"Liệu con có nhận ra mẹ không?": Câu hỏi xé lòng của những đứa trẻ vượt ngàn dặm đường để gặp mẹ sau gần một thập kỷ xa cách

J.D/ THIẾT KẾ: THÀNH ĐẠT |

Ana Paredes lao tới, ôm chầm lấy cô bé, mừng mừng tủi tủi. Nhưng Melissa - 10 tuổi, con gái của Paredes - đón nhận điều đó một cách khá hờ hững, trong lần đầu tiên gặp lại mẹ sau 7 năm.

Ana Paredes đi qua lại, lo lắng và hồi hộp, đôi mắt hướng lên thang cuốn đang đưa hành khách tới khu nhận hành lý. Một bé gái xuất hiện, Paredes như vỡ òa. Cô lao tới, ôm chầm lấy cô bé, mừng mừng tủi tủi. Nhưng Melissa - 10 tuổi, con gái của Paredes - đón nhận điều đó một cách khá hờ hững, trong lần đầu tiên gặp lại mẹ sau 7 năm.

"Liệu con có nhận ra mẹ không?" - cô bé hỏi mẹ qua điện thoại trước khi lên máy bay hướng tới Los Angeles, lo lắng tìm hiểu cách để tìm mẹ tại sân bay.

Liệu con có nhận ra mẹ không?: Câu hỏi xé lòng của những đứa trẻ vượt ngàn dặm đường để gặp mẹ sau gần một thập kỷ xa cách - Ảnh 1.

Ana Paredes vỡ òa khi lần đầu tiên gặp lại con gái tại sân bay sau 7 năm xa cách

Đó là ngày 2/4, khi Melissa đến Mỹ, đánh dấu chấm hết cho chặng đường dài 2500 dặm từ Guatemala hồi tháng 2. Cô bé phải tới trước Mexico, đi trên một chuyến tàu đầy hung hiểm qua Rio Grande để tới Texas. Cô phải ở tại một căn nhà tập thể do chính phủ cung cấp trong vài tuần, trước khi được cho phép gặp lại mẹ và 2 anh chị sinh sống tại California.

Paredes nhớ lại, khi cô tạm chia tay Melissa ở Guatemala hồi năm 2014, cô bé vẫn còn là đứa trẻ tươi vui, mới bắt đầu bập bẹ học nói. Còn giờ, cô bước xuống máy bay với mái tóc đen dày búi cao, tự mang theo hành lý, cùng một vẻ chững chạc nhưng cũng đầy xa cách.

6 tháng qua, gần 50.000 đứa trẻ di cư giống Melissa đã tự mình băng qua biên giới phía Tây Nam của Mỹ, trong làn sóng nhập cư bất thường khiến chính phủ Mỹ phải vất vả mở nơi trú ẩn và xác định vị trí thân nhân gia đình của chúng. Khác với các làn sóng trước đó, những đứa trẻ lần này thường bị tạm thời bỏ lại từ nhiều năm trước ở Honduras, Guatemala và El Salvador, khi bố mẹ chúng lên phương Bắc để tìm việc làm. Với chính sách khuyến khích nhập cư của tân Tổng thống Joe Biden, nay họ mới có cơ hội được đoàn tụ.

Liệu con có nhận ra mẹ không?: Câu hỏi xé lòng của những đứa trẻ vượt ngàn dặm đường để gặp mẹ sau gần một thập kỷ xa cách - Ảnh 2.

Chị gái của Melissa ôm chặt đứa em bé nhỏ

Những đứa trẻ xuất hiện đã mang đến vô số những khoảnh khắc vỡ òa trên khắp nước Mỹ, nhưng đồng thời cũng mang tới thách thức không nhỏ cho các bà mẹ như Paredes. Cô đã phải trả hàng ngàn đô để những kẻ buôn người tìm cách vận chuyển con cô tới Mỹ, và giờ phải giúp cô bé hòa nhập với cuộc sống mới chẳng chút nào quen thuộc.

"Tôi buộc phải làm như thế," - Paredes, nay 36 tuổi kể về quyết định rời bỏ con mình tại Guatemala. Cô đã hy vọng rằng gia đình mình sẽ được hưởng lợi từ quyết định đó, khi cô kiếm được tiền và gửi về cho họ.

Liệu con có nhận ra mẹ không?: Câu hỏi xé lòng của những đứa trẻ vượt ngàn dặm đường để gặp mẹ sau gần một thập kỷ xa cách - Ảnh 3.
Liệu con có nhận ra mẹ không?: Câu hỏi xé lòng của những đứa trẻ vượt ngàn dặm đường để gặp mẹ sau gần một thập kỷ xa cách - Ảnh 4.

Paredes là một bà mẹ đơn thân. Khi rời đi, cô không chỉ bỏ lại Melisa (3 tuổi), mà còn hai đứa trẻ lớn hơn, lần lượt là 9 và 6 tuổi. Cô bảo với con rằng mình sẽ trở lại trong 5 năm.

Tới nhà anh trai ở Oxnard, California, cô tìm được một công việc trong công ty mỹ phẩm của nhà Kardashian, đồng thời kiếm thêm thu nhập bằng cách rửa bát thuê cho một nhà hàng vào ban đêm. Tan ca, cô trở về nghỉ ngơi trong căn phòng vốn là một garage ô tô được sửa sang.

"Từ những tháng đầu tiên, tôi đã cố gắng gửi tiền về nhiều nhất có thể cho mẹ và các con" - Paredes chia sẻ. Sau nhiều năm, cô giúp mẹ và các con xây được bếp mới, mua đồ gia dụng và chi phí y tế trị bệnh tim cho mẹ. Những đứa trẻ có thêm quần áo, đồ chơi và được giáo dục đầy đủ. Cô thậm chí còn mua một ngôi nhà nhỏ cách đó không xa, mong một ngày có thể trở về và đoàn tụ cùng gia đình.

Liệu con có nhận ra mẹ không?: Câu hỏi xé lòng của những đứa trẻ vượt ngàn dặm đường để gặp mẹ sau gần một thập kỷ xa cách - Ảnh 5.

Nhưng thời gian trôi, cô lại cảm thấy mình bắt đầu ổn định hơn ở Mỹ. Năm 2019, cô dành dụm được 15.000 đô, gửi về để mang 2 con cả - Kimberly và Yeison (lần lượt 15 và 13 tuổi khi đó) sang Mỹ.

"Tôi nghĩ Melissa vẫn còn quá nhỏ để vượt qua chuyến đi này," - Paredes tâm sự.

Để đảm bảo có đủ thời gian chăm sóc các con, cô quyết định chỉ làm 1 công việc ở trang trại trồng quả mọng, nơi có thể kết thúc ca làm từ rất sớm.

Rồi biến cố ập tới. Ở Guatemala, mẹ của cô yếu dần, qua đời sau đó vài tháng. Melissa vì thế buộc phải chuyển tới sống cùng bác tại một thành phố khác. Theo lời cô bé, người bác "rất hà khắc". Cô bé cũng dần từ chối nghe điện thoại của mẹ bên Mỹ.

Đầu năm 2021 - với chính sách mới của Tổng thống Joe Biden cho phép các gia đình nhập cư đoàn tụ, anh trai của Paredes quyết định mang con gái, con rể và đứa cháu 9 tháng tuổi tới Oxnard. Melissa cũng quyết định làm theo, đồng ý trả 3.400 đô cho những tay buôn lậu để đưa con đến trời Mỹ.

Liệu con có nhận ra mẹ không?: Câu hỏi xé lòng của những đứa trẻ vượt ngàn dặm đường để gặp mẹ sau gần một thập kỷ xa cách - Ảnh 6.

Ngày 14/2, 4 người khởi hành từ Guatemala cùng một đoàn người di cư khác hướng về phía Bắc. Họ - gồm phụ nữ và trẻ em - bị nhồi nhét phía sau một chiếc xe tải, trong khi đàn ông di chuyển cùng xe hàng hóa.

Liệu con có nhận ra mẹ không?: Câu hỏi xé lòng của những đứa trẻ vượt ngàn dặm đường để gặp mẹ sau gần một thập kỷ xa cách - Ảnh 7.

Sau 10 ngày, họ tới biên giới giáp Mexico và Mỹ. Nhưng tại đây, họ bị nhốt chung cùng 100 người di cư khác, chờ đợi đến lượt băng qua sông Rio Grande trên tàu phà.

Nhiều ngày nữa trôi qua. "Tôi khóc rất nhiều. Họ không để chúng tôi đặt một bước ra khỏi nơi đó. Tôi cảm thấy chỉ muốn bỏ trốn" - em dâu của Paredes, chị Marlin Paredes nhớ lại.

Đến lượt vượt sông, Melissa cho biết cô bé phải lặp đi lặp lại trong đầu những gì (được dặn) phải làm. Khi đặt chân lên đất Mỹ, cô phải nhanh chóng tách khỏi người thân, nộp mình cho biên phòng. Cô bé phải nói: "Cháu đến một mình, cháu không biết ai di cư cả". Và khi được hỏi gia đình mình có trên đất Mỹ, cô bé sẽ phải nói tên mẹ, nơi bà đang sinh sống và cả số điện thoại. Tất cả đều phải ghi nhớ.

Theo lời những kẻ buôn lậu căn dặn, đây là cách để đảm bảo cho cô bé được phép ở lại, ngay cả khi những người khác bị trục xuất.

Lúc đi, trời tối đen như mực. Nhóm của Melissa cùng 8 người di cư khác đi theo người dẫn đoàn, với ánh sáng chỉ độc từ chiếc đèn pin của y. Lúc lên bè, họ được hướng dẫn phải quỳ gối, 4 người 1 hàng, tay đặt trước ngực, và phải ngồi im như vậy. Không lâu sau khi bè cập bến, đội biên phòng xuất hiện.

Trong vòng vài giờ, Melissa được đưa lên một chiếc xe tải cùng vài thiếu niên khác. Họ được đưa tới một khu lều trại lớn tại Donna, Texas, nơi dành cho trẻ vị thành niên di cư đang chờ được xử lý.

Melissa nhớ lại, cô bé đọc số điện thoại của mẹ, và một nhân viên đã gọi cho cô Paredes ở Oxnard, thông báo rằng cô bé vẫn an toàn. Đó là ngày 4/3.

Liệu con có nhận ra mẹ không?: Câu hỏi xé lòng của những đứa trẻ vượt ngàn dặm đường để gặp mẹ sau gần một thập kỷ xa cách - Ảnh 8.

Melissa phải ở đây vài ngày. Cô được nhìn thấy bầu trời 2 lần - khi các cô gái rời khỏi trại để phục vụ công việc dọn dẹp. Đồ ăn thì không quá tệ, nhưng không đủ. Vậy nên vào bữa nhẹ, cô bé thường lén lấy thêm vài chiếc bánh để ăn sau, lúc không có ai để ý.

Vài ngày nữa trôi qua. Melissa được chuyển tới một ngôi nhà chuyên nhận trẻ cơ nhỡ, cùng 5 đứa trẻ khác tại Corpus Christi, Texas. Cô bé ở chung phòng với một đứa trẻ 13 tuổi từ El Salvador, và một đứa trẻ 10 tuổi từ Honduras. Có một người phụ nữ nói tiếng Tây Ban Nha lui tới chăm sóc chúng, đưa lũ trẻ đi mua sắm, đi chơi, hoặc đi lễ nhà thờ.

Trong lúc đó tại Oxnard, cô Paredes tất bật chuẩn bị giấy tờ để nhận lại con mình. Qua điện thoại, Melissa cho biết mình vẫn ổn, dù đã quá chán nản với những bộ phim xem trên TV. Nhưng khi con được khám tâm lý bắt buộc, cô như sụp đổ khi biết Melissa đã đôi lần ước rằng mình có thể chết.

Liệu con có nhận ra mẹ không?: Câu hỏi xé lòng của những đứa trẻ vượt ngàn dặm đường để gặp mẹ sau gần một thập kỷ xa cách - Ảnh 9.

Phải đến cuối tháng 3/2021, Paredes mới nhận được thông báo mọi điều kiện đã được hoàn tất. Những gì cô phải làm chỉ là trả 1.400 đô tiền vé máy bay cho Melissa, cùng chi phí hộ tống cô bé về với mình.

"Lúc đó con bao nhiêu tuổi, khi mẹ rời đi ấy? Giờ con không thể nhớ ra mẹ nữa," - Melissa hỏi mẹ qua điện thoại. Paredes như vụn vỡ.

"Con sẽ nhận ra mẹ thôi," - cô nói vậy với con. "Mẹ con mình sẽ bù đắp được khoảng thời gian đó."

Liệu con có nhận ra mẹ không?: Câu hỏi xé lòng của những đứa trẻ vượt ngàn dặm đường để gặp mẹ sau gần một thập kỷ xa cách - Ảnh 10.

Tại Oxnard, Melissa được chào đón nồng hậu bởi anh chị mình cùng gia đình người thân. Căn phòng chào đón cô bé được trang hoàng bằng bóng bay và một tấm băng rôn với dòng chữ: "Chào mừng em gái. Tụi anh thương em nhiều lắm".

Melissa ngủ chung với mẹ. Một đêm nọ, cô Paredes lấy hết can đảm để hỏi con, rằng tại sao con từ chối nói chuyện với cô sau khi 2 anh chị được đưa đi khỏi Guatemala.

"Con nghĩ mẹ bỏ con luôn rồi, không bao giờ mang theo nữa" - Melissa đáp lại.

"Mẹ chẳng bao giờ có ý muốn bỏ con cả" - cô nghẹn ngào.

Giống như những trường hợp nhập cư trái phép khác, Melissa đang được đưa vào diện xem xét trục xuất. Gia đình cô bé hy vọng cô được cho phép ở lại. Còn trường học, họ cho biết tốt nhất hãy chờ đến mùa thu để Melissa được đi học, nhưng Paredes quyết định đăng ký cho con đi học bóng đá để dễ kết bạn hơn.

Liệu con có nhận ra mẹ không?: Câu hỏi xé lòng của những đứa trẻ vượt ngàn dặm đường để gặp mẹ sau gần một thập kỷ xa cách - Ảnh 11.

Trong buổi tập gần nhất, cô bé giữ khoảng cách với những đứa trẻ khác, vẻ ngoài tỏ ra rất căng thẳng. Kết thúc buổi tập, cô bé tiến về phía mẹ, và Paredes kéo cô vào lòng, ôm chặt, hôn một cái thật kêu, tràn đầy tình yêu thương.

Liệu con có nhận ra mẹ không?: Câu hỏi xé lòng của những đứa trẻ vượt ngàn dặm đường để gặp mẹ sau gần một thập kỷ xa cách - Ảnh 12.
Liệu con có nhận ra mẹ không?: Câu hỏi xé lòng của những đứa trẻ vượt ngàn dặm đường để gặp mẹ sau gần một thập kỷ xa cách - Ảnh 13.
Liệu con có nhận ra mẹ không?: Câu hỏi xé lòng của những đứa trẻ vượt ngàn dặm đường để gặp mẹ sau gần một thập kỷ xa cách - Ảnh 14.

"Đây là tiệc sinh nhật đầu tiên của con bé" - mẹ cô giải thích. Cô sau đó phải kéo nhân vật chính đang ngại ngùng ra trước chiếc bánh kem, nơi tất cả mọi người ở đó và cùng nhau hô to: "Chúc mừng sinh nhật".

Cô bé thổi một lượt 11 chiếc nến, mỉm cười.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại