Josef Görres, một nhà khoa học về đất đai tại Đại học Vermont, Mỹ đã mô tả sự phá hoại của loài giun này là "một cuộc xâm lược" nguy hiểm đối với các loài động, thực vật ở vùng Đông Bắc nước Mỹ. Các nhà khoa học đã đặt biệt danh cho loài giun này là "giun điên". Chúng là loài giun nào?
Loài "giun điên" đến từ châu Á
Chúng chính là giun nhảy châu Á. Theo Tạp chí Smithsonian, giun nhảy châu Á (tên khoa học: Amynthas agrestis), còn được gọi là giun Alabama hay giun rắn điên. Loài giun này có nguồn gốc từ Đông Á. Chúng đến Bắc Mỹ lần đầu tiên vào thế kỷ 19 thông qua các con tàu chở thực vật với mục đích làm mồi câu cá.
Theo KTVI, khi giun nhảy châu Á tới Mỹ, chúng chỉ giới hạn ở các vùng dọc theo bờ biển nước Mỹ nhưng sau đó lan rộng vào đất liền. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, loài giun này đã lan rộng trên 15 bang của Mỹ, bao gồm Minnesota, Wisconsin, Missouri, Illinois, Iowa, Nebraska, Ohio, Texas, Louisiana, Indiana, Kansas, Indiana, Kentucky, Tennessee và Oklahoma.
Một con giun nhảy trường thành có thể dài tới hơn 20 cm. Chúng có màu nâu xám với một dải màu trắng bao quanh cơ thể. Loài giun này phát triển nhanh gấp đôi so với các loài khác.
Nguồn gốc cái tên giun nhảy xuất phát từ hành vi của chúng, nếu bị chạm vào người, loài giun này sẽ bật nhảy và thể hiện hành vi hung dữ giống như một con rắn hơn là giun đất. Thậm chí, nếu thấy bị đe dọa, chúng sẽ tự cắt đứt một phần cơ thể để tẩu thoát.
Sự phá hoại của loài giun đến từ châu Á
Giun nhảy châu Á ăn chất hữu cơ trong đất, tiêu thụ các chất dinh dưỡng quan trọng mà thực vật, nấm và động vật cần để phát triển. Sự phàm ăn của chúng đã để lại hệ quả là một nền rừng tương đối trống rỗng nhưng nhiều chất dinh dưỡng do phân của chúng thải ra. Tuy nhiên, những khu rừng ở các bang nước Mỹ lại cần lớp lá chết để giữ độ ẩm cho đất và hoạt động như một lớp "da" bảo vệ nó chống lại các mầm bệnh.
Giun nhảy châu Á ăn lớp lá này khiến cho độ ẩm trong đất thay đổi và hạt giống không thể nảy mầm, đặc biệt là cây phong, đoạn, sồi đỏ và bạch dương. CDFA cảnh báo những con giun phàm ăn này có thể ngấu nghiến lớp lá hữu cơ dày trong 2 - 5 năm.
Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Soil Biology and Biochemistry, hệ tiêu hóa của giun là một hỗn hợp khá phức tạp bao gồm nhiều loại vi sinh vật và chúng cũng xuất hiện trong phân rồi trở thành một phần của đất. Điều này khiến cho bản chất của đất bị thay đổi. Nhà nghiên cứu Mac Callaham từ Cục Kiểm lâm Mỹ cho biết thêm, đất bị biến đổi sẽ khiến mức tái cấu trúc hệ sinh thái xung quanh chúng chịu ảnh hưởng to lớn.
Ngoài ra, giun nhảy châu Á là loài lưỡng tính, chúng có thể sinh sản mà không cần giao phối bằng cách đẻ những quả trứng màu đất. Những con giun nhảy trưởng thành không thể sống sót qua mùa đông lạnh giá ở miền Trung Tây nước Mỹ, nhưng trứng của chúng có thể. Sau khi nở, giun con sẽ ăn chất dinh dưỡng có trong lớp mặt đất xung quanh chúng và để lại một mớ chất thải giống bã cà phê.
Giun nhảy châu Á không chỉ thay đổi cấu trúc đất và động lực dinh dưỡng trong đất, mà còn thay thế các loài giun đất khác ở đó. Các nhà chức trách của 15 bang nước Mỹ đã kết luận rằng sự xâm lấn của giun điên là mối đe dọa lớn đối với môi trường bản địa và họ đã bật cảnh báo với sự lây lan của loài giun này.
Các chuyên gia Mỹ thừa nhận rằng hiện họ chưa tìm ra biện pháp cụ thể nào để hạn chế sự phát triển của giun nhảy châu Á trên toàn quốc. Họ đã đưa ra một số khuyến nghị như đổ hỗn hợp nước và hạt mù tạt vàng lên đất, hoặc dùng tấm polyetylen trong suốt phủ lên đất ẩm trong hai đến ba tuần cho đến khi nhiệt độ đất vượt quá 40°C để phá hủy kén giun. Một cách khác là đặt những con giun vào một chiếc túi, để chúng dưới ánh nắng mặt trời trong 10 phút, sau đó vứt chúng đi.
*Nguồn: Smithsonian, Science News, Business Insider