Trong hàng thế kỷ, thậm chí là thiên niên kỷ, trên các đồng cỏ savannah của châu Phi vẫn lừng lững những thân cây khổng lồ. Chúng là cây baobab (bao báp), hay còn gọi là cây đời - biểu tượng bất diệt của thời gian tại châu lục này.
Cây baobab tại châu Phi
Thế nhưng, biểu tượng ngàn năm ấy đang dần sụp đổ. Theo các nhà khoa học tại châu Phi, cây baobab đang rơi vào một cuộc khủng hoảng. Rất nhiều thân cây đã chết, hoặc đang trong quá trình mục ruỗng từ bên trong.
"Thực sự là những cảnh tượng đau buồn khi phải chứng kiến những cái cây ngàn tuổi ngã xuống" - Adrian Patrut từ ĐH Babes-Bolyai (Romania) cho biết.
Patrut đã thực hiện một nghiên cứu từ năm 2005, nhằm tìm hiểu cơ chế giữ nước của cây baobab để sở hữu kích thước hết sức ấn tượng. Họ phân tích hơn 60 thân cây lớn và lâu đời nhất.
Nhưng trong quá trình nghiên cứu, họ nhận ra một sự thật hết sức đáng buồn: rất nhiều thân cây đang chết dần với tốc độ rất nhanh. 8/13 cây lâu đời nhất - trong đó có cây từ thời Hy Lạp cổ - và 5 trong số 6 cây to nhất, đã chết từ năm 2005 rồi.
"Về mặt tự nhiên, thì không thể có chuyện một lượng lớn cây baobab chết nhanh như thế," - Patrut cho biết.
Nhưng nếu không phải là vì tự nhiên, thì lý do là gì? Thực sự thì khoa học đến lúc này vẫn chưa thể đưa ra kết luận. Tuy nhiên theo như dự đoán, nhiều khả năng nguyên nhân đến từ quá trình biến đổi khí hậu.
"Chúng tôi ngờ rằng các cây baobab biểu tượng đã ngã xuống có thể liên quan đến quá trình biến đổi khí hậu tại Nam Phi." - nhóm nghiên cứu cho biết.
"Vẫn cần có thêm một số nghiên cứu trong tương lai mới kết luận được."
Nếu như biến đổi khí hậu đúng là thủ phạm, đi đây là bằng chứng mới nhất cho thấy sự thờ ơ của con người về khí thải đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến thế nào cho tự nhiên.
"Cảm xúc khi được chạm vào thân cây baobab với tuổi đời hàng ngàn năm, để rồi phát hiện ra vài năm sau đó nó sẽ chết, quả thực rất khó tả." - Patrut chia sẻ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Plants.
Tham khảo: Science Alert