Theo Bloomberg, Philippines đang có kế hoạch nhập khẩu hàng tấn hành tây để ngăn chặn một đợt "tăng giá vô lý" khác, vốn đã tăng vọt vào đầu năm nay do nguồn cung khan hiếm và khiến mặt hàng chủ lực trong căn bếp đắt hơn thịt gà và thịt bò chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo một tuyên bố từ Cục Công nghiệp Thực vật hôm 1/12, giấy phép nhập khẩu sẽ được cấp cho các công ty tư nhân để nhập khẩu 21.000 tấn hành trước cuối năm nay. Bộ này cho biết biện pháp trên nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định trong bối cảnh nhu cầu dự kiến sẽ tăng trong kỳ nghỉ lễ.
Cơ quan này cho biết kế hoạch nhập khẩu nhằm đảm bảo với người dân rằng “việc tăng giá vô lý sẽ không lặp lại”.
Theo cơ quan nông nghiệp, giấy phép sẽ được cấp để nhập khẩu 17.000 tấn hành đỏ và 4.000 tấn hành vàng từ thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và Hà Lan. Khối lượng này sẽ đóng vai trò là bước đệm để ổn định giá trong nước trước mùa thu hoạch cao điểm vào tháng 3 và tháng 4.
Nhu cầu hành tây của Philippines luôn cao hơn sản lượng trong nước và nhập khẩu.
Philippines đã buộc phải nhập khẩu hành vào đầu năm nay sau khi giá tăng vọt do tình trạng thiếu hụt bắt đầu vào cuối năm 2022, trong đó một số nhà lập pháp đổ lỗi cho sự gia tăng này là do các thương nhân tích trữ và thao túng giá cả. Quốc gia Đông Nam Á này tiêu thụ khoảng 17.000 tấn hành mỗi tháng.
Hành tím được bán với giá 650 peso/kg (hơn 276.000 đồng) và hành tây có giá 600 peso/kg (hơn 255.000 đồng).
Theo dữ liệu giá bán lẻ các mặt hàng nông sản từ 5/1 của Bộ Nông nghiệp, mức giá này cao gấp 3 lần giá thịt gà và cao hơn 25% so với thịt bò. Thậm chí còn cao hơn mức lương tối thiểu hàng ngày của người dân quốc gia Đông Nam Á. Điều này khiến Philippines trở thành quốc gia có giá hành tây đắt đỏ nhất thế giới.
Ngoài ra, một số bức ảnh gây sốt trên mạng xã hội còn cho thấy mặt hàng này quý giá như thế nào ở Philippines: Cô dâu cầm một xâu hành thay bó hoa trong ngày cưới. Khách mời có thể mang hành về nhà như quà cưới.
Hành tây là một loại củ cực giàu dinh dưỡng và đang là nguyên liệu chính của nhiều món ăn trên khắp thế giới. Nó cũng là loại rau củ được tiêu thụ nhiều nhất sau cà chua. Khoảng 106 triệu tấn hành tây được sản xuất hàng năm. Con số này gần bằng cả cà rốt, củ cải, ớt, tiêu và tỏi cộng lại. Chúng được sử dụng trong hầu hết công thức, từ món cà ri, súp cho đến lớp phủ chiên trên xúc xích ở Mỹ.
Khi rau và trái cây giàu chất dinh dưỡng như hành tây tăng giá, thu nhập của người dân cũng sẽ phải “vật lộn” để theo kịp khiến chế độ ăn uống lành mạnh ngày càng xa tầm với. Hơn 3 tỷ người có thể sẽ không có đủ khả năng để ăn theo một chế độ ăn uống lành mạnh, theo số liệu gần đây nhất của Liên Hợp Quốc.
Theo Tim Benton, giám đốc nghiên cứu rủi ro của Chatham House, London, sự khan hiếm rau củ sẽ là vấn đề nổi bật trong chương trình nghị sự toàn cầu và dinh dưỡng sẽ được quan tâm hơn. Việc hành tây khan hiếm, giá rau củ tăng như một “quả bom dinh dưỡng” đang nổ chậm. Nếu lên đỉnh điểm và phát nổ, nó có thể gây ra cuộc khủng hoảng “dinh dưỡng kém” trên toàn cầu.