Theo ông Tomas Ojea Quintana, quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân quyền, cho biết, 12 nữ bồi bàn Triều Tiên có liên quan tới vụ "đào tẩu" đáng chú ý cách đây 2 năm không biết mình đang đi đâu vào thời điểm đó.
Lâu nay đây vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Bình Nhưỡng cho rằng các nữ bồi bàn bị bắt cóc từ một nhà hàng Triều Tiên tại Trung Quốc trong khi Seoul khẳng định họ tự nguyện đào tẩu.
Hồi tháng 5, quản lý của 12 người nữ bồi bàn này bất ngờ tiết lộ rằng, ông ta đã nói dối về điểm đến và hăm dọa để buộc họ phải theo ông tới Hàn Quốc.
Ông Quintana cho hay, ông đã phỏng vấn "một vài người" trong số 12 nữ bồi bàn sau khi tới Seoul hồi tuần trước: "Tôi đã nhận được lời khai do người ở văn phòng của tôi lấy. Lời khai cho thấy mâu thuẫn với những chuyện có thể đã xảy ra"
Họ bảo với ông Quintana rằng họ "được đưa tới Hàn Quốc mà không biết rằng mình đang trên đường tới đó", ông Quintana nói.
Ông Quintana đã hối thúc chính quyền Hàn Quốc tiến hành "một cuộc điều tra độc lập và kỹ lưỡng" để tìm ra sự thật về vụ việc ngay khi có thể và "buộc những đối tượng liên quan phải chịu trách nhiệm".
Heo Gang-il, quản lý của nhà hàng Triều Tiên ở Ninh Ba, Trung Quốc, nơi các nữ bồi bàn làm việc, cho hay, ông này đã được Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) chiêu mộ năm 2014.
Tới năm 2016, vì sợ bị lộ nên ông Heo đã đề nghị NIS sắp xếp vụ đào tẩu của mình. Tới phút chót, Heo được NIS bảo đem các nữ bồi bàn theo cùng.
Ojea Quintana không cho biết liệu những người phụ nữ ông phỏng vấn có bày tỏ nguyện vọng quay trở lại Triều Tiên hay không nhưng ông cho rằng mong ước của họ nên được tôn trọng dù đó là gì.
"Lập trường của tôi trong cương vị của một báo cáo viên thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là tôn trọng quyết định của các nạn nhân", ông nói, "Khi tôi nhắc tới từ nạn nhân thì tôi đang ám chỉ rằng họ là đối tượng của một hành động lừa đảo liên quan tới nơi họ đến".
Bộ Thống nhất Hàn Quốc trước đó đã tuyên bố sẽ tìm hiểu các cáo buộc.