Xe tăng M1A1 Abrams tiên tiến đã được trang bị khả năng tác chiến điện tử nhằm ẩn nấp khỏi tầm ngắm của những máy bay không người lái của Nga. Tuy nhiên, một chỉ huy lực lượng xe tăng Ukraine cho biết, những cỗ máy bọc thép hạng nặng này vẫn cần được bảo vệ bên ngoài nhiều hơn để cản phá làn mưa đạn của đối phương.
Hiện nay, một số xe tăng Abrams của Ukraine đã được trang bị thêm lớp giáp lồng và giáp phản ứng nổ.
"Những lớp giáp này giúp xe tăng trụ vững lâu hơn trên chiến trường", chỉ huy Ukraine có biệt danh Zakon cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Business Insider tại một địa điểm không được tiết lộ gần mặt trận miền đông Ukraine.
Mùa thu năm ngoái, Mỹ đã gửi cho Ukraine 31 xe tăng Abrams, hiện đang phục vụ trong Lữ đoàn cơ giới số 47 của nước này. Theo ước tính, Kiev đã mất khoảng 10 chiếc Abrams suốt gần 1 năm giao tranh.
Xe tăng Abrams lộ điểm yếu trước FPV của Nga
Ông Zakon ca ngợi chiếc Abrams trị giá 10 triệu USD do Mỹ viện trợ là một bản nâng cấp tiên tiến hơn so với các xe tăng thời Liên Xô, như T-72 hoặc T-64, mà Ukraine đã sở hữu ngay từ đầu cuộc xung đột.
Xe tăng Abrams được thiết kế với mục đích chống lại xe tăng Liên Xô vào thời điểm trước khi chiến thuật sử dụng FPV mang thuốc nổ được phát minh nhằm tiêu diệt các phương tiện bọc thép lớn. Những chiếc Abrams này từng phát huy thế mạnh trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Ông Zakon cho biết một trong những lợi thế lớn nhất mà Abrams đang sở hữu là tốc độ. Những chiếc xe tăng 60 tấn này có thể dễ dàng đạt tới tốc độ 72km/h, giúp chúng dễ dàng di chuyển vào và ra khỏi trận chiến.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, xe tăng Abrams vẫn dễ bị tổn thương trước các vũ khí Nga, đặc biệt là các máy bay không người lái nhỏ mang thuốc nổ.
Máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) có giá thành rẻ và dễ điều khiển, xuất hiện thường xuyên trong các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine. Những máy bay này thường được điều khiển từ khoảng cách để tấn công vào các vị trí chiến thuật và khí tài quân sự của đối phương, nhằm giảm thiểu thương vong không cần thiết trên chiến trường.
Theo chỉ huy Zakon, chiến thuật này thực sự phát huy hiệu quả và đang khiến quân đội Ukraine phải “gồng mình chống đỡ”.
“Các FPV của Nga hiện là mối đe dọa lớn đối với xe tăng Abrams bởi chúng thường tập trung lại một chỗ rồi mới tấn công các xe tăng của chúng tôi. Những đợt tấn công kiểu này đã diễn ra nhiều lần, với tần suất cao”, ông Zakon nói.
Một cuộc tấn công như vậy đã bất ngờ xảy ra vào tháng trước. Khi đó, phi hành đoàn của ông Zakon đã sử dụng màn bảo vệ chống FPV gắn trên xe tăng - nằm trong sáng kiến Steel Front do doanh nhân Rinat Akhmetov tài trợ - để làm nhiễu tín hiệu kết nối người điều khiển với máy bay không người lái. Đòn phản công này đã giúp Ukraine thoát hiểm trong gang tấc.
Trong một cuộc tấn công khác, một người lính lái tăng đã kịp dừng Abrams trước khi một FPV mang theo nổ lao thẳng vào mui xe. Ông Zakon cho biết khả năng tác chiến điện tử của xe tăng và lớp giáp phản ứng nổ được trang bị vào thời điểm đó đã giúp ngăn chặn cuộc tấn công.
Tuy nhiên, mối đe dọa không chỉ dừng lại ở khả năng khóa mục tiêu của các FPV. Ông Zakon cho biết Abrams là "mục tiêu dễ tấn công" đối với nhiều loại vũ khí khá phổ biến trên chiến trường, tiêu biểu như tên lửa chống tăng.
Theo hãng thông tấn RIA Novosti, nhiều binh lính Ukraine cảm thấy bất an khi phải điều khiển các phương tiện chiến đấu do Mỹ và phương Tây viện trợ vì chúng luôn bị binh sĩ Nga ưu tiên săn lùng. Ngay khi phát hiện xe tăng Ukraine, pháo binh Nga lập tức chuyển làn để tập trung tiêu diệt.
“Dù có khả năng chịu đòn rất tốt nhưng xe tăng Abrams vẫn cần được bảo vệ nhiều hơn bằng các hệ thống động như Abrams Reactive Armor Tile, ARAT-1 hoặc các lớp giáp phản ứng nổ Kontakt-1 từ thời Liên Xô. Những công nghệ này giúp bảo vệ xe tăng khỏi thuốc nổ từ các FPV”, ông nói.
Ngoài ra, các bãi mìn và hỏa lực pháo binh, tên lửa chống tăng, trực thăng tấn công của Nga quá mạnh, trong khi Abrams chưa có đủ lực để chế áp, che đầu cho lực lượng cơ giới tác chiến trên bộ.
Ukraine cần thêm xe tăng
Ngoài các mối đe dọa từ phía lực lượng Nga, tính khả dụng của xe tăng Abrams trên chiến trường cũng là một thách thức đối với Ukraine. Dù Nhà Trắng và phương Tây đã công bố nhiều gói viện trợ vũ khí dành cho Kiev nhưng cho đến thời điểm này, số lượng vũ khí được chuyển giao đến nước này vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tiền tuyến, trong đó có xe tăng Abrams.
Vào tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhận định rằng, số lượng xe tăng hạn chế như vậy khó có thẻ tạo ra sự khác biệt trong thế giằng co với Nga. Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington, DC, nhà lãnh đạo Ukraine cảnh báo Kiev có thể phải đối mặt với vấn đề tương tự trong trường hợp của máy bay chiến đấu F-16. Sau nhiều tháng chờ đợi, những chiếc F-16 đầu tiên đã tới Ukraine.
Trong các cuộc giao tranh với Nga, xe tăng Abrams được cho là đã được "làm việc hết công suất" và gây nhiều thiệt hại cho các lực lượng Nga. Tuy nhiên, ông Zakon cho biết Ukraine vẫn cần thêm binh lính để vận hành chúng nhằm hỗ trợ các cuộc tấn công.
Các thành viên NATO đã trang bị cho Ukraine rất nhiều xe bọc thép có khả năng chiến đấu cao trong bối cảnh các cuộc giao tranh chưa có dấu hiệu kết thúc. Hiện Kiev đang dựa vào xe bọc thép Bradley để duy trì chiến sự. Những loại xe này không có sức mạnh chiến đấu như xe tăng Abrams vì về cơ bản chúng là xe chở quân. Tuy nhiên, theo cựu Đại tá Mark Cancian của Thủy quân Lục chiến Mỹ, “Bradley có thể được sử dụng như một chiếc xe tăng hạng nhẹ" trong bối cảnh Abrams đang khan hiếm.
“Xe thiết giáp Bradley được thiết kế để có thể theo kịp Abrams trên nhiều địa hình khác nhau. Trên tiền tuyến ở Ukraine, loại xe này có thể sử dụng vào mục đích trinh sát, ẩn núp trong các hàng cây rậm rạp hoặc chạy băng băng qua những địa thế khó đi như đường đất”, ông Cancian nói.
Trong lúc quân đội Ukraine vẫn đang ở thế phòng thủ, Mỹ vẫn chưa cung cấp thêm chiếc xe tăng Abrams nào để bổ sung cho các lực lượng trên tiền tuyến. Hiện các chiến đấu cơ Bradley vẫn chủ yếu được sử dụng trong Lữ đoàn cơ giới số 47, bù đắp cho số lượng Abrams bị thiếu hụt.