Loài chim này không thể bị ảo thuật đánh lừa, bởi trong tự nhiên chúng cũng là những nhà ảo thuật

Thanh Long |

Chim giẻ cùi được biết đến với trò láu cá giả vờ đánh rơi thức ăn để lừa những con chim khác lao xuống nhặt. Nhưng thực chất chúng vẫn giữ thức ăn trên mỏ.

Những màn ảo thuật đường phố có thể giúp bạn gây ấn tượng với một cô gái trong lần đầu tiên gặp mặt. Nhưng nó sẽ không có tác dụng nếu bạn muốn đánh lừa một con chim giẻ cùi Á Âu. Nghiên cứu mới đăng trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ (PNAS) cho thấy loài chim này không dễ bị ảnh hưởng bởi những ảo ảnh gây ra bởi động tác tay.

Những kỹ thuật như "palm transfer" và "French drop" hay được các nhà ảo thuật dùng đến lại trở thành vô dụng với giẻ cùi. Trên sân khấu, chúng có thể dễ dàng biến bạn trở thành một chú hề hơn là một nhà ảo thuật đại tài.

Nhưng rốt cuộc, tại sao những con chim này lại tinh ý đến vậy?

Loài chim này không thể bị ảo thuật đánh lừa, bởi trong tự nhiên chúng cũng là những nhà ảo thuật - Ảnh 1.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã biểu diễn 3 động tác ảo thuật cho 6 con chim giẻ cùi Á Âu (Garrulus routearius) và 80 tình nguyện viên khác là con người để so sánh.

Màn ảo thuật đầu tiên như bạn thấy ở trên là "palm transfer", hay chuyển lòng bàn tay. Trong đó, nhà khoa học sẽ cầm một con sâu trong tay và làm động tác giống như thả con sâu từ lòng bàn tay này sang lòng bàn tay khác rồi nắm lại. Nhiệm vụ của con chim và các tình nguyện viên là đoán xem con sâu nằm trong tay nào?

Trong khi các tình nguyện viên là con người dễ bị đánh lừa, những con chim giẻ cùi luôn đoán được con sâu thực ra chưa được thả xuống, nó vẫn còn nằm trong lòng bàn tay ban đầu.

Màn ảo thuật thứ hai dưới đây được gọi là "French drop", các nhà khoa học lặp lại động tác giả vờ chuyển tay tương tự. Nhưng lần này, họ cầm con sâu ở một bên nhúm ngón tay và dùng lòng bàn tay kia thực hiện động tác như nắm con sâu sang tay khác.

Một lần nữa, các tình nguyện viên dễ dàng bị đánh lừa trong khi con giẻ cùi tiếp tục đoán được con sâu vẫn ở trong bàn tay cũ:

Loài chim này không thể bị ảo thuật đánh lừa, bởi trong tự nhiên chúng cũng là những nhà ảo thuật - Ảnh 2.

"Một trò ảo thuật sẽ thành công nếu nó khiến cho bạn có một dự đoán sai lầm", nhà tâm lý học Elias Garcia-Pelegrin đến từ Đại học Cambridge, Anh Quốc giải thích. Vì vậy, khi bạn nhìn thấy một động tác tay giả của nhà ảo thuật, bạn mong đợi đó là một động tác thật và bạn đã bị đánh lừa.

"Nhưng những con chim giẻ cùi đã cho thấy chúng có thể có những kỳ vọng khác với con người khi quan sát các động tác tay này", các tác giả nghiên cứu cho biết. Giẻ cùi Á Âu vốn là một loài chim có bộ não lớn và trí thông minh vượt trội.

Trong tự nhiên, chúng cũng là một loài sinh vật biết làm ảo thuật để đánh lừa những con chim khác. Chẳng hạn, khi đang cắp một miếng mồi mà giẻ cùi Á Âu thấy bản thân nó bị theo dõi bởi một con chim khác, nó sẽ vờ làm các động tác mỏ giống như đánh rơi con mồi để lừa chúng.

Động tác này có phần giống với hai kỹ thuật chuyển lòng bàn tay và "French drop" mà các nhà khoa học trình diễn cho chúng. Vì vậy, trừ khi những con chim thực sự nhìn thấy con sâu được chuyển từ tay này sang tay khác, chúng mới chọn lòng bàn tay mới, nơi chắc chắn con sâu có mặt ở đó.

Ngược lại, các động tác giả vở không qua mặt được giẻ cùi Á Âu.

Chỉ có một màn ảo thuật duy nhất, trong đó con sâu được nhà khoa học nhanh tay ném từ bên này qua bên khác, những con chim giẻ cùi mới bị đánh lừa:

Loài chim này không thể bị ảo thuật đánh lừa, bởi trong tự nhiên chúng cũng là những nhà ảo thuật - Ảnh 4.

"Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng chim giẻ cùi Á Âu không nhận biết được các chuyển động có nhịp độ nhanh", các nhà khoa học cho biết. Mặc dù thị giác của chúng vượt trội hơn so với con người rất nhiều, nhưng với hai bên mắt ở bên cạnh thì để có thể nhìn thấy rõ vật thể phía trước, chúng buộc phải quay đầu.

Và đó có thể là lúc con giẻ cùi bị mất dấu con sâu trong động tác ảo thuật. Lúc này, nó đơn giản là chọn bàn tay đầu tiên, nơi lần cuối cùng mà nó nhìn thấy con sâu vẫn ở đó.

Garcia-Pelegrin cho biết các thí nghiệm mà ông cùng nhóm mình thực hiện không chỉ là những trò tiêu khiển. Nghiên cứu mới này đã chứng minh các loài động vật có những điểm mù khác nhau trong nhận thức và cách mà những điểm mù này phát triển cũng khác nhau.

Bước tiếp theo của nghiên cứu là tìm ra chính xác điều gì đang xảy ra: Liệu những con giẻ cùi thực sự tinh ý hơn con người hay chúng đơn giản là không chú ý kỹ? Các nhà nghiên cứu cho biết họ cũng có ý định lặp lại thí nghiệm này trên nhiều loài chim khác nhau.

Loài chim này không thể bị ảo thuật đánh lừa, bởi trong tự nhiên chúng cũng là những nhà ảo thuật - Ảnh 6.

Chim giẻ cùi được biết đến với trò láu cá giả vờ đánh rơi thức ăn để lừa những con chim khác lao xuống nhặt. Nhưng thực chất chúng vẫn giữ thức ăn trên mỏ.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đang tìm cách phát triển các trò ảo thuật được thiết kế riêng cho các loài chim để hiểu cách chúng nhìn nhận thế giới. Những thủ thuật có thể tiết lộ nhiều hơn về thị giác của những sinh vật này và cách chúng giải thích thế giới xung quanh.

"Hiệu ứng ảo thuật có thể cung cấp một phương pháp luận sâu sắc để điều tra nhận thức và những thiếu sót trong sự chú ý của con người và cả động vật không phải con người. Đồng thời, nó cũng mang đến những cơ hội độc đáo để làm nổi bật những hạn chế về nhận thức trong tâm trí các loài động vật", các nhà nghiên cứu viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại