Loài cây như gốc rễ lộn ngược này hóa ra còn quý hơn cả kim cương đối với người Namibia

Vũ Huế |

Người Namibia chắc mẩm rằng nếu đào gốc cây Quiver lên thì thể nào trong đời cũng có một lần "vớ" được kim cương. Nhưng bởi cây Quiver còn quý hơn cả kim cương, nên chẳng ai lại vì cái may mắn một lần ấy mà hại chúng cả.

Cây Quiver (Aloidendron dichotomum) hay còn gọi Kokerboom - hay lô hội khổng lồ là một loài thực vật mọng nước đặc hữu của khu vực Nam Phi. Chúng có mặt trong hai vùng đặc biệt giàu các mỏ kim cương là North Cape (Nam Phi) và Nam Namibia.

Loài cây biểu tượng của Namibia

Namibia là một quốc gia ở tại miền nam của Nam Phi. Và nếu đến Namibia, bạn sẽ thấy biểu tượng cây Quiver ở khắp nơi, trên cả tiền xu lưu hành tại quốc gia này.

Tại Namibia, cây Quiver được gọi bằng cái tên bản địa là Kokerboom. Người San (tên gọi chung của các dân tộc bản địa có truyền thống săn bắt-hái lượm khu vực Nam Phi) có thói quen dùng vỏ của loài thực vật này để làm ống đựng mũi tên.

Vào khoảng cuối xuân đầu hè, khi Quiver nhiều nhựa, chắc vỏ nhất, họ sẽ thu hoạch một ít vỏ cây. Sau khi cắt một đoạn cành Quiver, người ta khéo léo lột vỏ, cuộn tròn lại thành hình ống và gia cố bằng dây, gắn thêm dây đeo qua vai cho đẹp lại tiện.

Quiver có tổng cộng 3 phân loài là A.Dichotomum, A.Pillansii và A.Ramosissimum. Chúng mọc rải rác trong các khu vực núi cao cằn cỗi và sa mạc khô nóng. Đáng buồn là cả 3 đều bị liệt trong Sách Đỏ của IUCN, thậm chí còn thuộc dạng đặc biệt nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Loài cây như gốc rễ lộn ngược này hóa ra còn quý hơn cả kim cương đối với người Namibia - Ảnh 1.

Quiver là cây biểu tượng của Namibia, được cư dân bản địa sử dụng làm ống đựng mũi tên

Thường thì nhà Quiver không mọc tập trung song riêng tại khu vực núi đá cách Keetmanshoop (một thành phố ở Namibia) chừng 14km về phía Đông Bắc, chúng lại đủ dày đến nỗi được gọi là Rừng Quiver.

Cực kỳ quý hiếm, cả cánh rừng chỉ có khoảng 250 cây

Gọi là Rừng Quiver nhưng trong cả khu bảo tồn cũng chỉ có khoảng 250 cây Quiver mà thôi. Vào ngày 1/6/1995, nơi đây đã được Namibia tuyên bố là di tích quốc gia.

Trên bãi đất đá cằn cỗi, lổm ngổm, chúng phô bày dáng điệu kỳ lạ, hệt như một gốc cây lộn ngược. Mặc dù là loài mọng nước thuộc chi lô hội, song nhà Quiver lại phát triển khá cao, có thể đạt 15m.

Cây Quiver chỉ phân nhánh khi trưởng thành

Khi còn nhỏ, Quiver chỉ có một ngọn. Khi phát triển thành cây trưởng thành, chúng mới bắt đầu phân nhánh đôi. Kể từ lúc này, Quiver dần biến phần ngọn thành một hệ thống cành nhánh tỏa rộng ra, nom hệt như một bộ rễ khổng lồ.

Tuổi thọ của Quiver tương đối cao. Trong Rừng Quiver có những "lão niên" lên đến 200-300 tuổi. Người Namibia tin Quiver chính là cây phước sẽ mang may mắn lại cho những ai có lòng tôn kính và chăm sóc chúng. Họ cũng chắc mẩm nếu đào một cây Quiver lên, thế nào cũng có một lần nhặt được kim cương trong đời.

Kén đất cằn cỗi và vô cùng ghét nước

Không như phần lớn thực vật sinh trưởng và phát triển ào ạt trong những vùng đất màu mỡ, ẩm ướt, Quiver đòi hỏi một môi trường cực kỳ khô cằn. Nó cần cả ánh nắng chói chang của châu Phi nóng nực lẫn đất sa mạc cằn cỗi, hiếm mưa bậc nhất.

Loài cây như gốc rễ lộn ngược này hóa ra còn quý hơn cả kim cương đối với người Namibia - Ảnh 2.
Loài cây như gốc rễ lộn ngược này hóa ra còn quý hơn cả kim cương đối với người Namibia - Ảnh 3.
Loài cây như gốc rễ lộn ngược này hóa ra còn quý hơn cả kim cương đối với người Namibia - Ảnh 4.
Loài cây như gốc rễ lộn ngược này hóa ra còn quý hơn cả kim cương đối với người Namibia - Ảnh 5.

Rừng Quiver của Namibia là khu vực duy nhất trên thế giới có các cây Quiver mọc gần nhau

Nếu bị thừa nước, lá Quiver sẽ không xòe ra mà cuộn lại, thối dần. Còn nếu thiếu nắng, nó lại bị rệp và côn trùng gây bệnh tấn công. Chính bởi quá "kén cá chọn canh", loài cây này mới đã hiếm lại càng hiếm.

Thêm vào đó, cây Quiver cũng sinh trưởng cực chậm, chỉ mỗi việc gây được cây con cũng đã mất 5-8 tháng. Chúng có thể được nhân giống từ hạt hoặc cành, nhưng từ khả năng nảy mầm đến lớn lên đều cực thấp.

Ngay cả giữa thế giới tự nhiên hội đủ điều kiện lý tưởng, loài cây này cũng vẫn dễ chết vì đủ thứ lý do. Thế nên người Namibia mới không nỡ làm hại mà cố gắng chăm sóc, yêu thương, cầu mong chúng lớn lên khỏe mạnh.

Khả năng "rụng thân" thần sầu

Ấn tượng là đổi lại cho nguy cơ dễ bị nhiễm bệnh, cây Quiver lại sở hữu một khả năng "đoạn chi" vô cùng thần kỳ. Khi phát hiện nhánh cây nào đó bị rệp hoặc muội tấn công, chúng sẽ tự rụng, ngăn chặn sự lây lan. Nếu bị nắng nóng quá lâu, loài cây này cũng có thể từ bỏ một số nhánh để giữ nước, nhờ đó sống sót qua thời kỳ hạn hán.

Vào khoảng tháng 6 - 7 hàng năm, nhà Quiver bắt đầu nở hoa. Chúng trổ những chùm bông màu vàng đặc biệt to, bắt mắt, thu hút một số lượng lớn côn trùng, chim chóc và động vật có vú xung quanh tới ăn mật.

Loài cây như gốc rễ lộn ngược này hóa ra còn quý hơn cả kim cương đối với người Namibia - Ảnh 6.

Quiver có thể tự "đoạn chi" để tránh sâu bệnh lây lan

Với người Namibia, cây Quiver không chỉ quý vì hiếm, mà còn quý bởi khả năng chữa bệnh hiệu quả. Y học cổ truyền của thổ dân nơi đây sử dụng rễ cây Quiver để làm thuốc chữa bệnh hen suyễn và bệnh lao.

Riêng đối với nghiên cứu thực vật học, chúng lại hấp dẫn bởi lớp bột màu trắng phủ quanh thân cây. Nhờ có lớp bột này, Quiver phản xạ phần lớn sức nóng của sa mạc, bảo vệ thân khỏi bị nắng sấy khô.

Tham khảo: Atlas Obscura

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại