Trong bộ phim nổi tiếng “Terminator 2” , một robot phản diện với mã hiệu T-1000 đã khiến khan giả trước màn ảnh vô cùng bất ngờ vì năng lực bất khả chiến bại của nó – được trang bị khả năng tự chữa lành sau mỗi lần bị tấn công.
Giờ đây, điều đó không còn thuộc vào phạm trù khoa học viễn tưởng nữa nhờ vào phát minh đột phá về một loại “mực từ trường”, cho phép các thiết bị điện tử tự hồi phục với tốc độ không tưởng.
Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học California San Diego đã sáng tạo ra các thành phần pin, cảm biến điện hóa học và mạch điện có kết cấu tương tự như vải dệt để đem mực từ trường lên áp dụng.
Các kỹ sư chuyên môn in đoạn mạch đó lên tay áo phông, sau đó kết nối với bóng đèn led và pin. Tiếp tục, họ thử cắt đứt dây mạch ở phần in lên. Vào thời điểm đó, đèn LED không sáng nữa, nhưng chỉ vài giây ngắn ngủi sau nó lại tiếp tục sáng.
Mấu chốt ở đây nằm ở những phân tử siêu nhỏ được định hướng, dẫn dắt và thiết lập bởi một từ trường đặc biệt. Nhờ vào cấu tạo và thiết kế của chúng mà những phân tử nằm bên rìa bị cắt sẽ tự động dính lại với nhau, tương tự như việc tự hồi phục vậy.
Độ rộng đoạn cắt lên đến 3mm vẫn có thể được phục hồi, lập nên một kỷ lục mới từ trước tới nay, và vẫn còn tiềm năng phát triển hơn nữa.
Do đó, những thiết bị như dây sạc điện thoại sẽ không còn lo bị hư hỏng hay đứt mảnh theo thời gian nữa
“Tiềm năng ứng dụng của công nghệ này trên thế giới là rất lớn và vô cùng cấn thiết,” Giáo sư Joseph Wang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cảm biến Tích hợp và Chủ tịch Bộ phận Công nghệ siêu vi tại Đại học California San Diego cho biết.
Nếu được đưa vào thực tế hóa thành công, thời gian dành cho quá trình sửa chữa các phụ kiện thông thường sẽ được giảm đi và tiết kiệm gấp nhiều lần. Các thương tổn và hư hỏng có thể hồi phục chỉ trong 0,05 giây.
Các mạch điện và linh kiện như pin, đồ điện tử thông dụng được thử nghiệm cố tình bị phá hỏng bởi các nhà khoa học. Họ liên tục làm vậy trên 4 vị trí của từng đồ vật, mỗi vị trí 9 lần cắt. Mọi hư hỏng đều được hồi phục, dù hiệu suất dẫn điện có giảm đi nhưng không đáng kể lắm.
Được biết, các phân tử phục hồi không có tính điện hóa cao, nên khó tích hợp trên những cảm biến hiện nay. Để khắc phục điều đó, các nhà khoa học đã thêm carbon vào mực, với đặc tính và vai trò bù đắp cho sự thiếu hụt và hạn chế trên.
Công nghệ bảng mạch tự hồi phục trên máy bay từng được Đại học Illinois khám phá đầu tiên vào năm 2011, nhưng giờ đây tốc độ còn được cải tiến lên gấp nhiều lần.
“Chúng tôi muốn phát triển nên một hệ thống thông minh đi kèm khả năng này, bằng những chất liệu và phương thức thực sự hiệu quả mà không quá đắt đỏ,” Tiến sỹ Amay Bandodkar, một trong những tác giả đầu tiên của dự án và nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern cho biết.
Trong tương lai không xa, họ sẽ tiếp tục nhân rộng quy mô và sự đa dạng của công nghệ này lên trên cả những vật liệu khác, phục vụ thêm nhiều mục đích và lĩnh vực trong cuộc sống.
Tham khảo: Dailymail