Trải qua hơn 4.000 năm lịch sử, những kim tự tháp khổng lồ ở Giza vẫn đứng vững cho tới ngày nay. Chúng đã trở thành biểu tượng của nền văn minh Ai Cập cổ đại, thách thức trí tuệ của nhân loại suốt hàng ngàn năm qua.
Ai là người đã xây dựng những kim tự tháp này? Liệu có phải là những người nô lệ? Kỹ thuật xây dựng mà họ đã sử dụng là gì?
Bài viết dưới đây của José Miguel Parra, phóng viên National Geographic, sẽ cho chúng ta biết rõ hơn về câu trả lời cho những câu hỏi này.
"Những gã khổng lồ" ở Giza
Vào cuối thế kỷ 19, Amelia Blanford Edwards là một trong những du khách châu Âu đặt chân đến Ai Cập để chiêm ngưỡng những kỳ quan của thế giới cổ đại. Trong cuốn sách được xuất bản năm 1877 - "A Thousand Miles Up the Nile", cô đã miêu tả cái nóng cháy da cháy thịt của sa mạc, cho tới khi "Đại kim tự tháp, trong kích thước khổng lồ và uy nghi, xuất hiện ngay trên đầu tôi... Một cảm xúc đột ngột dâng trào. Bầu trời dường như tắt nắng. Nó làm lu mờ các kim tự tháp khác. Mọi thứ bị xóa bỏ, chỉ còn cảm giác kinh ngạc và kỳ diệu".
Ngày nay, hầu hết các du khách hiện đại cũng sẽ sử dụng những từ ngữ như vậy khi đứng trước những kim tự tháp khổng lồ tại Giza. Chúng đã trở thành những biểu tượng của thế giới cổ đại. Thật khó tưởng tượng rằng cách đây 4.600 năm, cao nguyên nơi chúng đang đứng là một vùng sa mạc hoang vắng nằm dưới ánh mặt trời như thiêu như đốt.
Cùng với Tượng nhân sư Sphinx bí ẩn, các ngôi mộ và tượng đài nhỏ khác, Giza có 3 kim tự tháp: Khufu (ban đầu cao 146m, còn được gọi là Cheops hoặc Đại kim tự tháp); Khafre (cao 143m) và Menkaure (cao 65m). Được xây dựng vào triều đại thứ 4 của Ai Cập, chúng là thành quả của một trong những dự án kỹ thuật táo bạo và sáng tạo nhất mà thế giới từng biết đến.
Quần thể 3 kim tự tháp ở Giza.
Các vị pharaoh của triều đại thứ 4 cai trị Ai Cập từ năm 2575 đến 2465 TCN. Trong thời kỳ vàng son của Vương quốc cổ, trung tâm quyền lực của họ được đặt ở Memphis, thành phố bên bờ sông Nile, cách Giza 24 km về phía Nam.
Khufu, vị vua thứ 2 của triều đại, cai trị trong một thời kỳ tương đối hòa bình ở Ai Cập, mặc dù sau này sử gia Hy Lạp Herodotus đã mô tả ông và con trai là độc ác và ngạo mạn.
Các kiến trúc sư và kỹ sư của Khufu đã bắt tay vào một dự án vượt qua giới hạn của bất kỳ công trình kiến trúc nào khác trong thời đại đồ đồng. Khi hoàn thành, nó đã biến đổi hoàn toàn cao nguyên.
Tại sao lại là cao nguyên Giza?
Khufu đã chọn địa điểm này, một phần, để tách mình khỏi các kim tự tháp tráng lệ do cha ông - Snefru, đã xây dựng ở Dahshur, một thành phố khác gần Memphis. Bên cạnh đó, một vài yếu tố khác cũng biến nơi đây trở thành một địa điểm lý tưởng. Địa hình cao của cao nguyên giúp các kim tự tháp trông càng to lớn hơn.
Nó cũng gần Heliopolis, thành phố vốn sùng bái thần mặt trời Re. Vì đã có một số ngôi mộ ở Giza trước đó, vùng đất này đã được thần thánh hóa và rất phù hợp để xây dựng một lăng mộ của một pharaoh chưa từng thấy trước đây.
Sau khi Khufu chết, con trai ông là Redjedef đã cai trị trong một khoảng thời gian ngắn và bắt đầu cho xây dựng một lăng mộ ở Abu Ruwaysh, nhưng chưa bao giờ được hoàn thành. Vị pharaoh tiếp theo là Khafre - em trai của Redjedef, đã xây dựng một kim tự tháp - cũng như Nhân sư vĩ đại như một số học giả khẳng định, tại Giza.
Thế hệ tiếp theo cũng đi theo cùng một con đường: Menkaure - con trai của Khafre, cũng xây dựng kim tự tháp của ông ở Giza.
Mỗi pharaoh khi xây dựng kim tự tháp của mình ở Giza đều tuân theo một số quy tắc đơn giản để đảm bảo sự hài hòa trên cao nguyên: mặt tiền của ngôi đền cao của Khafre liên kết với mặt phía tây của kim tự tháp Khufu.
Và mặt tiền của ngôi đền cao của Menkaure liên kết với mặt phía tây của kim tự tháp Khafre. Đồng thời, một đường thẳng tưởng tượng gần như nối các góc phía đông nam của ba kim tự tháp hướng về phía đền thần Re ở Heliopolis.
Ai là người xây dựng những kim tự tháp?
Herodotus từng khẳng định công việc xây dựng Đại Kim tự tháp - theo tính toán đã tiêu tốn tới 6 triệu tấn đá - được thực hiện bởi các nô lệ. Tuy nhiên, hiện nay người ta đã chứng minh được rằng, thực tế công việc này được đảm nhận bởi những người lao động được trả công đàng hoàng.
Những dự án xây dựng khổng lồ như vậy luôn để lại một số dấu vết khảo cổ học. Vào năm 1990, các nhà khảo cổ đã khai quật được một nghĩa trang của những người thợ đã xây dựng nên hai kim tự tháp sau này của Khafre và Menkaure.
Các ngôi mộ được chia thành những hàng phía trên và dưới dựa theo địa vị của người đã chết. Tiếp sau đó, vào năm 1999, một ngôi làng dành cho những người thợ xây cũng được phát hiện.
Snefu - cha của Khufu, đã xây dựng một số kim tự tháp nhưng thất bại. Trong hình là một ví dụ, một kim tự tháp được xây dựng ở Meidum.
Cả 2 phát hiện quan trọng này đã giúp các nhà khảo cổ có một mỏ dữ liệu vô cùng giá trị về các điều kiện mà hai kim tự tháp nhỏ hơn ở Giza đã được xây dựng - từ đó, có thể đặt ra các giả thuyết về việc xây dựng kim tự tháp Khufu.
Một nghiên cứu trên xương của những người lao động cho thấy công việc xây dựng là hoàn toàn thủ công - theo nghĩa đen. Tuy nhiên, những người lao động này không phải là những nô lệ, mà trái lại còn được hưởng những đặc quyền đáng ghen tị.
Các phân tích cho thấy họ được hưởng một chế độ ăn giàu protein mà những cư dân còn lại của Thung lũng sông Nile có thể còn chưa từng nghe đến. Các bằng chứng cũng cho thấy, những cánh tay và chân bị gãy cũng được nối lại một cách chính xác cho thấy họ được chăm sóc y tế rất tốt.
Một trong những bộ xương trong nghĩa trang có một chân bị cắt bỏ một cách chính xác mà các chuyên gia ước tính rằng anh ta đã sống được thêm 20 năm sau cuộc phẫu thuật.
Việc khám phá ra ngôi làng của những người lao động cũng cho phép các nhà khảo cổ gỡ bỏ một tuyên bố sai lầm khác của Herodotus rằng: 100.000 người đã tham gia xây dựng kim tự tháp của Khufu. Trên thực tế, ngôi làng dường như chỉ có sức chứa tối đa 20.000 người, và có lẽ chỉ có một nửa trong số đó tham gia vào công việc xây dựng tại một thời điểm.
Vậy bằng cách nào mà họ có thể xây dựng được những công trình đồ sộ như thế này với một lượng nhân công "ít ỏi" như vậy?
Kỹ thuật xây dựng đầy bí ẩn
Những thách thức của việc xây dựng một công trình khổng lồ và việc quản lý hàng ngàn lao động đòi hỏi một kế hoạch tỉ mỉ. Người Ai Cập cổ cũng cần phải tính toán số khối đá cần thiết để xây dựng một kim tự tháp với vật liệu đã chọn.
Trong trường hợp của kim tự tháp Khufu, các mặt bên của nó hợp với mặt đáy một góc 52 độ - vấn đề này đã được ghi lại trong giấy cói của người Ai Cập, cho thấy họ là những người cực kỳ xuất sắc trong toán học.
Những hình vẽ và chữ được khắc trên tường của khu di tích cho phép các học giả có thể hình dung được cuộc sống của những người thợ đã xây dựng nên những công trình khổng lồ này. Những khối đá được tìm thấy với đầy đủ các ngày, các mùa trong lịch Ai Cập cho thấy công việc xây dựng được tiến hành quanh năm, chứ không chỉ vào dịp sông Nile bị ngập lụt.
Có nhiều loại kim tự tháp khác nhau và không phải tất cả đều được xây dựng theo cùng một cách. Những khối đá ở vị trí thấp nhất của kim tự tháp Djoser ở Saqqara - kim tự tháp đầu tiên ở Ai Cập, được xây dựng từ một thế kỷ trước triều đại của Khufu - là gạch.
Tuy nhiên, khi việc xây dựng tiến triển, các kỹ sư đã trở nên tự tin hơn, và bắt đầu sử dụng các khối đá lớn hơn. Trong đó, những khối đá lớn nhất ở Giza nặng khoảng 3 tấn, được sử dụng để xây dựng kim tự tháp của Khafre.
Phần lớn vật liệu để xây dựng các kim tự tháp ở Giza đến từ một mỏ đá chỉ cách Kim tự tháp Khufu khoảng 1 km về phía Nam. Những khối đá vôi trắng đã từng là vỏ bọc bên ngoài của kim tự tháp thì được di chuyển bằng thuyền dọc theo sông Nile từ Tura, cách đó khoảng 13 km.
Khi làm việc ở Karnak vào những năm 1930, học giả Henri Chevrier phát hiện ra rằng một khối đá nặng 5 tấn có thể được kéo dọc theo một con dốc bằng đất sét đã được làm ướt chỉ với 6 người đàn ông.
Những hình ảnh được tìm thấy trong các lăng mộ đã chứng tỏ điều đó, đôi khi những khối đá kích cỡ đó cũng được kéo bởi bò. Các con dốc được dùng để nâng các khối đá lên các vị trí của kim tự tháp cũng được mô tả trong các hình vẽ ở một số ngôi mộ, và vẫn còn những bằng chứng khảo cổ về những con dốc như vậy ở Giza.
Bức bích họa được tìm thấy trong lăng mộ của Rekhmire, mô tả cách các thợ xây vận chuyển các vật liệu.
Dạng hình học của kim tự tháp cũng khắc phục những vấn đề hậu cần khi nâng những khối đá lớn lên cao: Khoảng 40% khối lượng của kim tự tháp được tập trung ở phần dưới cùng. Tuy nhiên, việc nâng các khối đá bằng một con dốc vẫn là một thách thức lớn, và người ta vẫn chưa biết người Ai Cập cổ đại đã giải quyết vấn đề này như thế nào.
Một giả thuyết là có thể họ đã sử dụng cấu trúc bên trong của kim tự tháp - vẫn còn nhìn thấy ngày nay, bởi vì vỏ bọc bên ngoài đã biến mất từ lâu.
Các hàng tạo nên Đại kim tự tháp Khufu cao hơn trung bình một chút. Vì vậy rất có khả năng, với đủ nhân lực, đòn bẩy đã được sử dụng để nâng các khối đá lớn vào vị trí - và cứ thế, cho đến khi công trình được hoàn thành dưới hình thức đỉnh cao, được gọi là kim tự tháp.
Sâu bên trong kim tự tháp của Khufu, Hành Lang Lớn dẫn đến căn phòng nơi một số người tin rằng một chiếc quan tài được làm từ một khối đá granit rỗng để bảo quản cơ thể của Khufu
Phần ngọn trên đỉnh kim tự tháp Khufu từ lâu đã bị đổ, được cho là làm từ đá trắng ở Tura. Công trình được tạo thành từ tổng cộng hai triệu rưỡi khối đá, giúp nó trở thành một trong những công trình lớn nhất hành tinh, kỳ quan duy nhất trong số 7 kỳ quan của thế giới cổ đại vẫn còn đứng vững cho đến ngày nay.
Nguồn: National Geographic