Libya leo thang: Cuộc chiến ở Sirte và căn cứ không quân Al-Jafra quyết định tình hình

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Thành phố Sirte và căn cứ không quân chiến lược Al-Jafra đang trở thành tâm điểm của cuộc xung đột và có thể là trận đánh cuối cùng giữa các bên tham chiến.

01.

Cuộc chiến ở Libya đang được quốc tế hóa

Chính phủ hoà hợp dân tộc (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuận và Quân đội quốc gia Libya (LNA) được Ai Cập hỗ trợ đang ráo riểt chuẩn bị cho cuộc đối đầu quân sự

Ngày 12/7/2020, các lực lượng của Chính phủ hoà hợp dân tộc (GNA) do Tổng thống Fayez Al-Sarraj đứng đầu tuyên bố sẽ tăng cường hệ thống phòng thủ và sẵn sàng khai hoả mở một cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát Sirte, căn cứ không quân chiến lược Al-Jafra khi có lệnh của lãnh đạo cấp trên.

Trước đó, các nhà chỉ huy chiến dịch "Núi lửa thịnh nộ" của Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn ủng hộ GNA, tuyên bố các vị trí xung quanh thành phố Sirte là khu vực chiến sự.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói, việc chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự ở Sirte đang được gấp rút tiến hành và chính phủ GNA sẽ mở cuộc tấn công nếu trong trường hợp các lực lượng của Haftar không chịu rút khỏi thành phố. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng, giải pháp chính trị là giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột Libya và ra điều kiện các lực lượng LNA phải rút khỏi Sirte và Al-Jafra thì mới thảo luận về một lệnh ngừng bắn.

Về phần mình, quân đội LNA của thống soái Khalifa Haftar nói, họ đã hoàn thành việc triển khai lực lượng, trong đó có các hệ thống phòng không hiện đại S-300 và tên lửa Buk để bảo vệ thành phố Sirte, căn cứ Al-Jafra, khu vực phía Đông và biên giới giáp với Ai Cập. Việc triển khai các hệ thống này là nhằm mục đích đánh chặn các máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cung cấp cho chính phủ GNA của Tổng thống Fayez Al-Sarraj.

Các nhà chỉ huy quân sự LNA tuyên bố, lực lượng của họ đang nóng lòng chờ đợi quân của Thổ Nhĩ Kỳ đến bất cứ lúc nào và khẳng định sẵn sàng chiến đấu đập tan bất cứ cuộc xâm lược nào.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 14/7/2020, Quốc hội do LNA kiểm soát ở Tobruk thuộc miền Đông Libya đã tuyên bố bật đèn xanh cho các lực lượng vũ trang Ai Cập đưa quân vào Libya để ngăn chặn sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố của Quốc hội Tobruk coi sự chiếm đóng của Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe doạ trực tiếp đối với Libya và các nước láng giềng, trược hết là Ai Cập, đồng thời kêu gọi quân đội Ai Cập can thiệp để bảo vệ an ninh quốc gia chung của hai nước và khôi phục lại an ninh, ổn định ở khu vực.

Trong khi đó, quân đội Ai Cập đã mở cuộc tập trận quy mô lớn mang tên "Quyết định-2020" trên khu vực biên giới giáp với Libya. Trước đó, ngày 20/6/2020, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah Al-Sisi Ai Cập là nước ủng hộ thống soái K. Haftar tuyên bố thành phố Sirte nằm cách Tripoli 450 km về phía Đông và căn cứ quân sự Al-Jafra nằm ở miền Nam Libya là làn ranh đỏ đối với Cairo.

02.

Khả năng đối đầu quân sự trực tiếp Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ

Trong tình hình các bên tập trung quân lớn và đặt các lực lượng của mình trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu như vậy, không ai có thể loại trừ được khả năng bùng nổ một cuộc đối đầu quân sự giữa LNA và GNA, giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giành quyền kiểm soát thành phói Sirte và căn cứ quân sự Al-Jafra.

Tuy nhiên, một cuộc chiến như vậy sẽ không thể phân thắng bại, chỉ làm cho cuộc khủng hoảng Libya trở nên phức tạp hơn, không góp phần tìm ra giải pháp và các bên xung đột đều sẽ phải gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề.

Libya leo thang: Cuộc chiến ở Sirte và căn cứ không quân Al-Jafra quyết định tình hình - Ảnh 4.

Trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu quân sự với Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổn thất lớn không lường trước được. Ankara sẽ phải tiêu tốn một khoản tài chính khổng lồ để đảm bảo các tuyến tiếp tế và hậu cần bằng lực hải quân và không quân, do khoảng cách tới Libya dài hơn 2.000km theo đường chim bay, phải vượt qua biển Địa Trung Hải.

Mặt khác, phát động bất cứ một hành động quân sự nào với Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối đầu với các Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), Nga là những nước ủng hộ LNA của thống soái K. Haftar. Chưa nói đến hầu hết các nước Ả Rập ở mức độ này, mức độ khác sẽ đứng về phía Ai Cập vì vẫn còn hận thù với hàng thế kỷ đô hộ của đế chế Ottoman trước đây. Người Ả Rập vẫn coi Thổ Nhĩ Kỳ có tham vọng bành trướng và âm mưu khôi phục lại sức mạnh của đế chế Ottoman. Mỹ và các thành viên NATO khác không ủng hộ Ankara do bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều vấn đề.

Trong khi đó, Ai Cập ở sát nách Libya, với thiết bị quân sự tiên tiến, tiềm lực và kinh nghiệm quân sự lớn, có thể dễ dàng tiếp cận mục tiêu ở cả đường bộ, đường biển và đường không, tạo điều kiện dễ dàng để hình thành các tuyến phòng thủ liên hoàn với nhiều cấp độ và tầng lớp khác nhau.

Nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng, Ai Cập đe doạ can thiệp vào Libya với mục đích chính là nhằm răn đe, kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân về phía mặt trận Sirte-Jafra. Hơn nữa Cairo đang phải tập trung giải quyết cuộc xung đột với Ethiopia xung quanh đập thuỷ điện Đại Phục hưng trên sông Nile. Ai Cập khó có thể cùng một lúc mở hai mặt trận ở phía Đông và phía Tây.

Nhà phân tích chính trị Libya, Jalel Harchaoui thuộc Viện nghiên cứu Clingendael ở La Hay cho biết mặc dù hết sức căng thẳng, nhưng ông không thấy nguy cơ sắp xảy ra của cuộc đối đầu lớn về quân sự.

03.

Cuộc xung đột Libya chỉ có thể giải quyết được bằng chính trị

Libya leo thang: Cuộc chiến ở Sirte và căn cứ không quân Al-Jafra quyết định tình hình - Ảnh 6.

Trong tình hình căng thẳng leo thang, đã xuất hiện nhiều tiếng nói kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán.

Ngày 13/7/2020, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tái khẳng định, cuộc xung đột Libya không thể giải quyết được bằng quân sự. Paris kêu gọi tiếp tục đối thoại giữa các bên Libya để đạt được một lệnh ngừng bắn.

Ông chỉ trích những hành động được coi là sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc xung đột Libya và nói thêm rằng, sự ổn định ở Libya có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với an ninh của Liên minh châu Âu, Pháp và khu vực Sahel châu Phi.

Bộ trưởng Quốc phòng Italia Lorenzo Guerini, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly, Ngoại trưởng Đức trưởng Haiko Mass khẳng định cuộc khủng hoảng Libya không thể giải quyết được bằng quân sự và kêu gọi các bên ngăn chặn việc phân cực cuộc xung đột, đồng thời đòi chấm dứt sự can thiệp của bên ngoài vào cuộc xung đột Libya và cảnh bảo những tác động nguy hiểm của nó đối với an ninh và ổn định khu vực.

Libya leo thang: Cuộc chiến ở Sirte và căn cứ không quân Al-Jafra quyết định tình hình - Ảnh 7.

Ngoại trưởng Algeria Sabri Boukadoum trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Tunisia Noureddine Erray cũng cho biết các nỗ lực chung của Algeria và Tunisia nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn và nối lại các cuộc đối thoại chính trị giữa các bên xung đột tại Libya.

Ông nói: "Chúng tôi không có bất cứ lợi ích dầu mỏ và kinh tế nào tại Libya, chúng tôi chỉ muốn an ninh, ổn định, tôn trọng sự thoings ngất và toàn vẹn lãnh thổ của Libya."

Về phần mình, Ngoại trưởng Tunisia nói: "Chúng tôi đang tìm kiếm các đề nghị thiết thực nhằm thúc đẩy đối thoại thực sự, Tunisia và Algeria đang đóng vai trò tích cực trong vấn đề này."

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo L'Opinion của Pháp, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã đề nghị tổ chức một cuộc đối thoại giữa các bên trong cuộc khủng hoảng Libya, kêu gọi một giải pháp chính trị, theo lộ trình sẽ được kết thúc bằng một cuộc bầu cử, trong thời hạn tối đa 3 năm.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đàm thoại với những người đống cấp của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ và Algeria, kêu gọi hợp tác để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Libya trên cơ đồng thuận và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh, sự ổn định trong khu vực.

Ngay cả Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Hassan Shoukry là hai nước đối đầu chính hiện nay cũng tỏ ý để ngỏ cách cửa đàm phán.

Cuộc khủng hoảng Libya kéo dài đã chín năm nay đã chứng minh chỉ có thể giải quyết được bằng thương lượng hoà bình. Cơ sở của giải pháp cho cuộc xung đột này đang được cộng đồng quốc tế ủng hộ là Tuyên bố Hội nghị Berlin (19/1/2020) và Sáng kiến Cairo (7/6/2020) kêu gọi các bên ngừng bắn, nối lại đàm phán để thoả thuận một lộ trình, tiến tới tổng tuyển cử bầu ra một chính quyền mới đại diện cho tất cả các phe phái ở Libya.

Libya leo thang: Cuộc chiến ở Sirte và căn cứ không quân Al-Jafra quyết định tình hình - Ảnh 8.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại