Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Csaba Kőrösi một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quyền phủ quyết đã và đang tác động đến thế giới như thế nào. Ông kêu gọi các nước thành viên có thể cùng nhau tìm kiếm một giải pháp hợp lý nhất cho vấn đề quyền phủ quyết.
“Tôi hi vọng rằng các thành viên Hội đồng Bảo an có thể hợp tác với nhau, cùng tìm kiếm một giải pháp chung. Bỏ lợi ích sang một bên, hãy hành động có trách nhiệm vì hòa bình trên thế giới. Đó là cách chúng ta sẽ không bao giờ phải sử dụng đến quyền phủ quyết”, ông Kőrösi nói.
Một phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters
Kể từ khi Liên Hợp Quốc được thành lập tháng 10/1945, cơ quan quyền lực nhất của tổ chức này chính là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, gồm 10 ủy viên không thường trực và 5 ủy viên thường trực, với chức năng quan trọng nhất là đưa ra các quyết định nhằm duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.
Các quyết định của Hội đồng Bảo an có tính ràng buộc pháp lý với mọi thành viên Liên Hợp Quốc và chỉ được thông qua nếu có 9 phiếu thuận, đồng thời không nước nào trong 5 ủy viên thường trực sử dụng quyền phủ quyết.
Cơ chế phủ quyết trực tiếp dẫn tới thế bế tắc của Hội đồng Bảo an trong nhiều vấn đề lớn của thế giới khi một hoặc nhiều nước ủy viên sử dụng quyền lực này. Một minh chứng sinh động nhất cho vấn đề quyền phủ quyết là tình hình chiến sự tại Ukraine.
Kể từ khi chiến sự bùng phát ngày 24/2 năm ngoái, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức hàng chục phiên họp công khai về tình hình Ukraine. Nhưng sau hơn 1 năm, cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp quốc vẫn không thể thông qua một nghị quyết nào giúp tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột. Điều này cho thấy sự bế tắc của Hội đồng Bảo an trong những tình huống khẩn cấp, bởi 5 ủy viên thường trực nắm trong tay quyền phủ quyết có thể ngăn cản mọi quyết định của cơ quan này.
Đã có không ít quốc gia yêu cầu cải tổ Hội đồng Bảo an để hạn chế việc 5 nước thường trực sử dụng quyền phủ quyết.
Trong cuộc họp ngày 26/4, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Csaba Kőrösi đã kêu gọi đưa vấn đề này ra thảo luận tại các phiên họp của Liên Hợp Quốc: “Những cuộc tranh luận của chúng ta là cơ hội chưa có tiền lệ để biến lý tưởng thành hiện thực. Chúng ta gặp nhau không phải chỉ bàn về vấn đề cải cách Hội đồng Bảo an, không phải để các nước chống nhau. Chúng ta có mặt ở đây để tìm ra cách tốt nhất khai thác công cụ mới trong bộ công cụ rộng lớn hơn của Liên Hợp Quốc”.
Trước đó, ít ngày, trong cuộc thảo luận về chủ đề: “Cách thức làm cho chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn thông qua việc bảo vệ Hiến chương Liên Hợp Quốc”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng nhấn mạnh rằng quyền phủ quyết đang gây căng thẳng giữa các cường quốc trên thế giới. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò và hoạt động của tổ chức đa phương này. Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cạnh tranh giữa các quốc gia là điều khó tránh khỏi song điều quan trọng là không được phép để cạnh tranh tước đi cơ hội hợp tác trong những vấn đề vì lợi ích chung.
“Chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng đan xen là chưa có tiền lệ. Kể từ khi thành lập Liên Hợp Quốc, hệ thống đa phương hiện nay đang ở trong tình trạng căng thẳng hơn bao giờ hết. Căng thẳng giữa các cường quốc đang ở mức cao trong lịch sử. Vì lợi ích chung, chúng ta không được phép để cạnh tranh giữa các quốc gia tước đi cơ hội hợp tác”, ông Guterres nhấn mạnh.
Thống kê cho thấy, tính đến nay, Mỹ đã hơn 80 lần sử dụng quyền phủ quyết, tiếp theo là Anh với hơn 30 lần. Trung Quốc và Pháp cùng có gần 20 lần phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Trong khi đó, Nga đã phủ quyết tổng cộng hơn 120 dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an./.