Có phải bắn tên lửa hủy diệt trạm không gian Trung Quốc 8,5 tấn sắp rơi xuống Trái Đất?

Hoa Hướng Dương |

Trạm không gian 8,5 tấn cùng với các chất hóa học độc hại liệu có làm các nhà khoa học lo ngại khi nó rơi xuống Trái Đất?

Được đưa vào không gian vào năm 2011 bởi một tên lửa đẩy Trường Chinh 2FT1, Thiên Cung 1 là trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc, nặng tới 8,5 tấn.

Tuy nhiên tới năm 2016, cơ quan vũ trụ của nước này là CMSEO (China Manned Space Engineering Office) cho biết họ đã mất liên lạc với trạm và dự báo nó sẽ rơi xuống vào năm 2018.

Vài tháng sau đó, một vệ tinh đã phát hiện ra vị trí trạm không gian Thiên Cung 1 ở độ cao 290 km và rơi xuống với tốc độ 11,2 km/tháng.

Có phải bắn tên lửa hủy diệt trạm không gian Trung Quốc 8,5 tấn sắp rơi xuống Trái Đất? - Ảnh 1.

Màu xanh lá cây là vị trí mà các mảnh vụn của trạm vũ trụ Thiên Cung 1 có thể sẽ rơi xuống. Ảnh AEROSPACE

Hệ thống Giám sát Không gian của Mỹ dự báo vị trí rơi sẽ nằm giữa 43 vĩ độ Bắc và 43 vĩ độ Nam.

Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) cùng 13 cơ quan khác trên thế giới vẫn đang tiến hành theo dõi để đưa ra những dự đoán chính xác hơn về vị trí cũng như thời điểm rơi của trạm, dưới đây là những dự đoán mới nhất sau khi cập nhật dữ liệu từ vệ tinh (đọc chi tiết).

Tàu không gian rơi tự do sẽ gây nguy hiểm thế nào tới con người?

Trạm không gian di chuyển với tốc độ nhanh hơn 1 viên đạn với trọng lượng 8,5 tấn có thể sẽ khiến bạn phải giật mình lo sợ mối tai họa từ trên trời ập xuống. Vậy liệu Trung Quốc hay các cơ quan vũ trụ sẽ ứng phó với mối nguy hiểm này như thế nào?

Những thông số kỹ thuật của trạm vũ trụ Thiên Cung 1:

Có phải bắn tên lửa hủy diệt trạm không gian Trung Quốc 8,5 tấn sắp rơi xuống Trái Đất? - Ảnh 2.

Những thông tin về trạm vũ trụ. Ảnh Daily Star

Thực tế, đối với các nhà khoa học vũ trụ thì chuyện một trạm không gian 8,5 tấn lao xuống với tốc độ của một viên đạn lại không phải là điều quá đáng sợ.

Nhà thiên văn học Jonathan McDowell của đại học Harvard, người đã có những dự báo về thời điểm rơi của trạm Thiên Cung sẽ là cuối năm 2017 đến đầu năm 2018 cho biết trạm không gian 8,5 tấn thậm chí còn nhỏ hơn rất nhiều tàu vũ trụ từng rơi xuống trước kia.

Trên Twitter cá nhân của mình, McDowell còn trấn an mọi người khi đăng tải nội dung: "... Thực lòng mà nói, trạm Thiên Cung 8 tấn không làm tôi lo lắng".

Điều này không phải là không có cơ sở vì dựa vào những sự việc tương tự từng xảy ra trong quá khứ và cả bộ môn xác suất trong toán học, các nhà khoa học sẽ chỉ ra cho bạn thấy:

Xác suất bị mảnh vỡ từ con tàu làm nguy hại còn khó hơn bị sét đánh hay thắng giải xổ số Powerball jackpot (khoảng 1/1 triệu)

Đầu tiên, khi một vật thể (thiên thạch, vệ tinh hay tàu vũ trụ mất kiểm soát) rơi vào khí quyển dày đặc của Trái Đất thì ma sát sẽ tạo ra nhiệt năng và làm vật thể bốc cháy, thậm chí phát nổ nếu tốc độ di chuyển quá lớn.

Quá trình ma sát sản sinh nhiệt năng sẽ làm con vật thể bị vỡ vụn ra và giảm khối lượng (do chuyển thành động năng và nhiệt năng), theo tính toán của các nhà khoa học, ở trường hợp trạm vũ trụ Thiên Cung 1, nó sẽ chỉ còn 10 % đến 40% trọng lượng khi tới mặt đất!

Nghĩa là trạm Thiên Cung sẽ chỉ còn 907 kg đến 3.629 kg khi tới mặt đất, nếu bạn vẫn còn lo ngại vì cho rằng con số này vẫn không hề nhỏ thì hãy tiếp tục theo dõi những tính toán sau của các nhà nghiên cứu.

Xem video:

Rác vũ trụ. Nguồn: NASA

Nhà khoa học Mark Matney tại Chương trình Quỹ đạo Mảnh vỡ của NASA (Orbital Debris Program Office) của Trung tâm Không gian Johnson (Johnson Space Center, Houston) cho biết:

Xác suất để một người bất kỳ trong hơn 7 tỷ người trên Trái Đất bị đánh trúng bở các mảnh vỡ của con tàu vũ trụ, trạm không gian hay thậm chí thiên thạch (gọi chung là space junk) chỉ vào khoảng 1/3.200.

Ngoài ra, chỉ có 29% diện tích bề mặt Trái Đất là đất liền (còn lại là biển, đại dương, sông hồ...) và một báo cáo năm 2008 cho thấy chỉ có 10% của con số trên là nơi sinh sống của 95% dân số thế giới.

Do đó, thậm chí nếu một vật thể từ không gian rơi xuống đất liền, nó cũng rất khó để có thể đánh trúng một người. Hơn nữa, các vụ rơi vật thể nhân tạo như vậy thường được ghi nhận vị trí rơi thường nằm giữa 43 vĩ độ Bắc và 43 vĩ độ Nam.

Có phải bắn tên lửa hủy diệt trạm không gian Trung Quốc 8,5 tấn sắp rơi xuống Trái Đất? - Ảnh 4.

Thiên Cung 1 sẽ rơi xuống Trái Đất vào tháng 3 đến tháng 4. Ảnh: Daily Star

Trong 60 năm lịch sử của ngành đạo hàng không gian mới chỉ ghi nhận duy nhất một trường hợp hiếm hoi bị mảnh vỡ (to bằng nắm tay người) của tên lửa Delta đánh trúng vào vai, người bị đánh trúng tên là Lottie Williams khi bà đang đi dạo tại Tulsa nhưng... không hề hấn gì!

Đến đây thì có lẽ chúng ta đã có câu trả lời về việc liệu có cần bắn tên lửa để phá hủy Thiên Cung 1 hay không!

Kỹ sư hàng đầu Zhu Congpeng tại China Aerospace Science and Technology Corporation cho biết trên Science and Technology Dailynewspaper rằng trạm không gian Thiên Cung sẽ ít gây nguy hiểm cho con người:

"Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi quỹ đạo rơi của Thiên Cung 1 và dự đoán rằng nó sẽ rơi xuống vào nửa đầu năm 2018. Nó sẽ cháy khi đi vào khí quyển và phần sót lại sẽ rơi xuống một vùng biển".

Như vậy, đối với mối nguy hiểm từ trạm không gian Thiên Cung, có lẽ Trung Quốc sẽ không cần phải sử dụng các biện pháp mạnh như bắn tên lửa hủy diệt.

Những trường hợp tương tự trong quá khứ: Cũng không cần phóng tên lửa

- Vệ tinh European Space Agency's GOCE nặng 1 tấn, dài 5,3 m của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu từng bị rơi vào ngày 10/11/2013 nhưng đã bị đốt cháy hoàn toàn trên bầu trời.

- Vệ tinh Upper Atmosphere Research Satellite (UARS) nặng 6,5 tấn của NASA rơi vào tháng 9/2011 nhưng khi xuống mặt đất chỉ còn sót lại 532 kilogram và không gây nguy hại gì.

- Trạm không gian Skylab của NASA nặng tới 77 tấn và rơi vào ngày 11/7/1979, nó bị đốt cháy trên không trung của vùng biển Ấn Độ Dương và Tây Úc. Phần sót lại rơi vào lãnh thổ phía nam nước Úc nhưng không ai bị thương.

- Vệ tinh Pegasus 2 nặng 11,6 tấn của NASA rơi ngày 3/11/1979 nhưng các mảnh vỡ còn lại sau khi bị cháy trên khí quyển đã rơi xuống giữa Đại Tây Dương và không gây hại gì.

- Salyut 7 của Liên Xô cũ từng được phóng năm 1982 với trọng lượng 22 tấn đã rơi vào năm 1986 và vỡ trên bầu trời Argentina với không có bất cứ thương vong nào được ghi nhận.

- Tàu con thoi Columbia nặng hơn 100 tấn bị phát nổ do lá chắn nhiệt bên cánh trái của tàu Columbia bị hư hại, khiến 7 phi hành gia bị thiệt mạng. Những mảnh vỡ của con tàu rơi rải rác ở miền Đông Bắc bang Texas, Mỹ nhưng không gây hại gì cho con người ở mặt đất.

Bài viết được dịch từ các nguồn: Nationalgeographic, Theverge, Space, Thetimes, Livescience

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại