“Mọi thứ hơi quá”?
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 6/1, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, một vài ngày tới sẽ có đầy đủ thông tin gửi đến báo chí. Theo đó, Bộ GTVT đang rà soát lại toàn bộ nhân sự đến quy định liên quan vấn đề đăng kiểm . Quan điểm của Bộ là “siết” chặt mọi thứ bao gồm cả phân cấp, phân quyền. Những quy định thuộc chức năng nhà nước hay thủ tục hành chính sẽ tách bạch trong thời gian tới. “Bộ Giao thông Vận tải đưa ra đầy đủ giải pháp và chờ một, hai hôm nữa sẽ công bố thông tin”, Bộ trưởng Thắng nói.
Trước những dư luận về đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Thắng cho rằng: “Mọi thứ hơi quá”.
Hai tuần qua, Công an TPHCM đã khám xét 13 trung tâm, khởi tố 6 vụ án với 43 bị can về các tội danh nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác. Thủ đoạn các trung tâm đăng kiểm đã sử dụng là bỏ qua vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật.
Đơn cử xe mòn lốp thì nộp tiền thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận để đảm bảo tiêu chuẩn; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải. Thậm chí, công an thông tin giám đốc trung tâm đăng kiểm chưa học hết lớp 3 và không biết chữ.
Phía Cục Đăng kiểm Việt Nam nói đến quy định về lĩnh vực này như Nghị định 139/2018 đã bỏ quy định về người đứng đầu đơn vị đăng kiểm. Theo đó, người chịu trách nhiệm tổ chức điều hành, ký giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới không nhất thiết phải là giám đốc mà có thể là cấp phó. Cấp phó này phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ tối thiểu 36 tháng. Còn giám đốc không yêu cầu phải có trình độ chuyên môn về đăng kiểm.
Trong khi đó, theo quy định cũ, người đứng đầu đơn vị đăng kiểm phải là đăng kiểm viên xe cơ giới, đã thực hiện nhiệm vụ tối thiểu 36 tháng, được tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm bổ nhiệm.
Có phần trách nhiệm của Bộ GTVT
Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, Nghị định 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 cho phép xã hội hóa hoạt động đăng kiểm, chủ đầu tư không phải thỏa thuận với UBND cấp tỉnh về địa điểm xây dựng, không hạn chế số đơn vị mới.
Theo đó, chủ đầu tư trước khi xây dựng trung tâm đăng kiểm chỉ cần có văn bản thông báo cho Cục Đăng kiểm Việt Nam về địa điểm xây dựng, thời gian dự kiến hoàn thành. Sau đó Cục sẽ đánh giá trung tâm có đáp ứng quy chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực; nếu đạt sẽ cấp giấy chứng nhận hoạt động.
Theo ông Thanh, quy định thông thoáng đó khiến số đơn vị đăng kiểm được xã hội hóa tăng mạnh. Năm 2018, toàn quốc có 172 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thuộc các Sở GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam. Sau gần 4 năm, cả nước đã có 280 trung tâm, trong đó có đến 210 trung tâm đăng kiểm xã hội hóa.
“Việc phát triển quá nhanh các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa nẩy sinh nhiều bất cập. Các chủ đầu tư chỉ đầu tư trung tâm đăng kiểm tại các đô thị lớn, trong khi các vùng sâu không có nên người dân và doanh nghiệp mất thời gian đi kiểm định. Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trung tâm tại đô thị lớn”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cho rằng, để giảm chi phí, các chủ đầu tư thường chỉ thuê đăng kiểm viên mới, thiếu kinh nghiệm trong kiểm định xe cơ giới dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực có nhiều hạn chế. Đăng kiểm viên là người làm thuê nên chịu tác động của chủ đầu tư, không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định.
“Thế nên mới có chuyện một ông đăng kiểm ở Long An làm cho đến 5 trung tâm”, ông Thanh nói.
Trước thông tin, giám đốc một trung tâm đăng kiểm tại TPHCM chưa học hết lớp 3 và không biết chữ, ông Thanh cho rằng, đây là chuyện “bi hài” và là lỗ hổng của những quy định đăng kiểm xe cơ giới.
“Đăng kiểm phải coi là nghề kinh doanh có điều kiện cũng giống như kinh doanh vận tải ô tô. Ông giám đốc công ty vận tải cũng phải tốt nghiệp trung cấp trở lên vì điều hành doanh nghiệp liên quan đến tính mạng con người. Ở đây, một trung tâm đăng kiểm cũng vậy, nếu ông không biết chữ gây ra hậu quả khó lường”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, những lỗi vi phạm trong kiểm định xe cơ giới thời gian qua cho thấy, việc kiểm tra, giám sát của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam - cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã không được thực hiện quyết liệt và rốt ráo, nhất là tại một số trung tâm đăng kiểm tư nhân hoặc các trung tâm được cổ phần hóa.