Cụ thể, trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu đã và đang làm thay đổi thời gian lũ lụt ở các con sông ở châu Âu trong vòng 50 năm qua.
Nước lũ trên các con sông xuất hiện sớm vào mùa xuân ở phía Tây, Đông Bắc và một số khu vực ở bờ biển Địa Trung Hải.
Reuters trích số liệu của Liên Hợp Quốc cho hay, lũ lụt trên các con sông gây ảnh hưởng đến nhiều người trên toàn thế giới hơn bất kỳ thảm họa tự nhiên nào khác, với ước tính thiệt hại trung bình hàng năm là khoảng 104 tỷ USD.
Lũ trên sông gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Ảnh: BH Landeck
Theo các nhà nghiên cứu, con số thiệt hại này dự kiến sẽ tăng lên do tình trạng tăng trưởng kinh tế và biến đổi khí hậu. Do đó, việc dự đoán chính xác hoặc gần sát thời điểm lũ xảy ra có thể giúp hạn chế thiệt hại cho con người và của cải.
Để tìm kiếm lời giải đáp cho bài toán lũ lụt, Giáo sư Günter Blöschl tại Đại học Công nghệ Vienna ở Áo và các cộng sự đã tiến hành phân tích những dữ liệu thu thập được từ hơn 4.200 trạm thủy văn ở 38 quốc gia ở châu Âu trong khoảng thời gian từ 1960 – 2010.
Các nhà khoa học tiến hành phân tích dữ liệu về thời gian xảy ra lũ ở châu Âu trong 50 năm qua. Ảnh: AAAS
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng so sánh lượng mưa, độ ẩm của đất và các số liệu thu được về nhiệt độ nhằm tìm ra những tiềm ẩn cho sự thay đổi của lũ lụt.
Từ đó, Blöschl cho hay, những thay đổi đáng kể xảy ra ở khu vực Tây Âu, dọc theo bờ biển Bắc Băng Dương từ Bồ Đào Nha đến Anh, nơi mà 50 % các trạm thủy văn ghi nhận sự thay đổi về lũ trên những con sông sớm hơn ít nhất 15 ngày trong suốt 50 năm qua.
"Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến thời gian lũ lụt ở những quốc gia châu Âu theo những cách khác nhau", Blöschl nhận định.
Bằng chứng cụ thể nhất là ở khu vực Đông Bắc châu Âu, bao gồm phía Tây nước Nga, những quốc gia vùng Baltic và Bắc Âu, nơi tuyết tan sớm vào đầu mùa xuân. Nghiên cứu chỉ ra, những trận lũ lớn vào mùa này thường kéo dài sớm hơn 8 ngày trong năm 1960.
Trong khi đó, ngược lại thì lũ lụt lại xảy ra muộn hơn vài ngày ở xung quanh khu vực Biển Bắc và các khu vực Địa Trung Hải do những cơn bão chậm trễ vào mùa đông.
Những nhà khoa học cho rằng, sự thay đổi thất thường này có thể là do hiện tượng băng tan ở Bắc Cực.
Nghiên cứu về thời gian xảy ra lũ có thể hé mở về khả năng dự báo lũ lụt và phát hiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ảnh: Science
Louise Slater, chuyên gia về lũ lụt tại Đại học Loughborough (Anh) cho hay: "Nếu không có sự thích ứng, những thay đổi về mùa lũ có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sự an toàn của cơ sở hạ tầng, sản xuất thủy điện, cung cấp và quản lý nước.
Nghiên cứu này sẽ là một gợi mở cho những câu hỏi quan trọng về khả năng dự báo lũ lụt".
Theo Sergio Castellari, chuyên gia về lũ lụt tại Cơ quan Môi trường châu Âu, người không tham gia nghiên cứu nhận định, nghiên cứu về thời gian ngập lụt hứa hẹn sẽ là "bước đột phá" để phát hiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Từ trước đến nay, các nghiên cứu về khí hậu thường tập trung vào việc mức độ thay đổi nghiêm trọng của lũ lụt nên thường bị sai lệch do các yếu tố khác ngoài nhiệt độ tăng cao như liên quan đến việc phát thải khí nhà kính do con người gây ra.
Việc nghiên cứu và phân tích những dữ liệu về lũ lụt suốt 50 năm qua có thể sẽ hé lộ những chuyển biến và ảnh hưởng rõ rệt hơn của biến đổi khí hậu.
Nguồn: Reuters, Dailymail