Trung Quốc ưu tiên giải quyết khó khăn trong nước
Khi ông Lý Cường được bổ nhiệm làm thủ tướng Trung Quốc vào tháng 3/2023, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vừa mới mở biên giới trở lại sau ba năm phong tỏa vì Covid-19.
Ông Lý, 64 tuổi, trải qua năm đầu tiên làm Thủ tướng trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục đưa ra những cảnh báo khắt khe về môi trường phức tạp chưa từng có vào thời điểm đó.
Vào tháng 5/2023, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các quan chức chuẩn bị cho "những tình huống tồi tệ và khắc nghiệt nhất" để có thể đối phó với "gió to, sóng lớn và thậm chí cả giông bão nguy hiểm".
Theo một thống kê của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), so với người tiền nhiệm Lý Khắc Cường, Thủ tướng Lý Cường đã tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trong nước trong năm đầu tiên nhậm chức, giảm bớt các vấn đề đối ngoại.
Tính từ giữa tháng 3 năm ngoái, khi ông Lý Cường tuyên thệ nhậm chức thủ tướng cho đến nay, ông đã dành nhiều thời gian hơn cho các chuyến thị sát trong nước để thu thập thông tin trực tiếp trên thực địa.
Vì thế, ông đã xuất hiện ít hơn đáng kể tại các cuộc họp quốc tế và dành ít thời gian ở nước ngoài hơn trong cùng khoảng thời gian giữ chức Thủ tướng như người tiền nhiệm.
Các nhà phân tích cho rằng, mô hình này phản ánh sự điều chỉnh về quyền lực và phạm vi của vai trò Thủ tướng Trung Quốc, đồng thời cho thấy các ưu tiên công việc đã thay đổi: Ưu tiên giải quyết khó khăn kinh tế trong nước.
"Trở lại năm 2013, mối quan hệ với Mỹ vẫn chưa khó khăn như bây giờ và nền kinh tế trong nước của Trung Quốc ít vấn đề hơn ngày nay", Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại King's College London Kerry Brown nói.
Theo ông Brown, Thủ tướng phải thực sự tập trung vào các vấn đề trong nước vì chúng có hệ quả và quan trọng nhất vào thời điểm hiện tại.
SCMP cho hay, tong thời gian qua kể từ khi tuyên thệ nhậm chức, ông Lý Cường đã tham dự 140 sự kiện gặp gỡ các vị khách nước ngoài ở trong và ngoài nước.
Con số này ít hơn 163 cuộc họp mà ông Lý Khắc Cường tham dự trong cùng kỳ 5 năm trước và 219 cuộc họp cách đây một thập kỷ trong năm đầu tiên ông làm thủ tướng bắt đầu từ tháng 3/2013.
Trong số các cuộc gặp quốc tế của ông Lý Cường, 48 cuộc gặp - tức khoảng 1/3 - diễn ra bên ngoài Trung Quốc. Trong khi đó, ông Lý Khắc Cường đã tổ chức khoảng một nửa số cuộc gặp quốc tế bên ngoài Trung Quốc trong năm đầu tiên của cả hai nhiệm kỳ.
Thủ tướng đương nhiệm Trung Quốc đã thực hiện 4 chuyến công du nước ngoài trong năm qua, trong đó chuyến đi đầu tiên tới Đức và Pháp.
Ông đã tham dự 48 sự kiện trong những chuyến đi này – ít hơn 93 sự kiện mà người tiền nhiệm đã thực hiện trong 4 chuyến đi cách đây 5 năm và 96 sự kiện cách đây một thập kỷ.
Các chuyến công du quốc tế của Thủ tướng Lý Cường cũng ngắn hơn và ít đa dạng hơn so với người tiền nhiệm.
Tuy nhiên, ông Lý Cường đã hiện diện nhiều hơn tại một số sự kiện ngoại giao đặc biệt. Ông đại diện cho Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc họp G20 ở New Delhi vào tháng 9/2023, khiến ông trở thành thủ tướng Trung Quốc đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Tại đây, ông đã có cuộc hội đàm ngắn với các nhà lãnh đạo nước ngoài, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, bên lề sự kiện.
Tăng cường thị sát địa phương
Thủ tướng Lý Cường dành nhiều thời gian hơn trong các chuyến thị sát ở Trung Quốc. Ông đã dành 34 ngày để thực hiện 18 chuyến thị sát kể từ tháng 3, tới thăm 19 tỉnh và thành phố.
Con số này cao hơn nhiều so với 17 ngày cố Thủ tướng Lý Khắc Cường dành cho 10 chuyến thị sát cách đây 5 năm và 23 ngày cho 11 chuyến thị sát trong năm đầu tiên giữ chức Thủ tướng.
Điểm dừng chân đầu tiên của ông Lý Cường trên cương vị Thủ tướng là vào tháng 3/2023 tại tỉnh Hồ Nam để tham quan các nhà máy sản xuất xe điện, đầu máy xe lửa tốc độ cao và máy móc xây dựng.
Trong chuyến đi tới Thượng Hải vào tháng 7/2023, ông Lý Cường đã tổ chức một cuộc gặp với 8 lãnh đạo tỉnh trong hai ngày thị sát khu thương mại tự do của thành phố. Và chuyến đi gần đây nhất của ông là tới tỉnh Sơn Tây trong tháng này để thăm các công ty sản xuất công nghệ cao.
Hình thức dành nhiều thời gian hơn cho các chuyến thị sát này diễn ra sau một đợt tìm hiểu thực tế trên toàn quốc được phát động vào tháng 3, lặp lại cam kết mà ông Lý Cường đưa ra trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị Thủ tướng.
Vào thời điểm đó, ông cho biết sẽ chỉ đạo các quan chức chính phủ thực hiện nhiều nghiên cứu thực địa hơn và thu hút phản hồi của công chúng thay vì “ngồi trong văn phòng”.
Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore Shan Wei cho biết, ông Lý Cường nhìn chung đã được trao “mức độ ủy quyền cao hơn” và “có nhiều không gian hơn cho các quyết định tự chủ” về các vấn đề kinh tế và xã hội.
Nhưng ông có ít sự hiện diện hơn trong các vấn đề khác, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến đối ngoại.
Giáo sư tại Trường Harvard Kennedy Rana Mitter cho biết việc phục hồi nền kinh tế trong nước là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc.
"Theo truyền thống, thủ tướng thường đặt kinh tế lên hàng đầu và với xuất thân ở Thượng Hải khiến ông nổi tiếng đặc biệt là thân thiện với doanh nghiệp. Đó có thể là lý do tại sao ông [Lý Cường] dường như rất tích cực trong các lĩnh vực liên quan đến phục hồi kinh tế. Mặc dù du lịch quốc tế rất quan trọng nhưng nền kinh tế trong nước hiện nay có thể được coi là ưu tiên lớn hơn", ông Mitter nói.
Theo chuyên gia Mỹ, do môi trường trong nước và quốc tế khác nhau nên ông Lý Cường và người tiền nhiệm đối mặt với các vấn đề khác nhau.