Theo một tuyên bố được đưa ra bởi Nhà Trắng hôm 23/9, nhóm các nước G7 (Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý “đang được sử dụng như một cái cớ để thay đổi tình trạng những vùng lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine”. Việc bỏ phiếu “không có hiệu lực pháp lý và tính hợp pháp”, cũng “không tôn trọng các chuẩn mực dân chủ”, trích tuyên bố.
G7 nhấn mạnh sẽ “không bao giờ công nhận những cuộc trưng cầu dân ý này hoặc việc sáp nhập Nga”, vì nó “không thể hiện ý chí của người Ukraine”.
Thay vào đó, G7 sẽ tiếp tục cung cấp “hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao và pháp lý” cho chính quyền Kiev, và sẽ khởi động “nỗ lực tái thiết” tại một hội nghị ở Đức vào tháng tới. Tuyên bố kết luận bằng lời khẳng định: “Chúng tôi sẽ ủng hộ Ukraine chừng nào họ cần".
Sau cuộc đảo chính tháng 2/2014 ở Kiev, một số khu vực ở Ukraine đã từ chối công nhận tính hợp pháp của chính phủ. Bán đảo Crimea đã bỏ phiếu để sáp nhập Nga vào tháng 3 năm đó. Ukraine và G7 từ chối công nhận điều này.
Ngoài Crimea, 2 tỉnh của Donbass là Donetsk và Lugansk cũng tuyên bố muốn tách khỏi sự kiểm soát của Kiev, hình thành 2 nước cộng hòa tự xưng. Nga công nhận nền độc lập của 2 nước này hồi tháng 2.
Trong khi đó, Kherson và Zaporozhye vừa được quân đội Nga tiếp quản cách đây vài tháng, sau khi Nga khai màn chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Ngày 23/9, các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga đã bắt đầu được tổ chức Donetsk và Lugansk, cũng như ở khu vực Kherson và Zaporozhye. Quá trình bỏ phiếu sẽ kéo dài đến ngày 27/9.
Theo RT