Bán toàn bộ doanh nghiệp
Cuối năm 2016, ông Tân đã bán hoàn toàn Công ty Thực phẩm Đức Việt, doanh nghiệp mà ông dày công xây dựng, vun đắp từ năm 2000, thời điểm Luật Doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực và mở ra một chương mới trong lịch sử doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Đâu là lý do để ông Tân bán hoàn toàn công ty luôn nằm trong danh sách 100 doanh nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng FAST 500? Bằng một giọng chậm rãi, người đàn ông 70 tuổi kể về những khó khăn mà mình trải qua.
Cách đây bốn, năm năm, ngành sản xuất xúc xích đã trở nên cạnh tranh gay gắt, đặc biệt sau khi Công ty CP, với 70% vốn thuộc về người Trung Quốc, bắt đầu gia nhập thị trường. Lúc đó đã có hàng loạt tên tuổi như Vissan, Masan.
“Chúng tôi tự đánh giá không có tiềm lực tài chính như ông lớn khác nên rất khó giữ được vị trí top 3 trong ngành xúc xích”, ông nói.
Nhưng đó không phải lý do duy nhất. Ông Tân, người nổi tiếng nhờ dịch các tác phẩm văn học Đức sang tiếng Việt, ngày càng không chịu nổi sự nhũng nhiễu, nhất là khi ông đã có tuổi và có tích lũy tài chính, không như thời mới khởi nghiệp.
Ông kể, bên cạnh xúc xích Đức Việt, ông thành lập Công ty Chăn nuôi Đức Việt để vừa lấy nguyên liệu sạch cho nhà máy vừa cung cấp thịt sạch cho thị trường qua chuỗi các cửa hàng ở Hà Nội. Nhưng mọi điều không như tính toán.
Ông kể, khi chuỗi cửa hàng vừa đi vào hoạt động, còn đang lỗ, thì đã phải tiếp nhiều đoàn quản lý thị trường. Họ yêu cầu mỗi cửa hàng phải trình ra bản gốc chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, và không chấp nhận bản photocopy.
Đó là điều không thể vì ông được cấp chỉ một bản duy nhất. Ông bị kiểm tra hàng ngày, hàng tuần. Ông Tân nhớ lại: “Họ quấy rầy mãi đến mức tôi chán, không muốn làm nữa”.
Ông quyết định đóng cửa chuỗi cửa hàng, bán thanh lý dây chuyền giết mổ. Tuy nhiên, đến nước đấy rồi ông vẫn còn gặp nhiều rào cản khác: ông không thể làm thủ tục giải thể Công ty Chăn nuôi Đức Việt.
“Hồi đầu tôi làm việc 14-15 tiếng mỗi ngày, nhưng sau thì ức chế do gặp trở lực nhiều”, ông Tân nói. Và rồi ông bán luôn toàn bộ Công ty Thực phẩm Đức Việt cho tập đoàn thực phẩm Daesang Corp của Hàn Quốc như mọi người đã biết.
Nếu nhiều người Việt Nam chán kinh doanh, thì vì sao?
Không có bất kỳ số liệu nào "đo" được trạng thái tâm lý chán kinh doanh của doanh nhân Việt, nhưng những câu chuyện "từ bỏ" mang tính cá nhân hay những con số thống kê, chỉ số kinh doanh tiêu cực có thể thể hiện phần nào.
Những câu hỏi đáng đặt ra từ câu chuyện của ông Tân: Liệu có phải nhiều người Việt Nam đã chán kinh doanh? Có bao nhiêu doanh nhân đã bán toàn bộ doanh nghiệp của mình? Thật khó có câu trả lời. Không có bất kỳ số liệu nào "đo" được xu hướng của trạng thái tâm lý này.
Ông Đặng Xuân Minh, Giám đốc Công ty AVM, người nhiều năm nay "đứng sau" diễn đàn mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp, cho biết chỉ có 15-20% trong tổng số 50 thương vụ M&A lớn nhất năm 2016 là bán 100% công ty.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 77% tổng giá trị M&A toàn thị trường Việt Nam khoảng 5,8 tỉ đô la Mỹ cũng trong năm ngoái.
Là người có kinh nghiệm lâu năm với diễn đàn M&A, ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Tổng biên tập báo Đầu tư, nhận xét: "Khi bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, không phải người Việt từ bỏ kinh doanh mà là cùng đối tác nước ngoài nâng cao hiệu quả điều hành, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp".
Bên lề Diễn đàn doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội hồi tuần rồi, nhiều doanh nhân đã hỏi han nhau thông tin về một nhà doanh nghiệp ở một tỉnh miền Tây từng là đại biểu Quốc hội. Anh đã bán tất cả để đi định cư nước ngoài vì chán kinh doanh ở đây, một doanh nhân chia sẻ. Những khuôn mặt họ bỗng trở nên trầm ngâm.
Trong khi đó, doanh nhân Nguyễn Hữu Tình phản ánh, mất một năm xin rất nhiều chữ ký đủ loại mà ông không thể tiếp cận được đất đai để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học ở một tỉnh phía Bắc.
Trong diễn đàn nói trên, Tổng giám đốc tập đoàn VinaCapital Don Lam bàn chuyện người Việt Nam đã chi tới hơn 3 tỉ đô la Mỹ để mua nhà ở Mỹ trong vòng một năm qua.
"Đây là số tiền khá lớn ra khỏi Việt Nam, chứng tỏ (người dân) còn chưa yên tâm với môi trường đầu tư trong nước (vốn) còn đầy rủi ro. Để những dòng tiền đó ở lại Việt Nam chúng ta nên làm gì?", ông đặt vấn đề.
Khảo sát chỉ số Niềm tin doanh nhân (CEO.CI) năm 2017 lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam của diễn đàn cho biết, có tới 44% doanh nghiệp đã từng lỡ cơ hội vì rào cản pháp lý và hạn chế thị trường.
Các rào cản trói buộc họ đã được xác định từ lâu như có quá nhiều giấy phép con; thủ tục hành chính phiền hà; khó tiếp cận đất đai, vốn; chính sách thuế, hải quan, bảo hiểm còn nhiều bất cập...
Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê, trong sáu tháng đầu năm nay, cứ ba doanh nghiệp thành lập mới thì có tới hai doanh nghiệp rời thị trường hoặc ngừng hoạt động. Đà doanh nghiệp rời thị trường chưa dừng lại.
Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chọn năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết gần đây, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao, nhất là: chi phí vay vốn, logistics, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục.
Lãi suất bình quân của Việt Nam hiện là 7-9%, trong khi Trung Quốc chỉ 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2-3%; Nhật Bản 0,95%.
Chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần chi phí vận chuyển từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam; chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4 (39% lợi nhuận làm ra, cao hơn hai lần Singapore).
Tốc độ tăng lương tối thiểu thời gian qua từ 8-12%/năm, đem lại lợi ích cho người lao động, nhưng cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động vốn chỉ đạt 4-5%; doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm với mức 22% mức lương tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động là cao, so với Malaysia chỉ 13%, Philippines 10%.
Chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu tăng trung bình từ 1,5-2 lần so với trước đây; thời gian kéo dài từ 7-10 ngày.
Ngoài ra, 66% doanh nghiệp trong Khảo sát PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2016 xác nhận phải trả các chi phí không chính thức, nhất là trong các thủ tục tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.
Bên cạnh đó, các cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra một lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra.
Việc doanh nghiệp một năm phải tiếp 6-7 đoàn từ thanh tra tới kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức, là một thực tế phổ biến. Những yếu tố này làm doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chán nản và không muốn lớn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, lý giải.
Thật khó vẽ lên một bức tranh đầy đủ về tâm lý chán kinh doanh của các doanh nhân Việt Nam, nhưng những câu chuyện "từ bỏ" mang tính cá nhân hay những con số thống kê, chỉ số kinh doanh tiêu cực có thể thể hiện phần nào. Tất cả những điều đó đang gióng lên hồi chuông báo động...