Lịch sử Ai Cập đã từng ghi nhận sở hữu rất nhiều mỹ nhân. Thậm chí một số không chỉ đẹp mà còn sở hữu quyền lực và sức ảnh hưởng rất lớn như nữ hoàng Cleopatra hoặc Nefertiti.
Nhưng đó vẫn chỉ là ghi chép lịch sử thôi, còn khuôn mặt chính xác của họ thì như thế nào? Câu hỏi này không dễ trả lời, vì mỗi lần sử dụng công nghệ thử tái tạo khuôn mặt người Ai Cập trong quá khứ, chúng ta lại có những kết quả khác nhau.
Dù vậy thì mới đây, một nhóm chuyên gia đã dựng lại thành công khuôn mặt của một xác ướp Ai Cập cổ. Đây là công nghệ mới nhất, và được giới chuyên môn đánh giá cao về tính thực tế của nó.
Xác ướp được sử dụng là một phụ nữ tên Meritamun (tên được các nhà khoa học đặt), độ tuổi khoảng 18 - 25, và qua đời từ hơn 2000 năm trước. Meritamun đã khiến giới khoa học chú ý, vì cái đầu của cô được tìm thấy dưới tầng hầm của ĐH Y Melbourne (Úc). Theo các chuyên gia, có vẻ người mang cô đến đây là giáo sư Frederic Wood Jones - chuyên gia giải phẫu học - sau một chuyến khảo cổ vào năm 1930.
Câu chuyện về cô gái trẻ này đến nay vẫn là bí ẩn. Tuy nhiên nhờ công nghệ, ít nhất chúng ta cũng biết được dung mạo của cô như thế nào khi còn sống.
Dựng lại khuôn mặt của phụ nữ Ai Cập cổ
"Dựng lại được khuôn mặt, tức là chúng tôi đã trao cho cô một danh tính, đổi lại cô đã cho chúng tôi cơ hội khám phá sâu hơn về Ai Cập cổ, và cũng để kiếm chứng khả năng làm việc của công nghệ có thể đạt đến đâu." - tiến sĩ Janet Davey, nhà Ai Cập học từ ĐH Monash (Úc) cho biết.
Quá trình dựng bắt đầu bằng cách tiến hành quét cắt lớp cái đầu vẫn còn nguyên băng vải. Kết quả cho thấy, hộp sọ vẫn được bảo quản rất tốt. Ngoài ra, Meritamun còn có 2 chiếc răng sâu, và sọ có phần mỏng, nhưng khá lớn.
Đó là những dấu hiệu cho thấy cô mắc chứng thiếu máu, xương phải sưng to lên một chút để tạo ra nhiều hồng cầu, khiến lớp xương mỏng đi. Và vì cô là người Ai Cập, các chuyên gia tin rằng chứng bệnh này có thể do virus sốt rét gây ra, hoặc vì nhiễm phải sán dẹt.
Hộp sọ của Meritamun sau khi dựng 3D
Hiện tại, một số chuyên gia đang thử phân tích các mô xương của xác ướp, để so sánh với phần thân thể của cô hiện đang cất giữ tại một nơi khác. Quá trình này sẽ giúp xác định được nơi sinh sống của Meritamun, và thậm chí là cả chế độ ăn uống như thế nào nữa.
Bước tiếp theo, các chuyên gia bắt đầu tạo dựng mẫu khung sọ bằng công nghệ in 3D. Đây là một quá trình tương đối tốn thời gian, cần đến hơn 140h. Bộ khung sau đó được giao cho nhà điêu khắc Jennifer Mann, người vốn đã có rất nhiều kinh nghiệm dựng thi thể.
Dựa trên các đường nét khuôn mặt của người Ai Cập hiện đại, Mann bắt đầu mô phỏng lại khuôn mặt xác ướp. Các dữ liệu quét được cũng rất quan trọng để định hình chi tiết, chẳng hạn như hàm của cô hơi hô một chút.
Phần gây tranh cãi nhất là màu da. Trên thực tế, nhiều nhà khoa học cho rằng da của người Ai Cập cổ rất sáng, trong khi số khác thì khẳng định họ phải là những người da đen vì sống ở châu Phi. Nhằm tránh khỏi cuộc tranh luận không hồi kết, Mann quyết định cho Meritamun sở hữu một nước da tone màu olive.
Còn mái tóc, Mann mô phỏng nó theo Lady Rai - một người phụ nữ Ai Cập chết từ năm 1550 TCN. Xác ướp của Lady Rai vẫn giữ được nguyên vẹn kiểu tóc.
Đây chính là khuôn mặt hoàn chỉnh của Meritamun
"Dự án này là sử dụng công nghệ mới để phục hồi lại khuôn mặt của xác ướp" - trích lời tiến sĩ Varsha Pilbrow, chuyên gia khảo cổ.
"Với dự án này, bản thân xác ướp sẽ có ý nghĩa lớn hơn đối với khoa học. Sinh viên có thể học hỏi thêm về cách chẩn đoán bệnh lý dựa trên giải phẫu, và hiểu được ảnh hưởng của môi trường đến cơ thể con người trong lịch sử."