Nỗ lực chống Trump cuối cùng: Không lôi kéo được thì kiện ra tòa

Thi Anh |

Cần thuyết phục được 37 đại cử tri Cộng hòa thì nỗ lực "kéo Trump khỏi ghế Tổng thống" mới có hy vọng, trang Politico cho hay.

Phe phản đối Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị một kế hoạch tấn công chưa từng có nhằm vào Đại cử tri đoàn, với một làn sóng kiện tụng và nỗ lực vận động hành lang. Mục đích là để thuyết phục 37 đại cử tri đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho một ứng cử viên khác, ngoài Trump.

Nếu được thực hiện, đây sẽ là bài kiểm tra áp lực đối với một cơ quan mà Alexander Hamilton - gười sáng lập ra nước Mỹ - coi là cơ sở để đảm bảo không có tình trạng bất ngờ xảy ra do đặt quyền lực vào tay người dân. Đây cũng là thách thức trực tiếp đối với vai trò của Đại cử tri đoàn.

Đằng sau nỗ lực công khai phản đối Trump là một vấn đề ngầm: Nếu tòa án cho phép các đại cử tri thay đổi, chuyển sang ủng hộ các ứng viên không giành chiến thắng ở bang của mình, thì điều đó sẽ đem lại nhiều bất ổn cho quá trình bầu cử tới mức các bang có thể sẵn lòng xóa bỏ thể thức Đại cử tri đoàn.

"Có thể sẽ có nhiều người kêu gọi loại bỏ Đại cử tri đoàn, một động thái vừa thuận lợi, vừa bất lợi", Laurence Tribe, giáo sư luật tại Đại học Harvard cho hay, "Dù sao, làn sóng kêu gọi và sự giận dữ đã nhiều lần song hành trong cuộc bầu cử năm nay".

Những người khởi xướng nỗ lực này, chủ yếu là thành viên đảng Dân chủ, đã có kế hoạch phản đối một số điều luật tại 29 bang, những điều khoản bắt buộc cử tri phải ủng hộ ứng viên của đảng mình.

Vì những điều luật ấy chưa bao giờ được đánh giá nên nhiều chuyên gia về hiến pháp cho rằng chúng mâu thuẫn với mục đích ban đầu của các nhà thành lập khi tạo ra một cơ quan có thể "cân đo đong đếm" mức độ phù hợp của các ứng viên.

Nguồn tin của Politico xác nhận rằng họ đã chuẩn bị sẵn một đoàn luật sư để bào chữa cho bất kỳ đại cử tri nào bỏ phiếu ngược lại lựa chọn của đảng mình vào ngày 19/12 tới.

Những nỗ lực này được thực hiện song song với chiến dịch vận động hành lang của các đại cử tri đảng Dân chủ ở Colorado và Washington. Họ đang nỗ lực thuyết phục các đại cử tri Cộng hòa đi ngược lại lời thề của mình, và trong một số trường hợp là luật của bang, để phản đối Trump.

Trump giành được 306 phiếu đại cử tri trong cuộc bỏ phiếu hôm 8/11. Với mức độ ấy, ông Trump đã có thừa đủ số phiếu cần có để trở thành Tổng thống, nếu toàn bộ các đại cử tri đều bỏ phiếu cho ông. Đó là lý do vì sao những người phản đối phải tìm cách lôi kéo được 37 đại cử tri Cộng hòa.

Nếu thuyết phục được 37 người này thì cũng chỉ vừa đủ để giữ cho mức phiếu Trump nhận được thấp hơn con số 270 cần có và quyết định cuối cùng sau đó sẽ được chuyển sang cho Hạ viện.

Chiến dịch vận động này hiện không nhận được sự chú ý của Trump và đội ngũ cố vấn của ông. Nhưng nếu một số đại cử tri Cộng hòa tham gia vào nỗ lực này thì đó sẽ là điều đáng báo động khi hàng triệu cử tri vô tình bị tước quyền bỏ phiếu và điều này chắc chắn sẽ dẫn tới việc xem xét lại chỗ đứng của Đại cử tri đoàn ở thời đại ngày nay.

"Tôi đang theo dõi tình hình một cách chặt chẽ", Roger Stone, bạn của Trump trả lời Politico qua email. Ông cho rằng nỗ lực này sẽ thất bại.

Ngoài ra, nhiều thành viên đảng Dân chủ vốn đã không hài lòng khi ứng viên đảng mình thua cuộc mặc dù giành được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn đối thủ. Mới đây, họ đã đề nghị sửa đổi hiến pháp và đưa ra một giải pháp - thỏa thuận bầu Tổng thống thông qua phổ thông đầu phiếu.

Thỏa thuận này đã nhận được sự ủng hộ của 10 bang và quận Columbia nhưng sẽ chỉ có hiệu lực nếu phần đông Đại cử tri đoàn ký thông qua. Hiện nay, mới có 165 phiếu đại cử tri nhất trí với thỏa thuận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại