Trong một nỗ lực khôi phục hợp tác quốc phòng, Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị lập một quỹ quốc phòng chung có vốn 5,3 tỉ USD để giúp các thành viên EU cùng nhau mua máy bay, trực thăng mới với giá thấp hơn.
Ngoài ra, EU còn đề xuất dành một phần ngân sách chung để đầu tư vào nghiên cứu quân sự, cũng như cho ngân hàng phát triển của khối tham gia động thái này. Mục tiêu là cho ra đời các thế hệ máy bay không người lái, hệ thống tác chiến điện tử và thiết bị công nghệ cao nhằm tăng cường khả năng tự bảo vệ.
Phó Chủ tịch EC Jyrki Katainen cho biết EU đang phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng nên cần gấp rút hành động.
“Đây không phải là chuyện chi tiêu cho quân sự thay vì an sinh xã hội” – ông Katainen nói và cam kết toàn bộ thiết bị quân sự ra đời từ quá trình nghiên cứu sẽ là tài sản chung của tất cả thành viên EU.
Theo Reuters, trọng tâm đề xuất của EU là thành lập quỹ đầu tư cho quốc phòng, trong đó các thành viên nào góp vốn sau này có thể vay tiền từ đó khi cần.
Nếu quỹ này đi vào hoạt động, EU sẽ có nguồn tiền để duy trì các kế hoạch quốc phòng trong bối cảnh sắp mất đi thành viên tích cực sau sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu rời EU (gọi là Brexit).
Sự không chắc chắn còn đến từ việc ông Trump dự kiến nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1-2017.
Ông Trump từng nói có thể rút Mỹ khỏi khối quân sự NATO và xem xét lại việc bảo vệ các đồng minh của khối này. Trong trường hợp đó, EU buộc phải tự bảo vệ lấy chính mình và kế hoạch trên là thông điệp gửi đến ông Trump rằng họ đã sẵn sàng làm thế.
Hiện chưa rõ EU sẽ thuyết phục các thành viên tham gia quỹ chung này thế nào khi nhiều nước vẫn đang theo đuổi dự án quốc phòng của riêng họ.
Một số quan chức EU thừa nhận các nước lớn như Đức – vốn sở hữu nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh – sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ đề xuất của EU, trong khi các quốc gia nhỏ hơn có nguy cơ bị mất công ăn việc làm.
Một đề xuất được đưa ra là huy động vốn trên thị trường tài chính bằng cách phát hành trái phiếu. EC sẽ quản lý quỹ này nhưng không sở hữu nó. Một bước đi như thế cần sự đồng thuận của toàn bộ thành viên EU.