Liêu Ninh vào Biển Đông, Nhật Bản mua tàu sân bay?

Thùy Dung |

Với thiết kế đặc biệt, Nhật Bản có thể biến tàu đổ bộ Izumo thành tàu sân bay bất cứ lúc nào để đối phó với Hải quân Trung Quốc.

Động thái mới của Trung Quốc

Hôm 27/12, tờ Sankei Shimbun đã đăng tải bài viết cho rằng, để tăng cường khả năng tấn công và củng cố phòng thủ trên không ở các đảo và vùng biển Hoa Đông có tranh chấp, Nhật Bản cần tăng cường khả năng chiến đấu đường không, đặc biệt là tàu sân bay.

Báo Nhật cho rằng, chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh và biên đội tàu hộ tống gồm 5 chiến hạm đã lần đầu tiên chạy ra Tây Thái Bình Dương.

"Trung Quốc đã tiến vào giai đoạn mới trên phương diện tăng cường sức chiến đấu trên biển, trên không", tờ Sankei Shimbun nhận định.

Đặc biệt, biên đội tàu sân bay này còn lần đầu thực hiện tập trận bắn đạn thật tại biển Bột Hải. Ngay sau đó, chúng lại triển khai diễn tập chiến đấu ở Hoàng Hải và biển Hoa Đông, cuối cùng đã vượt qua "chuỗi đảo thứ nhất".

 Liêu Ninh vào Biển Đông, Nhật Bản mua tàu sân bay?  - Ảnh 1.

Tàu Liêu Ninh diễn tập tại Hoàng Hải hôm 23/12

Tờ Sankei Shimbun cho rằng, ban đầu Trung Quốc muốn thể hiện khả năng triển khai hành động tác chiến tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương.

Hiện nay, Hải quân Trung Quốc đang chế tạo chiếc tàu sân bay thứ hai ở Đại Liên và chiếc tàu sân bay thứ ba cũng đang được chế tạo ở Thượng Hải.

Trong bài bình luận trang nhất của báo Quốc phòng Toàn dân, tác giả chỉ trích hãng tin Kyodo Nhật Bản đăng tải hình ảnh rõ nét về tàu sân bay thứ hai mà Trung Quốc đang đóng. Ảnh được chụp ở cảng Đại Liên và bài báo khẳng định "đây là đe dọa với an ninh quốc gia".

Tàu sân bay thứ hai được chụp lén với độ phân giải rất cao. Có thể thấy những dàn giáo để đóng tàu được dựng lên và các chi tiết bên trong. Tờ Quốc phòng Toàn dân kêu gọi có biện pháp tốt hơn để không lộ bí mật quốc phòng. Năm 2015, Bắc Kinh xác nhận dự án đóng tàu sân bay thứ hai của mình.

Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ xây dựng thành công biên đội tàu sân bay có khả năng chiến đấu thực tế nhất định. 

Thực tế này khiến báo Nhật cho rằng, tàu sân bay Trung Quốc được cho là sẽ thực hiện thủ đoạn của chiến lược "chống can thiệp/chống tiếp cận khu vực (A2/AD)" nhằm mục đích ngăn chặn Hải quân Mỹ triển khai hành động ở các vùng biển xung quanh khi có biến.

Nhật sở hữu tàu sân bay

Và để có thể đối phó với sự tăng cường của các lực lượng quân sự Trung Quốc, bài báo đề xuất Nhật Bản cần mua sắm tàu sân bay.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Mỹ Kyle Mizokami viết trên tạp chí Week có trụ sở tại New York rằng, muốn giành lợi thế trước Trung Quốc, Nhật Bản sẽ buộc phải biến Izumo thành tàu sân bay thực thụ, mang được các chiến đấu cơ.

Chuyên gia này cho rằng các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 như Chengdu J-20 và Shenyang J-31 đang là những áp lực rất lớn với Nhật Bản và những máy bay trực thăng mà Izumo mang theo sẽ chỉ thành bia bắn cho những chiến đấu cơ của Trung Quốc.

"Tàu Izumo vốn được thiết kế chỉ để phòng thủ, tuy nhiên, nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng các chiến đấu cơ để áp sát không phận Nhật Bản cũng như phát triển nhiều loại máy bay hiện đại mới, như J-20 và J-31, thì chính phủ Nhật Bản cũng phải đưa ra những sự điều chỉnh cho thích hợp”, ông Mizokami cho biết.

Tàu Izumo gần giống với một tàu khu trục hạm. Tuy nhiên với kích thước lớn (dài 250 m và lượng giãn nước 24.000 tấn) và boong tàu phẳng để làm nơi hạ cánh cho 14 máy bay trực thăng, Izumo hoàn toàn có thể biến thành tàu sân bay bất kỳ lúc nào.

Dù Izumo không có đường băng dài hay khoang chứa máy bay, nhưng các chiến đấu cơ cất và hạ cánh thẳng đứng như F-35B và Harrier vẫn có thể hoạt động trên Izumo. Nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc vẫn coi đây là một tàu sân bay thực thụ.

Nhật Bản đã đặt mua nhiều máy bay thế hệ thứ 5 phiên bản cất cánh thẳng đứng F-35B của Mỹ. Theo tính toán của Kile Mikoyaki thì một Izumo có thể mang từ 10 - 15 chiếc F-35. So với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hiện tại, số máy bay này là đủ để tác chiến chống lại một trận đánh chớp nhoáng.

Chưa kể đến Izumo được tích hợp những công nghệ tác chiến điện tử hàng đầu thế giới, với khả năng phòng thủ, chỉ huy biên đội tàu chiến, chỉ huy tác chiến trên không trên biển rất vượt trội. So với những tàu sân bay hiện tại trên thế giới, Izumo dù nhỏ nhưng không hề kém cạnh. (Mikoyaki cho rằng không cần so sánh với Liêu Ninh).

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự này cũng chỉ ra nhiều rào cản khiến Nhật Bản khó có thể sở hữu tàu sân bay.

"Vấn đề không phải ở công nghệ, Nhật hoàn toàn có đủ khả năng để thực hiện điều đó, vấn đề ở đây là những ràng buộc pháp lý, ngoại giao, và kinh tế." - Mikoyaki cho biết.

Nhật Bản không có nhiều tiền dành cho quốc phòng, vì mặc dù nước này vẫn đang là nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới nhưng các khoản nợ công của họ vẫn đang vượt quá 230% GDP.

Ngoài ra, nếu Nhật Bản quyết định thay đổi các tàu Izumo thành một tàu sân bay chở chiến đấu cơ thực thụ, điều này cũng có thể khiến tình hình khu vực Đông Á trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, ông Mizokami cảnh báo.

Nhật Bản đã từng có một hạm đội tàu sân bay lớn nhất thế giới và thậm chí còn điều 6 tàu đến tấn công Trân Châu Cảng của Mỹ vào thời Thế chiến II. Tuy nhiên, hạm đội tàu này đã bị phá hủy và Nhật Bản cũng hứa sẽ không bao giờ phát triển các loại vụ khí tấn công sau khi kết thúc Thế chiến II.

Theo hiến pháp Nhật Bản hiện nay, Tokyo không được sở hữu các tàu sân bay và thành lập các lực lượng tấn công đổ bộ để tấn công vào các quốc gia khác. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể thay đổi khi chính phủ nước này đang muốn sửa đổi quy định hiến pháp và tàu Izumo thứ 2 hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng.

"Tuy nhiên, nếu cần thiết, nội các của ông Shinzo Abe sẽ sẵn sàng sửa đổi Hiến pháp, chúng ta đã thấy nhà lãnh đạo này thực hiện thành công điều này nhiều lần trong năm 2014" - Mikoyaki nhận định.

Nhật Bản giám sát tàu sân bay Liêu Ninh

Phát biểu trong cuộc họp báo sáng 26/12, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Nhật Bản sẽ thực thi tất cả các bước cảnh báo và hoạt động giám sát ở khu vực này.

"Đây là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản xác nhận tàu sân bay của Trung Quốc tiến vào Thái Bình Dương. Chúng tôi đã đề cao cảnh giác bởi diễn biến này cho thấy tiềm lực mạnh hơn của hải quân Trung quốc. Chúng tôi đang theo dõi sát sao mọi hành động của tàu gần lãnh hải Nhật Bản", ông Yoshihide Suga cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại