Theo NY Times, việc mưa lớn kéo dài nhiều tuần đã biến mỏ ngọc bích Wai Khar ở miền Bắc Myanmar thành một hồ nước mênh mông.
Đứng sừng sững bên hồ nước là một đoạn sườn đồi dài hơn 300m được tạo nên bởi chất thải khai thác. Trời mưa lớn khiến phần nền của núi chất thải yếu đi nhanh chóng.
Hiện trường vụ lở đất. Ảnh: Twitter
Do đó, ngay sau khi mặt trời mọc sáng thứ Năm, khối đất đá này bắt đầu lún dần và đổ ập xuống hồ nước.
Lúc này, nước dưới hồ dềnh lên, tạo thành những con sóng thần cao 6m đập vào sườn đồi phía đối diện.
“Khi núi đất sụp xuống, các công nhân thậm chí còn không đủ thời gian để bỏ chạy”, ông U Tin Soe – một quan chức địa phương cho biết.
Khoảnh khắc núi đất đá đổ ập xuống hồ nước, khiến nước dềnh lên cao như sóng thần.
Vào thời điểm xảy ra tai nạn, có hàng trăm thợ mỏ đang đào đá bất hợp pháp gần méo hồ nước. Những người này nhanh chóng bị sóng cuốn trôi. Một số người đã chạy lên vùng đất cao hơn, nhưng nhiều người không may mắn như vậy.
Đến tối cùng ngày, 162 thi thể đã được tìm thấy, và các quan chức dự kiến số người chết sẽ vượt quá 200 người.
Nhiều người được cho là vẫn đang mắc kẹt. Nhưng theo quan chức địa phương, lực lượng cứu hộ giờ gần như không thể làm gì khác ngoài chờ vớt các thi thể nổi lên.
Việc trời tiếp tục mưa lớn không chỉ cản trở lực lượng cứu hộ tiến sâu vào hiện trường, mà còn ảnh hưởng đến quá trình đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Thi thể những người tử vong nằm la liệt. Ảnh: Twitter
Ảnh: EPA
Thảm họa trên xảy ra sau khi chính quyền địa phương ra lệnh cho các mỏ khai thác đá của khu vực đóng cửa từ ngày 1/7 đến ngày 30/9 vì nguy cơ xảy ra sạt lở trong mùa mưa.
Nhưng tại mỏ khai thác Wai Khar, hàng trăm công nhân vẫn tiếp tục khai thác bất hợp pháp, mà không màng đến rủi ro.
Những sự cố sập mỏ, lở đất xảy ra khá thường xuyên tại khu vực khai thác ngọc bích của bang Kachin.
Năm ngoái, hơn 50 người đã thiệt mạng ở Kachin trong một vụ lở đất tương tự.
Năm 2015, ít nhất 120 người đã bỏ mạng sau khi núi chất thải khai thác đổ sụp.