Marek Plesniar - người đứng đầu Hiệp hội Cán bộ Quản lý Giáo dục Quốc gia (OSKKO) nói với tờ Rzeczpospolita hôm 23/9, rằng các giáo viên Ba Lan đã được hướng dẫn về việc phát thuốc kali i-ốt cho học sinh nếu xảy ra sự cố khẩn cấp nhằm ngăn ngừa ngộ độc phóng xạ. Trong một số trường hợp, giáo viên còn được yêu cầu phát thuốc trong vòng 6 tiếng sau khi có báo động.
Giới chức Ba Lan được cho là đang sẵn sàng đối phó với hiểm họa hạt nhân tiềm tàng. Tuy nhiên một quan chức có tên Jakub Leduchowski cho biết ở thời điểm hiện tại, “nguy cơ xảy ra một sự cố phóng xạ là rất nhỏ”.
Ba Lan và Ukraine có chung đường biên giới. Hồi đầu tuần này, Bộ Nội vụ Ba Lan cho biết thuốc i-ốt đã được phân phát đến các sở cứu hỏa sau khi báo chí đưa tin về giao tranh gần nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở miền Nam Ukraine.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Nga từ tháng 3, không lâu sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine. Lực lượng an ninh Nga đã trực tiếp bảo vệ nhà máy, trong khi các nhân viên Ukraine tiếp tục làm việc bình thường.
Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc lẫn nhau về việc tấn công Zaporozhye, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân tương tự thảm họa Chernobyl năm 1986.
Theo RT