kurultai để bầu ra Đại hãn mới.
Theo Ancient Origins, trước khi Oa Khoát Đài mất, người Mông Cổ tiếp tục tiến vào châu Âu với tham vọng chinh phục nốt phần còn lại của châu lục này và tiến tới vùng "Biển Lớn" (tức Đại Tây Dương).
Nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng nếu Oa Khoát Đài không mất đột ngột thì người Mông Cổ sẽ thành công trong việc chinh phục phần còn lại của châu Âu.
Trên thực tế, đây là lần tiến quân về phương Tây xa nhất mà người Mông Cổ từng đạt được.
Tuy nhiên, chỉ có sự ra đi của một vị đại hãn có uy tín lớn như Oa Khoát Đài mới có thể ngăn được tham vọng "thâu tóm" cả châu Âu của đại quân Mông Cổ thiện chiến.
Tham khảo nguồn: Ancientorigins, Britannica, cuốn sách "Franks and Saracens: Reality and Fantasy in the Crusades"