Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở Anh trong chuyến thăm 3 ngày cấp nhà nước tới “xứ sở sương mù”. Ngày 4/6 (theo giờ địa phương), ông Trump sẽ hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Theresa May. Dự kiến, 2 nội dung chính được đem ra bàn thảo đều liên quan tới Trung Quốc.
Chuyến thăm bất ngờ
Trong bối cảnh chính trị Anh diễn biến phức tạp vì vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và tỉ lệ ủng hộ ông Trump tại Anh ở mức thấp, chuyến thăm Anh của ông Trump đã bị trì hoãn trong thời gian dài.
Nhưng sau khi bà May tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 7/6 vì không thể đưa đất nước đạt thỏa thuận Brexit, chuyến thăm bất ngờ được tiến hành với những nghi lễ trang trọng nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
Một bất ngờ nữa là trước chuyến thăm, ông Trump đưa ra nhiều phát biểu có thể bị nhìn nhận như chỉ dấu can dự vào công việc nội bộ nước chủ nhà.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Trump nồng nhiệt ca ngợi Boris Johson, người đang nhăm nhe ghế Thủ tướng thay bà May, cho rằng cựu Ngoại trưởng Anh sẽ rất xuất sắc trong vị trí này. Bên cạnh đó, ông Trump cũng kêu gọi tân Thủ tướng Anh nên cử Nigel Farage, một chính trị gia ủng hộ Brexit tuyệt đối, tham gia thương lượng với Liên minh châu Âu (EU) về Brexit.
Dự kiến trong cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng sắp mãn nhiệm Theresa May, ông Trump sẽ đề cập tới vấn đề Brexit.
Quan điểm của ông Trump về Brexit có thể nói khá rõ ràng. Trước chuyến thăm, ông chủ Nhà Trắng từng bỏ qua “cấm kị” ngoại giao, bày tỏ quan điểm ủng hộ những ứng cử viên kế nhiệm bà May đã tuyên bố Anh phải rời khỏi EU vào ngày 31/10, dù có đạt được thỏa thuận hay không.
Trước đó, Quốc hội Anh đã 3 lần bác bỏ thỏa thuận mà bà May đạt được với EU năm 2018, buộc London phải dời ngày Brexit đến trễ nhất là 31/10/2019 thay vì 29/03/2019 như dự kiến ban đầu.
Cuộc tranh luận Brexit rõ ràng đã khiến nước Anh rơi vào mớ bùng nhùng khó gỡ và sự xuất hiện của ông Trump ở London dường như phát đi tín hiệu về mối quan hệ đặc biệt Mỹ-Anh, như một quan chức cấp cao Nhà Trắng từng nói, đó là “ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất khi bạn phải đối mặt với hỗn loạn chính trị… chúng ta cần kề vai sát cánh bên nhau”.
Sau khi khi từ chức vào ngày 6/7, bà May trở thành một trong những Thủ tướng Anh tại nhiệm ngắn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II.
Nhân vật được coi là có triển vọng nhất hiện nay chính là Boris Johnson, người ủng hộ Brexit hết mình, được ông Trump ca ngợi hết lời, thậm chí có thể gặp gỡ trong thời gian ở Anh. Nếu các tham số này đủ giúp Anh giải bài toán Brexit thì sau khi rời khỏi EU, Anh sẽ càng phụ thuộc và xích lại gần Mỹ trong vấn đề thương mại cũng như những sự vụ quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Express.
Nhân tố Trung Quốc đằng sau
Quả thực, đối với Mỹ, đây là cơ hội làm nồng thắm thêm mối quan hệ đặc biệt với Anh. Việc này rất quan trọng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang và trước đó vì vấn đề Brexit giậm chân tại chỗ, kinh tế Anh đối mặt với viễn cảnh ảm đạm đã mang tới cho Trung Quốc cơ hội tăng cường quan hệ với Anh.
Sau này, khi Anh rời khỏi EU, ký hiệp định thương mại với Mỹ, đương nhiên Mỹ sẽ trở thành chỗ dựa cho Anh, đồng thời ngăn chặn được khả năng Anh nghiêng về Trung Quốc.
Một nghị sự khác rất quan trọng cũng liên quan tới Trung Quốc là vấn đề Huawei. Truyền thông từng đưa tin Anh có kế hoạch để Huawei tham gia ở mức độ giới hạn vào việc xây dựng mạng 5G ở nước này.
Trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến thăm, ông Trump kêu gọi Anh cần phải hết sức cẩn trọng khi để Huawei tham gia xây dựng mạng 5G. Ông Trump còn nói Anh có thể có lựa chọn khác do Mỹ và Anh tồn tại mối quan hệ chặt chẽ, hai nước có tổ chức thu thập thông tin tình báo hết sức quan trọng.
Tổ chức mà ông Trump đề cập rất có thể là nhóm Five Eyes, được thành lập theo một nghị quyết đa phương 50 năm trước với mục đích chia sẻ tin tình báo, gồm 5 nước Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada.
Hoạt động can thiệp của nước ngoài là trọng tâm nhóm nhắm đến. Ngoài Trung Quốc, Nga cũng là đối tượng Five Eyes muốn đối phó. Mỹ từng cảnh báo việc Anh cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G có thể cản trở việc chia sẻ thông tin tình báo giữa 2 đồng minh trong Five Eyes.
Cho nên, khó có chuyện phía Mỹ không gia tăng sức ép đối với chính quyền Anh, khiến Huawei “bật bãi” khỏi nước này.
Theo các nhà quan sát, sau khi chiến tranh thương mại bùng nổ, Trung Quốc ra sức sửa chữa và củng cố quan hệ với Nhật Bản, châu Âu để tập trung đối phó Mỹ.
Việc Trung Quốc mời tàu chiến Nhật Bản tham gia hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc hồi tháng 4/2019 và lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn liên tục tới thăm châu Âu cho thấy rõ ý đồ này.
Cùng thời gian đó, ông Trump lần lượt tới thăm Nhật Bản và Anh, hai đồng minh chủ chốt của Mỹ ở 2 châu lục, rõ ràng là nhằm cạnh tranh sức ảnh hưởng địa chính trị với Trung Quốc.
Chuyến thăm Anh của ông Trump nhuốm màu lôi kéo London về ngoại giao để phối hợp ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nếu đặt nó bên cạnh chuyến thăm Nhật Bản trước đó của ông Trump, có thể thấy Mỹ còn muốn tạo ra những liên kết ngang dọc xuyên châu lục để cô lập Trung Quốc.
Trong thời gian ông Trump ở Nhật Bản, Tokyo tuyên bố từ tháng 8 sẽ hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các công ty hay doanh nghiệp công nghệ cao của nước này, trong đó có công nghệ thông tin.
Thông báo này được đưa ra hơn một tuần sau khi Chính phủ Mỹ quyết định cấm các doanh nghiệp trong nước cung cấp linh kiện cho Huawei vì các lý do an ninh, đồng thời đưa công ty này vào danh sách các doanh nghiệp mà các công ty và doanh nghiệp Mỹ phải xin phép trước khi giao dịch.
Cho nên, dù không chỉ rõ, dư luận cho rằng Mỹ đang phối hợp với đồng minh ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ.