Lính Trung Quốc - Ấn Độ đánh nhau bằng gậy gộc và gạch đá ở biên giới: Video có thật, vậy xảy ra khi nào?

Hữu Hiển |

Một video mới về cuộc đụng độ ở biên giới giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ, cho thấy hai bên đánh nhau bằng gậy và đá, đã xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc Weibo.

Theo Newsweek, đoạn video kịch tính nhấn mạnh những căng thẳng quân sự giữa hai quốc gia có vũ khí hạt nhân. Trong nhiều cuộc đụng độ vào năm 2020, binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã dùng gậy và đá tấn công lẫn nhau vì hai nước đã ký thỏa thuận cấm quân đội mang súng khi tuần tra khu vực biên giới.

Tài khoản Clash Report trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) ngày 8/6 đã chia sẻ một video mới về cuộc đụng độ giữa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và binh sĩ Ấn Độ tại biên giới chung giữa hai nước.

"Cảnh quay dữ dội cho thấy lính PLA Trung Quốc đánh lính Ấn Độ trong một cuộc đụng độ biên giới khác", Clash Report viết trên mạng xã hội X.

Video về cuộc đụng độ giữa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và binh sĩ Ấn Độ tại biên giới chung giữa hai nước được chia sẻ trên mạng xã hội X vào ngày 8/6. Nguồn: Clash Report

Theo Newsweek, kể từ khi tranh chấp biên giới Trung Quốc - Ấn Độ bắt đầu vào năm 2020, ít nhất 50.000 binh sĩ của cả hai bên đã đóng quân "mặt đối mặt" ở khu vực Đông Ladakh.

Nhưng việc triển khai quân ở thời điểm hiện tại đã vượt xa con số này, khi quân đội Ấn Độ được cho là đã bố trí từ 150.000 đến 200.000 binh sĩ để đề phòng Trung Quốc.

PLA được cho là có quân số tương đương, lên tới 200.000 binh sĩ từ Quân khu Tân Cương và Tây Tạng.

Theo Newsweek, vào tháng 6/2020, một cuộc giao tranh đầy bạo lực giữa lực lượng tuần tra của Ấn Độ và Trung Quốc tại một khe núi trên dãy Himalaya đã đánh dấu cuộc đụng độ chết người đầu tiên dọc biên giới tranh chấp trong gần 50 năm. Cuộc đụng độ đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và ít nhất 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.

Phân tích của Newsweek cho thấy video mới được chia sẻ là từ một cuộc đụng độ trước đây vào năm 2020 nhưng được quay từ một góc khác. Những ngày qua, các blogger quân sự Trung Quốc trên Weibo đã chia sẻ những video cũ về các cuộc đụng độ quân sự từ năm 2020.

Hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc China News từng đưa tin vào tháng 2/2021 rằng: "Trung Quốc hôm thứ Sáu đã công bố video về cuộc xung đột biên giới ở Thung lũng Galwan giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào tháng 6/2020 để tỏ lòng thành kính đối với các liệt sĩ PLA đã hi sinh trong cuộc đụng độ với các quân nhân nước ngoài xâm phạm."

Theo Newsweek, các video gần đây về cuộc đụng độ được binh sĩ PLA ghi lại thường xuất hiện lần đầu trên Weibo, trước khi xuất hiện trên X.

Những video xuất hiện gần đây không phải là video đầu tiên thuộc loại này, vì các blogger quân sự Trung Quốc đã từng chia sẻ những video tương tự trước đây. Video mới nhất được chia sẻ trùng với thời điểm công bố Nội các mới của Ấn Độ và lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Narendra Modi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa chúc mừng ông Modi đắc cử trong khi tất cả các lãnh đạo chủ chốt trên thế giới đều gửi lời chúc mừng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chúc mừng ông Modi trong một tuyên bố.

Lính Trung Quốc - Ấn Độ đánh nhau bằng gậy gộc và gạch đá ở biên giới: Video có thật, vậy xảy ra khi nào?- Ảnh 2.

Binh sĩ Ấn Độ tại Arunachal Pradesh, gần biên giới với Trung Quốc, vào ngày 20/10/2021. Ảnh: Getty

Theo Newsweek, khu vực Ladakh - nơi hai bên triển khai một lượng lớn binh sĩ - thực sự nằm dưới sự kiểm soát của Ấn Độ. Nhưng Trung Quốc thách thức quyền kiểm soát hành chính của Ấn Độ đối với Ladakh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết vào tháng 12/2023 rằng: "Trung Quốc chưa bao giờ công nhận cái gọi là lãnh thổ liên bang Ladakh do Ấn Độ đơn phương và bất hợp pháp thiết lập."

Nhưng Ấn Độ đã bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh và coi Ladakh là một phần lãnh thổ của mình.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết vào tháng 4/2024 rằng: "Lập trường nhất quán và có nguyên tắc của Ấn Độ là Arunachal Pradesh và toàn bộ Lãnh thổ Liên minh Jammu & Kashmir và Ladakh đã, đang và sẽ là một phần không thể thiếu của Ấn Độ."

Còn Trung Quốc cũng tuyên bố Arunachal Pradesh là một phần của Nam Tây Tạng.

Theo Newsweek, trong quá khứ, Trung Quốc thường nhắc đến việc bảo vệ biên giới và tìm kiếm "sự phục hưng quốc gia" khi thảo luận về vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, việc kết nối giữa các biên giới trên đất liền, chẳng hạn như với Ấn Độ, Nga hoặc Mông Cổ, là một hiện tượng tương đối mới. Xu hướng này ngày càng gắn liền với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm khôi phục vị thế quốc gia, điều mà nước này cho là đã bị mất trong thời kỳ "ngoại bang chiếm đóng".

Gần đây, Bloomberg đưa tin Ấn Độ đã triển khai thêm 10.000 quân tới biên giới với Trung Quốc, tái triển khai họ từ biên giới phía Tây với Pakistan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại