Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố thông tin chính thức về các công dân Liên Xô thiệt mạng tại Cuba trong thời kỳ khủng hoảng tên lửa trầm trọng tại Caribe.
Trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Số lượng chính xác về tổn thất của quân đội Xô Viết trong chiến dịch này không được công bố chính thức. Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng, tính từ ngày 1/8/1962 đến ngày 16/8/1964, đã có 64 người dân Liên Xô thiệt mạng tại Cuba".
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày Liên Xô chuyển giao tên lửa đầu tiên cho Cuba trong khuôn khổ Chiến dịch Anadyr, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố dữ liệu này.
Chiến dịch Anadyr
Bộ Quốc phòng nhắc lại một số chi tiết của chiến dịch bí mật này. Theo đó trong khuôn khổ hoạt động vào năm 1962, các đơn vị chiến đấu của quân đội và vũ khí của Liên Xô, trong đó có cả tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân, đã được chuyển tới Cuba.
Người khởi xướng ý tưởng chuyển đến Cuba tên lửa tầm trung với đầu đạn hạt nhân chính là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ Nikita Khrushchev.
Động thái này là một phản ứng trước hành động của Hoa Kỳ, khi đó muốn lật đổ chế độ chống Mỹ của ông Fidel Castro mới được thành lập trên quốc đảo nằm chỉ cách biên giới Hoa Kỳ 200 km. Cũng như phản ứng trước việc Hoa Kỳ triển khai hàng chục tên lửa ở Ý và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào tháng 7/1962, ngay lập tức các trang thiết bị và vũ khí quân sự được đưa lên các tàu tại một số cảng của Liên Xô. Bộ Quốc phòng lưu ý: "Thực tế các tàu được gửi tới 11 cảng Cuba và chỉ sau khi qua Gibraltar thì các thuyền trưởng mới được biết các hướng dẫn bí mật".
Đến ngày 24/10, 36 tên lửa R-12 và 36 đầu đạn hạt nhân đã được chuyển tới Cuba. Ngoài ra có 24 đầu đạn hạt nhân dành cho tên lửa R-14 cũng được chuyển tới hòn đảo này, nhưng do sự phong tỏa của người Mỹ nên số đầu đạn này không đến được đích.
Kể từ ngày 18/9, các tàu chiến Mỹ đã thường xuyên yêu cầu các tàu Liên Xô phải xuất trình giấy tờ hàng hóa được vận chuyển.
Ngày 16/10, Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy và bộ chỉ huy quân đội tối cao Hoa Kỳ đã biết đến việc triển khai tên lửa nói trên. Đây chính là thời khắc đếm ngược của cuộc khủng hoảng Caribe.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Adlai Stevenson trình bày các bức ảnh chụp các tên lửa ở Cuba cho Liên Hiệp Quốc xem vào tháng 11 năm 1962. |
Cuộc khủng hoảng Caribe
Thuật ngữ "cuộc khủng hoảng Caribe" ám chỉ cuộc đối đầu gay gắt nhất giữa Nga và Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, mà nguy cơ của nó có thể dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân toàn diện.
Sau khi Tổng thống Kennedy biết đến việc tên lửa của Liên Xô đang ở Cuba, các cố vấn đưa ra cho ông ba lựa chọn: tiêu diệt vũ khí bằng cách tấn công chính xác vào các mục tiêu nhỏ, phát động một chiến dịch quân sự toàn diện ở Cuba hoặc sắp đặt một cuộc phong tỏa hải quân trên hòn đảo. Tổng thống đã chọn phương án thứ hai.
Trên sóng truyền hình quốc gia hôm 22/10, nhà lãnh đạo Mỹ đã tuyên bố về quyết định của mình. Cuba đã bị 180 tàu của Hải quân Hoa Kỳ bao vây. Họ được lệnh không nổ súng vào tàu Liên Xô, trừ khi có sự chỉ đạo của ông Kennedy.
Kể từ ngày 23/10, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu tổ chức các cuộc họp khẩn cấp. Ngày 25/10, Đại sứ Mỹ Adlai Stevenson đã cố gắng chất vấn đại sứ Liên Xô Valerian Zorin phải trả lời câu hỏi, liệu có hay không việc Moscow đã và đang tiếp tục đặt tên lửa ở Cuba.
"Ông không cần chờ bản dịch đâu! Có hay là không?" ông Stevenson hỏi dồn.
Ông Zorin đáp trả: "Tôi không phải đang có mặt trong một tòa án Hoa Kỳ và do đó tôi không muốn trả lời câu hỏi với giọng điệu của một công tố viên. Bao giờ đến lúc, các ông sẽ nhận được câu trả lời".
Sau đó, hình ảnh Liên Xô phóng tên lửa tại Cuba đã được đưa vào hội trường.
Lúc này, phía Liên Xô và Mỹ đã tiến hành các cuộc đàm phán. Trong một bức thư vào ngày 26/10, ngài Khrushchev đã đưa ra cho Tổng thống Kennedy điều kiện để tháo dỡ tên lửa.
Ngày 27/10 đã vào lịch sử như là "ngày thứ bảy đen tối" của cuộc khủng hoảng Caribe. Vào ngày này, quân đội Liên Xô đã phá hủy một chiếc máy bay U-2 của Hoa Kỳ trên bầu trời Cuba, phi công lái máy bay đã thiệt mạng. Người ta tin rằng ngày này chính là ngày thế giới gần nhất với một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Tuy nhiên, đến 28/10 các bên đã đạt được thỏa thuận về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột: Liên Xô cam kết rút tên lửa của mình để đổi lấy một bảo đảm Mỹ không can thiệp vào công việc của Cuba.